Chuyên gia: '10 tên lửa Zircon tập kích cùng lúc cũng khó đánh chìm tàu ​​sân bay Mỹ'

ANTD.VN - Tàu ​​sân bay Mỹ không phải mục tiêu dễ bị đánh bại, cho dù nó đối mặt với tên lửa siêu thanh Zircon hay thậm chí cả vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Cần bao nhiêu tên lửa để đánh chìm một tàu sân bay Mỹ? Vấn đề này đã được các nhà quan sát quốc tế, chuyên gia quân sự thảo luận nhiều năm qua. Hóa ra những "gã khổng lồ" này không dễ bị vô hiệu hóa một chút nào.

Tàu sân bay là xương sống của Hải quân Mỹ. Hiện họ có 10 hàng không mẫu hạm đang hoạt động. Chúng là những tàu chiến lớn nhất thế giới với lượng giãn nước đầy tải hơn 100 nghìn tấn.

Mỹ đã sử dụng tàu sân bay của mình trong các trận chiến quy mô lớn của Thế chiến II. Từ kinh nghiệm rút ra, họ biết điều gì là quan trọng đối với sự sống còn của một hàng không mẫu hạm. Do đó, con tàu có hàng chục hệ thống phòng vệ giúp tăng khả năng sống sót.

Đầu tiên, tàu sân bay được bảo vệ bằng thép cường độ rất cao. Thứ hai, do kích thước rất lớn, hàng không mẫu hạm có khả năng nổi tuyệt vời, nó gần như không thể chìm.

Thứ ba, tất cả các hệ thống quan trọng trên tàu sân bay đều có bản dự phòng, chẳng hạn như phòng điều khiển chính. Thứ tư, lò phản ứng hạt nhân và vũ khí nằm sâu dưới nước, được bảo vệ bởi lớp thép dày. Nhiên liệu được đặt trong các phao đưa ra bên ngoài tàu.

Nhiều chuyên gia quân sự và nhà khoa học chính trị nói rằng nếu cần phải tấn công tàu sân bay Mỹ, điều đó có nghĩa là một cuộc chiến tranh hạt nhân đã bắt đầu.

Nhưng ngày nay tất cả chúng ta đều thấy rằng việc sử dụng vũ khí hạt nhân chẳng hề dễ dàng như vậy. Thậm chí khả năng trên thấp gần như bằng không.

Dù trên boong tàu sân bay có nhiều phi cơ đầy nhiên liệu và mang đủ bom, song dù tất cả những thứ đó phát nổ chiếc hàng không mẫu hạm vẫn khó chìm, khi sở hữu hệ thống chữa cháy tin cậy.

Một thực tế khác - tàu sân bay không bao giờ đơn độc, nó được hộ tống bởi các tàu có hệ thống phòng không. Tức là nhiều tên lửa sẽ bị bắn hạ trước khi chúng kịp chạm boong tàu.

Theo chuyên gia quân sự người Nga Alexei Leonkov - Giám đốc thương mại Tạp chí Kho vũ khí của tổ quốc, với 10 quả tên lửa Zircon, thậm chí nhiều hơn cũng không thể đánh chìm tàu ​​sân bay Mỹ.

Ông Leonkov nói rằng đó cỏn là giả định các tàu chiến hỗ trợ tàu sân bay đã bị loại bỏ, điều rất khó xảy ra trong thực tế.

Ông Leonkov cho rằng, trong trường hợp bị trúng cả 10 tên lửa Zircon, tàu sân bay dù bị thiệt hại nặng nề nhưng vẫn sẽ nổi trên mặt nước.

“10 tên lửa Zircon cũng không thể đánh chìm một tàu sân bay. Sẽ có thiệt hại, rất có thể là nặng nề, nhưng việc tàu sân bay Mỹ tự mình quay trở lại căn cứ là hoàn toàn khả thi” ông Lenkov nói.

Dù sao tên lửa Zircon chỉ có thể đánh trúng tàu sân bay ở phần thượng tầng, bên dưới nước cần sử dụng vũ khí khác, ví dụ như ngư lôi như VA-111 Shkval.

Tuy nhiên để thực sự xuyên thủng giáp tàu sân bay, sẽ cần khoảng 10, thậm chí 20 quả ngư lôi. Thực tế là tàu sân bay như lớp Nimitz có khả năng chống ngư lôi dài 6 mét. Đó là một hệ thống với 3 buồng dập tắt vụ nổ. Vì vậy phải liên tục đánh vào cùng một điểm nhiều lần.

Kể cả vũ khí hạt nhân cũng không nên kỳ vọng quá nhiều khi tàu sân bay Mỹ được tính toán chống lại vũ khí hủy diệt hàng loạt ngay từ trong thiết kế ban đầu.

Những bức tường thép của nó ngăn bức xạ gamma. Hệ thống chữa cháy sẽ rửa bức xạ khỏi boong tàu. Một vụ nổ 300 kt ở khoảng cách 1 km sẽ không thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho con tàu.

Vì vậy, ngay cả một tên lửa với đầu đạn hạt nhân cực mạnh cũng phải bắn trúng tàu sân bay Nimitz trong bán kính nửa km mới khiến nó bị thương nặng.