Chuyện ghi ở Bảo tàng đường Hồ Chí Minh

(ANTĐ) - Từ đầu năm 2009 đến nay, Bảo tàng đường Hồ Chí Minh (Hà Đông, Hà Nội) đón hàng chục nghìn lượt khách đến thăm. Hiện bảo tàng có khoảng 12.000 kỷ vật về bộ đội, thanh niên xung phong tại chiến trường Đường Hồ Chí Minh. Mỗi kỷ vật là một kỷ niệm, ký ức hào hùng, bi tráng, thẫm đẫm mồ hôi, nước mắt và ý chí kiên cường, lòng dũng cảm của các chiến sĩ Đoàn 559 anh hùng.

Chuyện ghi ở Bảo tàng đường Hồ Chí Minh

(ANTĐ) - Từ đầu năm 2009 đến nay, Bảo tàng đường Hồ Chí Minh (Hà Đông, Hà Nội) đón hàng chục nghìn lượt khách đến thăm. Hiện bảo tàng có khoảng 12.000 kỷ vật về bộ đội, thanh niên xung phong tại chiến trường Đường Hồ Chí Minh. Mỗi kỷ vật là một kỷ niệm, ký ức hào hùng, bi tráng, thẫm đẫm mồ hôi, nước mắt và ý chí kiên cường, lòng dũng cảm của các chiến sĩ Đoàn 559 anh hùng.

Tuổi thanh xuân gửi nơi chiến trường

Gây nhiều xúc động cho du khách là lọn tóc của chị Phạm Thị Loan (Đại đội 3, Trung đoàn 34 công binh - Sư đoàn 472 Bộ đội Trường Sơn) được góp nhặt trong những ngày chiến đấu. Cả tuổi thanh xuân của nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam đã để lại nơi chiến trường, có người đã hy sinh, nhiều người trong số họ đã để lại một phần thân thể. Máu và nước mắt của chiến sĩ đường Trường Sơn đã tưới đẫm đất rừng nơi đây.

Trước rừng thiêng, nước độc, sự độc ác của kẻ thù khi thả các chất hóa học vào nguồn nước, những nữ chiến sĩ đối mặt với vất vả, gian nan hơn cả. Những sợi tóc bị rụng và được góp nhặt lại của chị Loan (quê Ninh Bình) sau những cơn sốt rét rừng ác tính gửi tặng bảo tàng đã nói lên phần nào sự hy sinh lớn lao của các chị.

Có mặt từ rất sớm tại Bảo tàng là hai vợ chồng cựu chiến binh Binh trạm 12, chiến trường miền Tây Quảng Bình, Quảng Trị, bác Lê Đình Lâm (quê Nghệ An) và bác Đỗ Thị Tỵ (quê Ninh Bình). Hai vợ chồng bác sỹ, y sỹ Lâm và Tỵ đã kết hôn và gửi gắm tuổi thanh xuân, máu thịt nơi chiến trường miền Tây Quảng Bình, Quảng Trị.

Nhìn như hút hồn vào phần trưng bày của tuyến đường 20 quyết thắng, ngã ba Chà Là, Cổng Trời, cua Chữ A, Mụ Dạ, đèo Đá Đẽo... bác Lâm kể lại, đường 12A, km 39 là vị trí trọng điểm ác liệt bậc nhất của đường Trường Sơn suốt những năm chống Mỹ.

Nơi đây là “túi” bom đạn, là nơi chiến sĩ ta đổ máu và hy sinh nhiều nhất. Nói đến mất mát, bác Lâm và bác Tỵ nhớ lại: “Những gì phim ảnh, báo chí, sách truyện và cả những kỷ vật nơi đây không thể nào nói hết được sự ác liệt, hy sinh nơi chiến trường. D2 cứ sau mỗi năm là gần như xóa sổ cả tiểu đoàn vậy mà đường vẫn thông tuyến. Thực tế gian khổ gấp cả trăm nghìn lần những gì chúng ta tưởng tượng”.

Thế hệ trẻ hôm nay luôn biết ơn và tự hào về truyền thống anh hùng của cha ông
Thế hệ trẻ hôm nay luôn biết ơn và tự hào về truyền thống anh hùng của cha ông

Tại khu vực trưng bày, người xem được tận mắt chứng kiến những tấm bản gỗ khẩu hiệu, thể hiện sự quyết tâm bám rừng, bám đường của chiến sĩ như “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “Sê San nổi sóng phà qua, lòng người chiến sĩ C3 quản gì”, “Sông nước là trận địa, cầu phà là vũ khí, công binh là dũng sĩ kiên cường” hay “Máu D2 công binh có thể đổ.

Đường BT12 không thể tắc”. Những khẩu hiệu không chỉ là lời nói mà được chứng minh bằng nhiều thế hệ chiến sĩ ngã xuống để cho những chuyến xe, chuyến phà, đoàn thuyền vận chuyển và những đợt hành quân không ngơi nghỉ trong suốt cuộc chiến thần thánh của dân tộc.

Những chiếc cuốc, xẻng được trưng bày đã bị xuyên thủng bởi nhiều vết bom đạn vẫn liên tục được nắm chặt trong tay nhiều thế hệ công binh, thanh niên xung phong thay phiên nhau ngã xuống để tuyến đường huyết mạch lưu thông. Bác Tỵ nhìn tấm áo giáp bọc vải bạt bên ngoài và nhớ lại mình từng có một tấm như vậy nhưng ngắn hơn.

Những thùng lương khô được dùng làm thùng gánh nước; chiếc túi đựng gạo là túi bọc ba lô khi đến mùa mưa, lại là chiếc phao khi vượt sông và là túi đựng thi thể đồng đội khi ngã xuống; một chiếc gương nhỏ, một chiếc lược từ mảnh bom… tất cả ký ức một thời hùng tráng và mất mát dội về với người lính trẻ năm xưa.

Khâm phục và ngỡ ngàng

Bảo tàng rộn rã tiếng trầm trồ của học sinh trường THPT Bán công Trần Quốc Tuấn (Hà Nội) khi được nghe hướng dẫn viên kể về những kỷ vật, khí tài của bộ đội ta và địch trong căn phòng. Một cây súng trường CKC của Anh hùng Trương Xuân Hòa - Đại đội 6A vận tải thuyền Tiểu đoàn 162, Binh trạm 35 đã bắn hạ máy bay trên sông Sê Kông làm cho học sinh trường Trần Quốc Tuấn thán phục.

Nhìn ngắm cây chèo, cây súng mà đại đội thuyền trên sông Sê Kông ngày trước vững tay đưa hàng, quân sang sông, những can xăng được vác trên vai xuyên rừng dưới làn bom đạn, em Nguyễn Văn Hiển bộc bạch: “Chúng em được sống trong thời bình không thể hiểu hết được sự dũng cảm, hy sinh của các bác, các chú nhưng những gì được thấy tại bảo tàng làm chúng em rất khâm phục và ngỡ ngàng”.

Thế Nam