- Philippines giảm thiểu rủi ro thảm họa bằng chuyển đổi kỹ thuật số
- Xu hướng chuyển đổi kỹ thuật số hàng đầu để đổi mới trong giáo dục
- Những công nghệ chuyển đổi kỹ thuật số hàng đầu hiện nay
|
Dây chuyển công nghệ Robot tại một công ty sản xuất ô tô ở Chiết Giang, Trung Quốc |
Ứng dụng công nghệ số để vượt qua khó khăn
Công ty dệt may Beyond ở tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, tuyên bố sẽ tập trung nhiều hơn cho các mặt trận kỹ thuật số trong năm 2023 này. Các kế hoạch đầy triển vọng đã được vạch ra để thúc đẩy quá trình chuyển đổi. Ông Rong Juchuan cho biết, công ty của ông sẽ tận dụng các nền tảng trực tuyến để mở rộng doanh số bán hàng và ứng dụng công nghệ Internet công nghiệp trong các dây chuyền sản xuất để giảm chi phí vận hành.
Động lực số hóa của Beyond đã cho thấy cách các nhà sản xuất Trung Quốc, đặc biệt là những nhà sản xuất trong các ngành công nghiệp truyền thống, đang nỗ lực vượt qua những khó khăn bằng cách nắm bắt xu hướng và ứng dụng các công nghệ chuyển đổi số. Các công nghệ kỹ thuật số phát triển nhanh chóng từ dữ liệu lớn đến 5G đang phổ biến rộng rãi trong lĩnh vực sản xuất và định hình lại bối cảnh kinh tế ở quy mô lớn hơn. Đối với các nhà sản xuất nói riêng, số hóa đồng nghĩa với việc giảm sự bất đối xứng thông tin và tăng tính minh bạch của chuỗi cung ứng, cho phép tăng trưởng chất lượng và giúp họ có phản ứng tốt hơn trước những biến động của thị trường.
Trong thời kỳ bùng phát trở lại của Covid-19 tại Trung Quốc gần đây, vai trò của số hóa càng trở nên quan trọng hơn trong việc đảm bảo một nền kinh tế năng động và không bị gián đoạn. Tại các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề, luồng hàng hóa bị tắc nghẽn đối với một số doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), và nhờ các công nghệ vận tải thông minh đã làm thông suốt mạng lưới cung ứng. Ông Ma Feng, Giám đốc bán hàng của JD Logistics, cho biết: “Trong lúc bị hạn chế bởi đại dịch, chúng tôi đã xử lý số lượng đơn đặt hàng nhiều hơn bình thường gấp nhiều lần, hầu hết đến từ các doanh nghiệp vừa và nhỏ có hàng hóa bị mắc kẹt”. Theo ông Ma Feng, thông qua sự phối hợp kỹ thuật số giữa các thương nhân, nhà kho, hoạt động và các liên kết khác, các sản phẩm được lưu trữ ở những nơi khác nhau có thể được triển khai một cách hiệu quả và hiệu suất của chuỗi cung ứng có thể được đảm bảo ở mức tối đa.
Tại các cuộc họp gần đây, Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT) đã đặc biệt kêu gọi nỗ lực tận dụng tốt mạng 5G, Internet công nghiệp và các công nghệ kỹ thuật số khác để giúp doanh nghiệp giải quyết khó khăn, ổn định chuỗi cung ứng. Với vai trò ngày càng quan trọng của các công nghệ kỹ thuật số, việc tăng cường hỗ trợ chính sách cũng đang được triển khai. Sau thời kỳ khó khăn, ông Rong vẫn lo ngại về những thách thức còn đó, nhưng nhìn về tương lai, doanh nhân dày dạn kinh nghiệm vẫn tự tin có thể vượt qua những “cơn gió ngược”.
Kinh tế số là động lực chính cho tăng trưởng
Được đánh giá là quốc gia có nền kinh tế số lớn thứ 2 thế giới, Trung Quốc hiện dẫn đầu về đổi mới toàn cầu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (big data), thương mại điện tử và phát video trực tiếp (live-streaming)… Quốc gia này đang thực hiện chiến lược mở rộng nền kinh tế kỹ thuật số và xác định đây là động lực chính cho tăng trưởng trong vài thập kỷ tới. Các chuyên gia cho biết, Trung Quốc với lợi thế của thị trường quy mô lớn, dân số chiếm gần 1/5 dân số toàn cầu (1,44 tỷ người) đã chuyển đổi thành cường quốc về sản xuất và công nghệ, hệ thống công nghiệp hoàn chỉnh, cùng hệ sinh thái internet dẫn đầu về đổi mới. Phát triển kinh tế số hiện được xem là lựa chọn tất yếu của Trung Quốc và đã đạt được nhiều dấu ấn, thành tựu.
Kinh tế số tăng trưởng mạnh của Trung Quốc được thể hiện qua tốc độ tăng đột biến các giao dịch thương mại điện tử. Giao dịch thương mại điện tử của Trung Quốc hiện lớn hơn 5 nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Pháp, Đức, Nhật Bản, Anh, Mỹ và sở hữu một lượng lớn người dùng trong lĩnh vực thanh toán di động với giá trị giao dịch lớn hơn 11 lần giá trị giao dịch của Mỹ. Trung Quốc có hơn 1,3 tỷ người dùng Internet di động, dân số mua hàng online lớn nhất, số lượng hàng hóa lớn nhất và tỷ lệ thanh toán di động cao nhất thế giới.
Sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông số và thương mại điện tử với sự hiện diện của 3 nhà cung ứng nội địa khổng lồ bao gồm: Thương mại điện tử (Alibaba); Game trực tuyến và mạng xã hội Tencent); Công cụ tìm kiếm (Baidu) chính là những đặc trưng quan trọng của kinh tế số của Trung Quốc. Theo thống kê, mỗi năm, Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba xử lý số giao dịch mua bán nhiều hơn cả Ebay và Amazon cộng lại. Với thế mạnh về game trực tuyến và mạng xã hội, Tencent hiện là công ty có giá trị lớn thứ 10 toàn cầu (khoảng 275 tỷ USD). Baidu là công ty thống trị mảng công cụ tìm kiếm tại thị trường nội địa sau khi Google phải rút khỏi thị trường do bị kiểm duyệt.
Không chỉ có sự phát triển bùng nổ trong thương mại điện tử, kinh tế số của Trung Quốc còn được thể hiện qua chủ trương thành lập chính phủ điện tử với việc thông qua chương trình phát triển chữ ký điện tử ngay từ rất sớm. Các cơ quan Nhà nước ở trung ương, địa phương thiết lập trang web riêng, cung cấp nhiều dịch vụ trực tuyến tạo thuận lợi cho công việc của người dân. Trung Quốc phát triển mạnh ngân hàng điện tử, phương thức cho vay ngang hàng P2P (Peer-to-Peer) dựa trên Internet. Hiện Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thị trường cho vay P2P trên toàn cầu. Hình thức thanh toán tiền mặt ngày càng giảm và được thay thế bằng các phương thức thanh toán điện tử hiện đại như quét mã QR, thanh toán bằng ví điện tử. Chính phủ điện tử giúp nâng cao hiệu quả của các dịch vụ công thông qua số hóa.
Với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế số cùng nhiều thành tựu, dấu ấn, Trung Quốc xác định kinh tế kỹ thuật số là động lực chính cho tăng trưởng trong vài thập kỷ tới, đồng thời đặt mục tiêu biến việc đạt được khả năng tự cung cấp công nghệ trở thành ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Các chuyên gia cho rằng, mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức trên con đường tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc giai đoạn phía trước, song với các chính sách, quy định tạo điều kiện thuận lợi, kinh tế số sẽ thúc đẩy việc nâng cấp cơ cấu kinh tế của Trung Quốc cùng với những đột phá về công nghệ chủ chốt và đạt được mức tăng trưởng cao ổn định. Theo dự kiến đến năm 2027, kinh tế số sẽ chiếm khoảng một nửa GDP của Trung Quốc và trở thành động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước này.