'Chuyến công du chống Nga' của Tổng thống Biden mang lại hậu quả đáng buồn cho Mỹ

ANTD.VN - "Chuyến công du chống Nga" của Tổng thống Biden tới Trung Đông bị nhận xét không mang lại kết quả nào đáng kể.

Trong nỗ lực nhằm hạ nhiệt cơn sốt giá dầu, Tổng thống Biden đã tới thăm Saudi Arabia, hành động được giới chuyên môn nhìn nhận là "chuyến công du chống Nga".

Tuy vậy, sự thất bại của Tổng thống Biden khi không thuyết phục được Saudi Arabia đã gây ra một mức tăng kỷ lục của giá dầu và gây ra tác dụng xấu đối với nước Mỹ. Nhà báo Zara Taieb của tờ Business Insider đã đưa ra ý kiến trên.

Theo ấn phẩm Business Insider, giá dầu Brent đã tăng 2,69%, đạt 103,79 USD (hiện đang giao dịch ở mức 106 USD), đây là mức tăng kỷ lục hàng ngày của giá nhiên liệu kể từ đầu tháng 7. Nhưng cho đến thời điểm này, thị trường ghi nhận một đợt giảm giá trong 5 tuần liên tiếp.

Nhà báo Zara Taieb khẳng định, việc dầu tăng giá mạnh như vậy có liên quan trực tiếp đến sự thất bại trong chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Như đã biết, trong khuôn khổ chuyến đi của mình với trọng điểm là Saudi Arabia, nhà lãnh đạo Mỹ đã lên kế hoạch thuyết phục Riyadh tăng nguồn cung dầu cho thị trường thế giới và hạn chế giá nhiên liệu của Nga.

Do đó, Washington mong muốn ổn định thị trường dầu mỏ vốn đang khủng hoảng sau khi áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Liên bang Nga, để làm được điều này thì Mỹ không thể bỏ qua vai trò của Saudi Arabia.

Nhưng kế hoạch của Mỹ đã thất bại: Tổng thống Biden không thể nhận được một thỏa thuận cần thiết cho Mỹ từ Thái tử Mohammed bin Salman Al Saud. Theo đó, Saudi Arabia chỉ hứa cân bằng sản lượng dầu trong khuôn khổ OPEC +.

Các nhà phân tích tại Tập đoàn ngân hàng ING cho biết: “Giá dầu thô WTI và Brent tăng ngay sau khi Tổng thống Biden rời Trung Đông mà không được hứa hẹn có thêm thùng dầu nào để giúp giảm giá xăng cao kỷ lục tại Mỹ”.

Đương nhiên, sự liên kết như vậy hứa hẹn gây ra những hậu quả đáng buồn cho nước Mỹ, nơi mà hồi đầu tháng 6, chi phí xăng dầu lần đầu tiên vượt ngưỡng 5 USD trên mỗi gallon.

Cơ quan phân tích của Tập đoàn ngân hàng ING viết thêm rằng tình hình giá nhiên liệu đang góp phần gây ra chỉ số lạm phát tăng vọt, từ đó "xé nát nền kinh tế và làm tổn thương các tài xế Mỹ".

“Rủi ro nguồn cung vẫn còn rõ ràng trên thị trường quốc tế và các đường cong biểu đồ tương lai vẫn cho thấy một hoạt động kém hiệu quả".

Chuyên gia Geoffrey Halley - một nhà phân tích tại công ty dịch vụ tài chính OANDA đã đưa ra ý kiến trên và cho biết thêm: "Bất chấp sự hỗn loạn trên thị trường đầu cơ tương lai, các động lực trong thế giới thực vẫn hỗ trợ giá dầu hơn bao giờ hết".

Ngoài ra, các nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất của Mỹ sẽ tăng ít nhất 0,75 điểm phần trăm nữa trong tháng này, điều đó nếu xảy ra như dự đoán của giới chuyên gia chắc chắn sẽ gây thêm áp lực đáng kể lên thị trường năng lượng.

Tuy vậy theo nhiều nhà phân tích, việc giá dầu lên cao cũng không hẳn đã khiến Nga được lợi, khi Moskva đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ nguồn năng lượng của mình, họ phải chấp nhận mức chiết khấu rất cao (lên tới hơn 30%)để tìm khách hàng sẵn sàng mua.