Chuyện cha mẹ “dìm hàng” khiến con tổn thương, sốc nặng

ANTĐ - Có người dùng đòn roi để răn đe, có người để con lớn lên hoang dại, có người nghiêm khắc, có người vì yêu thương lại yêu chiều quá mức và có những bậc phụ huynh chọn cách “dìm hàng” để dạy con...

Có vô vàn bậc cha mẹ là có vô vàn cách dạy dỗ con khác nhau. Có người chọn cách bênh con, có người dùng đòn roi để răn đe, có người để con lớn lên hoang dại, có người nghiêm khắc, có người vì yêu thương lại yêu chiều quá mức và có những bậc phụ huynh chọn cách “dìm hàng” để dạy con. Họ tìm mọi phương thức dù là kì quái để con cái của mình thoát khỏi dư luận, thoát khỏi những hào quang hư ảo. Và tựu chung lại, cho dù làm cách nào đi chăng nữa, tất cả cũng đều xuất phát từ tình yêu thương của cha mẹ dành cho những đứa con của mình, những đứa con mãi mãi bé bỏng, chẳng bao giờ lớn.

Scandal để “dìm” con

Gần đây, dư luận vẫn đang xôn xao với vụ việc bé Quỳnh Anh tham gia Tìm kiếm tài năng Việt Nam và mẹ của bé “giành” mic trên sân khấu để bênh vực, bảo vệ cho con khi ban giám khảo quyết định không cho Quỳnh Anh đi tiếp vào vòng trong. Người ta nói rằng sở dĩ mẹ bé Quỳnh Anh làm vậy là bởi bà quá tự tin và kì vọng vào con gái. Những hào quang bà tạo cho con gái mình cũng vô tình tạo nên những ảo tưởng tài năng. Đó là câu chuyện được rất nhiều người biết đến. Bà Liên (Việt Trì, Phú Thọ) cũng tạo nên một câu chuyện như thế nhưng bà tạo ra nó và chủ đích để Linh Vi, con gái bà, bị dư luận lên án và bà hi vọng điều đó sẽ giúp con gái bà trưởng thành hơn.

Bà Liên là một nhân vật khá nổi tiếng ở thành phố vì quyền lực và sự giàu có của mình. Đó là một người đàn bà thực sự thành đạt trên con đường công danh. Ở đời, được cái này thì mất cái kia. Đổi lại, gia đình bà Liên không mấy hạnh phúc. Mải mê với sự nghiệp của mình, bà không có thời gian để chăm sóc cho chồng con của mình. Con trai đầu của bà mất khi mới lên 3 tuổi sau một trận ốm kéo dài. Khi ấy, việc kinh doanh bận rộn khiến bà không chăm con được buổi nào mà tất cả đều do chồng bà đảm nhiệm. Sự ra đi của con trai đầu đã làm đứt gãy mối liên hệ giữa gia đình bà. Chồng bà lao vào những cuộc tình một đêm, một lúc có tới 3,4 cô nhân tình. Linh Vi là con út, trở thành con gái duy nhất của bà. Mọi yêu thương bà đều dành cho cô bé.

 

Dĩ nhiên, Linh Vi được cưng chiều hết mực là điều dễ hiểu. Cô bé có một bà me quyền lực nên Linh Vi cũng vô tình trở thành một cô bé “quyền lực” do sự tán tụng của người lớn. Mọi hoạt động cô bé tham gia, ban giám khảo đều được nhắc nhở rằng Linh Vi là con của người này người này. Người này đã làm cái này, cái kia có lợi cho họ nên việc cân nhắc cho Linh Vi một giải thưởng là chuyện nên làm và chẳng có gì khó khăn. Thế nên từ nhỏ đến lớn, Linh Vi đã được nhận không ít giải thưởng. Người lớn vì mẹ cô bé mà không ngớt lời khen ngợi tài năng của Vi. Bà Liên gọi là cưng chiều Vi nhưng chỉ dừng lại ở chỗ cho con làm bất cứ thứ gì con mình thích chứ không quan tâm và theo dõi sát sao con được. Vi được giải thì bà vui, đôi khi còn nghĩ con bé nhà mình nhiều tài năng nghệ thuật. Phải đến khi vô tình nghe một cuộc hội thoại giữa trưởng ban tổ chức và trưởng ban giám khảo bàn bạc về việc cho Linh Vi giải gì trong cuộc thi hội họa sắp tới vì mẹ Vi vừa tài trợ hơn trăm triệu cho cuộc thi thì bà mới thấy lo lắng.

Người lớn đang làm hỏng con gái bà vì giải thưởng. Con bé Vi cũng bị chính những điều ấy lừa gạt. Con bé rất tự tin. Điều đáng ngại là con bé tự tin thái quá, nó trở thành tự cao tự đại. Linh Vi tin rằng con bé có tài năng thực sự và chắc chắn mọi cuộc thi Vi tham gia, cháu đều giành được giải.

Không muốn con ảo tưởng về bản thân mình, bà Liên lên kế hoạch để giúp con “tỉnh” ra. Bà chỉ còn mỗi Linh Vi là con nên bà muốn con mình lớn lên phải có một tâm hồn đẹp đẽ, phải hiểu rằng con bà cũng chỉ là một người bình thường và luôn phải cố gắng để đạt được điều mình muốn chứ không thể ngồi không vẫn thành công. Bà tạo dựng câu chuyện Linh Vi được mẹ mua giải. Tất cả giải thưởng của con gái bà đạt được từ trước đến nay đều do một tay bà mẹ quyền lực lo lót tiền bạc để mua về. Bà thậm chí còn nhờ vả bạn bè con vờ kì thị và xì xào tạo dư luận để khiến Linh Vi bị sốc. Bị tẩy chay, bị bàn tán, bị trở thành nhân vật chính trong mọi câu chuyện trong trường ngoài ngõ khiến Vi thực sự sợ hãi. Quả thật trước giờ, Vi luôn có suy nghĩ mình là nhất. Cô bé chẳng hề sợ ai cả vì ai cũng nể sợ mẹ Vi. Có bà mẹ quyền lực, Vi ngỡ mình một tay che được cả bầu trời. Nhưng bầu trời rộng lớn, cô bé chỉ sống dưới một vòm trời nhỏ, làm sao biết được ngoài kia ra sao.

Cái tin Vi mua giải nhanh chóng được lan truyền. Vi cố gắng giải thích tin đồn nhưng không ai nghe. Cô bé bị sốc và nhốt mình trong nhà. Đợi đến lúc ấy, bà Liên mới tỉ tê, trò chuyện cùng con, nói: “Tin đồn đến thì tin đồn khác đi. Cái chính là con phải sửa chữa bản thân mình để chứng minh cho mọi người thấy con là người có tài năng thực sự. Không phải tài năng dùng tiền để tạo nên”. Tuy nhiên những lời khuyên nhủ ấy chẳng mấy thấm vào suy nghĩ của cô bé 15 tuổi, quen sống trong hào quang mà người lớn vô tình tạo nên cho mình. Vi rơi vào trạng thái trầm cảm nặng. Chỉ hơn một tuần mà cố bé sút tới 3 cân và tuyệt nhiên không ra khỏi nhà. Bà Liên lúc ấy lại hoảng hốt vì cách làm của bà đã gây hậu quả mà bà không ngờ tới. Giờ có sửa tin đồn và để mọi việc quay về con đường cũ cũng rất khó để khắc phục được những tổn thương mà bà đã gây ra cho con. Thế mới thấy, không phải cách dạy con nào cũng có thể tạo ra hiệu quả như bản thân ta mong muốn.

“Con nhà em dốt lắm bác ạ!”

Đó là câu cửa miệng mà anh Hùng mỗi khi có người hỏi về việc học tập của thằng cu Minh, con trai 9 tuổi của anh. Thực ra, Minh là một cậu bé rất thông minh và láu lỉnh. Việc chăm chỉ đọc sách khiến thằng bé lí luận như một ông cụ non. Nó ham hiểu biết và thích tìm hiểu về mọi thứ. Thế nhưng thay vì khuyến khích con học hành, Hùng chọn cách chê bai để thúc đẩy sự ham học của con. Hùng quan niệm: “Bị chê bai, trẻ sẽ tự ái. Càng tự ái thì sẽ càng cố gắng”. Bởi vậy, chuyện khen con là chuyện không bao giờ Hùng làm. Anh sợ con mình sẽ vì thế mà tự cao tự đại. Cô giáo ở lớp khen ngợi Minh là thể nào cũng bị Hùng trách. Anh nói: “Cháu nó học hành đã hơn ai mà cô khen và thưởng. Điều đó không tốt cho trẻ con”.

Hùng không bao giờ kể thành tích của con cho mọi người biết mà anh thường luôn miệng chê con khi được hỏi tới: “Con nhà em dốt lắm bác ạ. Đã dốt lại còn lười. Chắc sau này chả làm được gì”. Bao nhiêu giấy khen, phần thưởng thằng bé Minh được nhận từ trường, lớp và hội phụ huynh đều bị bố Hùng giấu sạch. Hùng nói, phần thưởng chỉ là thứ phù phiếm, không có tác dụng gì với con trẻ cả. Vợ Hùng nói cách giáo dục của anh đối với con quá nghiêm khắc và không tốt vì nếu trẻ cố gắng mãi mà không nhận được sự động viên, khích lệ thì trẻ sẽ không còn cố gắng nữa. Hùng không đồng ý với ý kiến của vợ nên dù vợ có tham gia, anh vẫn kiên quyết giữ cách dạy con của mình. Mặc dù trong lòng Hùng thừa nhận và tự hào rằng con anh là một đứa trẻ thông minh, học giỏi và rất nhanh nhay. Mỗi khi rảnh, anh lại lấy giấy khen của con ra đọc và thầm vui mừng. Không ai được biết chuyện này vì Hùng phải giữ hình ảnh ông bố nghiêm khắc trong mắt con trai.

Để tránh lời khen ngợi con từ phía hàng xóm, Hùng cho con học ở một trường xa nhà. Điều này sẽ giúp không một hàng xóm nào biết được thành tích học tập của con trai anh. Một chiêu bài dạy con nữa mà Hùng thường xuyên dùng là lúc nào cũng chê bai con mình, so sánh con với con của người khác. Chỉ cần thằng bé Minh làm sai một bài tập toán thì đó sẽ là chủ đề được Hùng mang ra nói suốt ngày. Thấy con ngồi xem hoạt hình, Hùng lại: “Bài tập làm sai mà vẫn ngồi ung dung xem ti vi được là thế nào”, “Ăn nhanh lên mà còn đi học. Bố mà làm sai một bài tập như con thôi thì bố chẳng còn bụng dạ nào để ăn với uống nữa”... Những việc làm của Hùng tạo áp lực rất lớn cho con trai và khiến cháu sinh ra tâm lý chán nản. Hùng rất cưng con nhưng không chiều. Khi hai bố con đi cùng nhau ngoài đường, chỉ đến lúc ra khỏi “vùng có nhiều người quen”, Hùng mới cầm tay con dắt đi hoặc công kênh con lên cổ. Vợ anh nhiều khi đùa: “Anh chăm con anh mà cứ lén lút như chăm con của mình với nhân tình vậy”.

 

Hùng không hiểu một điều rằng, thằng bé Minh rất muốn được bố khen ngợi. Nó học ngày học đêm cũng vì điều này chứ cháu chưa thể nhận thức được, việc học là tốt cho bản thân cháu trước tiên. Nhưng học mãi, bố không khen là một nhẽ, bố lại luôn mồm chê bai nên Minh chán nản.  Việc học của Minh bắt đầu đi xuống và càng xuống dốc, bố Hùng càng quát mắng nhiều. Không có một động lực nào giúp Minh muốn học trở lại. Hùng cứ ngỡ phương pháp dạy con của mình là khoa học nhưng kì thực, khi vượt quá chừng mực cần thiết, nó đã bước sang ngưỡng phản khoa học.

Cũng như Hùng, chị Bình chọn cách chê con để dạy con. Con bé Mỹ Hạnh nhà chị năm nay đã 15 tuổi, đang ở tuổi dậy thì, khó dạy bảo bởi tính tình cháu đang ở giai đoạn biến đổi nhưng với chị Bình, dạy con là chuyện đơn giản. Chị quan niệm, càng “dìm” con, con càng tự ái thì càng tốt. Mỹ Hạnh là một đứa trẻ rất xinh xắn. Đến tuổi thiếu nữ, nhu cầu ăn diện của Hạnh cũng nhiều hơn nhưng mẹ Bình tuyệt đối không cho con làm đẹp, thậm chí con càng lôi thôi, lếch thếch chị càng hài lòng. “Làm đẹp là dấu hiệu của sự xao lãng học hàng”. Giữ nguyên quan điểm đó, chị Bình can thiệp vào mọi chuyện sinh hoạt hàng ngày của con. Chị cấm mọi người trong nhà không được khen ngợi Hạnh, nhất là chuyện con bé nhìn rất xinh. Hạnh luôn bị mẹ lấy ra so sánh với một cô bạn cùng lớp.

Mẹ Bình nói: “Bạn ấy học giỏi, xinh xắn. Bố mẹ bạn ấy chẳng phải lo gì cả. Còn con thì mẹ phải lo cho từ đầu đến chân. Lúc nào cũng phải lo vì con không được cái nết gì cả”. Mới đầu, Hạnh tự ái. Con bé lao vào học và kết quả là đạt được thứ hạng cao hơn cô bạn kia nhưng mẹ Bình chỉ liếc qua tờ kết quả vài giây rồi lạnh lùng nói: “Ăn may thôi mà”. Một câu nói đủ để đổ đi tất cả những cố gắng của Hạnh trong bao ngày tháng và đủ để làm tổn thương tâm hồn của một đứa trẻ. Hạnh vẫn học, vẫn đạt thành tích tốt nhưng có một điều cô bé không thể hiểu được rằng cháu phải làm như thế nào thì mẹ cháu mới hài lòng và mà công nhận những cố gắng của bản thân cháu.

Cuống quýt tìm lỗi để phạt con

Có lẽ phương pháp “chê con” là phương pháp được hầu hết các bố, các mẹ chọn để “dìm” con. Khi chọn cách dạy con này, các bậc phụ huynh đơn giản chỉ nghĩ, đó là cách để động vào sự tự ái và lòng tự trọng của mỗi đứa trẻ. Để từ đó chúng sẽ phân kháng lại mạnh mẽ, theo chiều hướng tốt hơn. Suy nghĩ vậy là đúng nhưng thực tế, không phải đứa trẻ nào cũng phản ứng như vậy. Những ai quen biết Lan cũng đều gọi chị là bà mẹ soi mói vì hễ gặp chị là họ lại được nghe một danh sách dài các tội lỗi của thằng Việt, con trai 12 tuổi của Lan.

Sự chê con của Lan vẫn được các bạn đùa rằng đã “đắc đạo”, đã đạt tới cảnh giới cao nhất. Nếu ai không biết thằng Việt - con trai Lan thì qua lời kể của chị sẽ ngỡ rằng chị có một đứa con hư, không nghe lời mẹ và toàn giở trò láo toét nhưng kì thực, Việt là đứa trẻ rất ngoan ngoãn. Cháu là niềm tự hào của Lan và ít khi khiến chị bị phiền lòng. Chồng Lan mất khi bé Việt mới lên 2 tuổi. Lan ở vậy nuôi con một mình, nhất quyết không chịu đi bước nữa dù có khá nhiều người ngỏ ý muốn lập gia đình cùng chị, sẵn sàng coi bé Việt như con ruột. Bà mẹ đơn thân nuôi con với nhiều lo lắng. Sự thiếu vắng người đàn ông trong gia đình khiến Lan một mình phải đảm nhận hai trách nhiệm vừa làm cha vừa làm mẹ. Lo con không nên người nên Lan quyết phải dạy dỗ con thật nghiêm khắc chứ không chiều chuộng con như các bà mẹ đơn thân khác. Họ thường nghĩ vì con đã không có bố nên mình phải thương chiều con gấp đôi. Lan thương con còn nhiều hơn cả gấp đôi nhưng chiều con thì chị kiên quyết không làm. Lan nói, chiều con là hại con.

Thằng bé Việt như biết thân phận côi cút của mình, nó rất ngoan và ít khi làm mẹ phiền lòng. Nhưng Lan không vì thế mà “lơ là”. Chị luôn tìm cách chỉ ra lỗi của con để bắt bẻ và nói đi nói lại. Biệt tài của Lan là biến lỗi nhỏ thành lỗi to, lỗi to thành nghiêm trọng. Có lần, Việt đi học quên mang sách. Chuyện nhỏ xíu như vậy, đến cô giáo cũng không phạt cháu nhưng Lan thì khác. Lan yêu cầu cô phải phạt Việt đứng trước toàn trường vào buổi chào cờ ngày thứ hai để làm gương cho những bạn khác. Thêm nữa, cả buổi tối hôm ấy, Việt phải ngồi đọc đi đọc lại thời khóa biểu một trăm lần để đảm bảo không bao giờ bị nhầm môn, không bao giờ mang nhầm sách. Buổi họp phụ huynh nào, Lan cũng yêu cầu cô giáo phải đọc tất cả các lỗi của Việt, dù là lỗi nhỏ như quên bút, quên thước.

“Những lỗi nhỏ ấy sẽ dẫn đến những lỗi to. Nếu không ngăn chặn ngay từ bây giờ thì đến lúc sự việc trầm trọng hơn xảy ra thì làm sao tôi giải quyết được” - Lan phân trần. Người ta nói, mười bảy câu khen ngợi mới có thể xóa đi mặc cảm của một lời chê nhưng mẹ Lan chỉ toàn mang về cho thằng bé Việt những mặc cảm. Rất ít khi chị nói những câu tích cực, mang tính chất động viên với con vì chị cho rằng làm thế không tốt, làm vậy dễ dẫn con chị đến thói tự cao tự đại, sống ở đời không biết mình là ai. Chẳng rõ phương pháp này của Lan có đạt tác dụng hay không bởi tới giờ thằng bé Việt nhà chị vẫn khá ngoan ngoãn nhưng nếu kéo dài thì có lẽ, tâm lý của cháu sẽ đi chệch một đường khác, theo hướng tiêu cực.

Một trường hợp khác chúng tôi được nghe từ lời kể của ông Mạnh. Ông gọi mình là một người cha thất bại bởi chính ông đã hủy hoại con mình bằng cách dạy dỗ thái quá. “Tôi luôn kì vọng ở con trai. Tôi đề ra đủ thứ nội quy và quy tắc bắt con phải tuân theo. Tôi luôn muốn con mình đứng thứ nhất ở trường, đứng thứ nhất ở mọi cuộc thi mà quên mất rằng, thứ nhất không đồng nghĩa với giỏi nhất” - ông tâm sự. Nam, con trai ông, đã bỏ nhà đi hơn 5 năm nay. Khi đi, Nam vừa mới mắc nghiện ma túy. ông Mạnh tin chắc rằng Nam dùng ma túy là để giải tỏa tâm lý chứ hoàn toàn không phải do cháu hư hỏng. Điều này cũng được những người bạn của gia đình và cả những người hàng xóm công nhận. Nam là một đứa trẻ ngoan. Cậu thông minh và luôn cố gắng để đáp ứng mong muốn “thứ nhất” của bố.

 

Ông Mạnh kể: “Con trai tôi đạt nhiều giải thưởng. Năm nào nó cũng là học sinh giỏi. Các thầy cô yêu quý nó. Tôi thầm tự hào trong lòng nhưng không bao giờ cho con biết”. Nhưng chỉ vì một lỗi nhỏ của con, ông Mạnh đã hành xử không đúng và khiến Nam bị tổn thương. Buổi họp phụ huynh ở lớp của Nam đã trở thành một kí ức ác mộng trong Nam. Ông Mạnh đã thẳng tay tát con trước mặt bao nhiêu bạn bè Nam và trước mặt các bậc phụ huynh khác chỉ vì Nam bị tụt xuống hạng hai trong lớp. Sau lần ấy, Nam bị bố đưa vào khuôn khổ. Ông bôi xấu con trước mặt tất cả mọi người vì “thành tích tệ hại” mà Nam có trong học tập.

Ông Mạnh nói với con: “Bố chẳng vui vẻ gì mà đi nói xấu con trai mình. Con phải làm mọi người hiểu bằng sự cố gắng của con. Thế thôi”. Nhưng cái tát của ông đối với con trong buổi họp phụ huynh hôm nào đã trở thành điều ám ảnh tâm trí Nam. Nam chẳng còn là trẻ con để bố có thể lấy đòn roi ra dạy. Cái tát khiến cậu cảm thấy mình bị hạ nhục. Nói Nam trượt dài sau cái tát của bố thì có phần phiến diện nhưng cái tát đó đã mở màn cho những chán nản ở cậu học sinh giỏi giang này. Đến lúc biết con dính vào ma túy, ông Mạnh ngỡ ngàng. Ông đánh con, chửi con, bắt con cai nhưng những thứ ấy chẳng hề có tác dụng gì với Nam. Cậu không bỏ được ma túy, thứ cứu vớt tinh thần cậu. Cậu bỏ nhà, thoát khỏi người cha hành hạ tinh thần cậu.

Có những yêu thương tạo thành bi kịch. Hàng ngày, khi mở những trang báo ra, ta sững sờ và ngạc nhiên bởi thông tin về những người tự tử bởi trầm cảm, những người tâm thần, những người cuồng sát... Cách dạy dỗ của cha mẹ có ảnh hưởng lớn tới suy nghĩ và hành động của con cái. Yêu chiều con quá là không tốt, nghiêm khắc quá mức cũng gây ra hậu quả. Để nuôi dạy một con người, chúng ta cần nhiều thứ. Hãy khen con lúc con đáng được khen, răn dạy con khi con làm sai. Đặc biệt, không coi đánh đập như một cách răn dạy.

Sự động chạm đến thân thể dù nặng hay nhẹ chắc chắn ít nhiều sẽ gây ra những tổn thương trong tâm hồn con trẻ và gây ra những hậu quả đáng tiếc. Đừng bao giờ cố làm con thấy bẽ bàng trước mặt người khác và biện hộ rằng tôi làm vậy để con thấy tự ái, để con tốt hơn; tôi làm vậy vì tôi yêu con tôi bởi việc làm đó sẽ khiến những đứa trẻ bị ám ảnh. Yêu thương con, dạy dỗ con để con có một tâm hồn lành lặn, lớn lên không tì vết. Việc làm đó mới khó khăn làm sao nhưng có như vậy, những đứa trẻ mới cần có người để chúng gọi là bố, là mẹ và có làm như vậy, chúng ta mới yêu thương con mình một cách toàn vẹn nhất. Những yêu thương đẹp đẽ như thể một ngọn gió mùa xuân.