Một trái tim đang yêu bị tổn thương sẽ thôi thúc chủ của nó làm những việc đó. Nhưng không phải ai cũng dám công khai tất cả câu chuyện của họ lên truyền hình, để cho hàng triệu người biết rằng họ và bạn đời họ là ai, những nghi ngờ với bạn đời của mình, quá trình thám tử đã tìm ra người phản bội và kẻ thứ 3 ra sao, họ đã bắt quả tang và đối chất với nhau như thế nào. Nhưng có nhũng người bị phản bội đang làm như thế.
“Cheater” (Kẻ phản bội) - một chương trình truyền hình thực tế của Mỹ đã thực sự gây một cú sốc lớn đối với khán giả truyền hình ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới bởi cách phơi bày sự thực một cách bi hài xen lẫn bi kịch những câu chuyện ngoại tình. Chương trình có đội ngũ thám tử chuyên nghiệp giúp những nạn nhân điều tra, theo dõi để họ có thể vạch mặt “kẻ phản bội” ngay cả trong lúc đang thân mật hay ân ái với người tình.
Ghi hình, phát sóng tận “chân tơ kẽ tóc” chuyện ngoại tình có thật
Tối thứ 7 ngày 21/10/2000, khán giả truyền hình Mỹ được một phen kinh ngạc khi họ xem chương trình đầu tiên của Cheater Reality Show. Không ai có thể ngờ rằng lại có một chương trình truyền hình “thực tế” đến mức phát sóng tận chân tơ kẽ tóc quá trình điều tra để giúp nạn nhân đi vạch mặt kẻ ngoại tình đến thế. “Thực tế” đến mức những cảnh ân ái làm tình của các cuộc tình vụng trộm cũng không hề bị cắt xén hay che đậy.
“Cheater” không chỉ được phát sóng trên hai kênh truyền hình The CW Plus và kênh G4TV ở Mỹ mà còn được khán giả các nước châu Âu như Anh, Đức, Bungari, Rumani... đón xem một cách say mê.
Mỗi chương trình sẽ kéo dài 1 tiếng, phát sóng 2 câu chuyện, mỗi câu chuyện 30 phút về quá trình điều tra kẻ bị tình nghi để làm rõ xem họ có đang phản bội bạn đời của họ hay không. Các cặp đôi có thể là cặp vợ chồng, cặp bạn trai - bạn gái, cặp đôi đồng tính nam hoặc các cặp đôi đồng tính nữ. Khi một trong hai người nghi ngờ rằng người kia đang ngoại tình, họ hoàn toàn có thể đến “kêu cứu” với “Cheater” và chương trình sẽ giúp họ tìm ra chân tướng sự việc. Toàn bộ quá trình này sẽ được Cheater phát sóng lên truyền hình.
Để tiến hành quá trình điều tra, “Cheater” có hẳn một đội ngũ thám tử riêng làm việc rất chuyên nghiệp. Thám tử sử dụng camera ghi lại trong suốt quá trình theo dõi để cung cấp tư liệu cho nạn nhân, đây cũng chính là những bằng chứng giúp chương trình và nạn nhân đối chất với kẻ phản bội khi đi bắt quả tang việc ngoại tình. Những nạn nhân của sự phản bội hoàn toàn không phải trả bất cứ thứ lệ phí gì khi họ đề nghị chương trình tiến hành cuộc điều tra theo dõi để tìm ra kẻ thứ ba.
“Nghi ngờ”, “Theo dõi”, “Bắt quả tang” và “Kết quả”
Mỗi câu chuyện dài 30 phút trên truyền hình sẽ được chia làm 3 phần, tương đương với trình tự quá trình điều tra: “Nghi ngờ”, “Theo dõi”, “Bắt quả tang” và “Kết quả”. Tất cả mọi tình tiết của câu chuyện sẽ được phát sóng. Trong phần “Nghi ngờ”, hình ảnh của những người đang nghi ngờ bạn đời của mình sẽ xuất hiện và tâm sự về câu chuyện của họ, họ đã yêu nhau, gắn bó với nhau thắm thiết như thế nào; sự thay đổi gần đây về người bạn đời khiến họ nghi ngờ rằng anh hoặc cô ta đang quan hệ với người khác.
Toàn bộ quá trình theo dõi của những thám tử chuyên nghiệp cũng sẽ được công bố ở phần “Theo dõi”. Các thám tử sẽ kiên trì theo dõi “đối tượng” lâu nhất trong vòng 1 tháng để tìm ra được câu trả lời. Các thiết bị hiện đại như camera, máy nghe trộm sẽ được sử dụng triệt để trong quá trình tác nghiệp. Những người “kêu cứu” với Cheater cũng sẽ hết lòng hợp tác với các thám tử để lật tẩy sự dối trá của người bạn đời của họ. Khi các thám tử đã nắm được những bằng cớ để “buộc tội” kẻ bị tình nghi, họ sẽ thông báo với người “kêu cứu” đến ngay “hiện trường” để bắt quả tang.
Đây cũng chính là phần thứ 3 của chương trình mang tên “Bắt quả tang”. MC của chương trình cùng một đội ngũ quay phim, bảo vệ bao gồm 20 người sẽ đến đón người “kêu cứu”. Đoàn người ngồi trên chiếc ô tô lớn, cùng nhau đi đến hiện trường, bất kể lúc sáng sớm hay đêm khuya, bất kể mưa nắng hay bão tuyết. Địa điểm bắt quả tang có thể là bất cứ đâu phụ thuộc vào từng tình huống hay nơi mà những kẻ “vụng trộm” đang ở bên nhau: nơi làm việc, nhà riêng, khách sạn, nhà hàng, bãi biển, spa... Trong phần này, người xem sẽ được chứng kiến cảnh “ba mặt một lời” trong cuộc tình tay ba. Người “bị tình nghi” và “kẻ thứ ba” có được Cheater sử dụng kĩ thuật để che mặt họ đi hay không là do sự quyết định của người “kêu cứu”. MC của chương trình cũng phỏng vấn “kẻ lừa dối” và trợ giúp người “kêu cứu” buộc tội anh hoặc cô ta. Đây là phần mà người xem trông đợi nhất bởi nó chứa đựng những tình tiết căng thẳng, bất ngờ, khó đoán và gây nhiều cảm xúc nhất đối với khán giả
“Kết quả” là phần để Cheater kết thúc mỗi một câu chuyện đồng thời nói cho khán giả biết mối quan hệ của cặp đôi ấy sẽ đi đến đâu. Họ sẽ chia tay nhau sau sự lừa dối ấy hay sẽ về với nhau vì sự tỉnh ngộ? Những kết thúc khác nhau của mỗi cặp đôi là nguyên nhân khiến những người xem theo dõi chương trình từ đầu đến cuối mọi tập.
Sự hấp dẫn của chương trình ở chỗ nó mang đến cho người xem sự tò mò, hồi hộp bởi các tình tiết không thể đoán trước được về hành động, thái độ, sự phản ứng của các nhân vật bị điều tra, theo dõi. Bạo lực, tình dục, sự đau đớn, dối trá của mỗi trường hợp được bộc lộ dưới những tình huống khác nhau trên Cheater khiến người xem tò mò và không thể không theo dõi chương trình.
Những tình huống bất đắc dĩ và muôn màu
Để Cheater được lên sóng trên truyền hình - Bobby Goldstein - luật sư, giám đốc Đài truyền hình tư nhân tại bang Texas đã phải vất vả chuẩn bị trong suốt 5 năm với những khó khăn trở ngại. Năm 1995, ý tưởng về “Cheater” đã được Bobby Goldstein áp dụng cho việc sản xuất phim truyền hình dài tập. Nhưng khi những chương trình truyền hình thực tế bắt đầu rộ lên ở Mỹ, Goldstein nhận thấy một tương lai xán lạn của xu hướng này nên đã quyết tâm đổi ý tưởng Cheater từ phim truyền hình sang chương trình truyền hình thực tế. Vì quá quyết tâm, Goldstein đã từ bỏ hẳn việc làm phim về học đường trước đó và dành hết thời gian, công sức cho “Cheater”. Goldstein viết ý tưởng dàn dựng và kịch bản “Cheater” như một dự án lớn. Để thực hiện khâu sản xuất chương trình, ông thành lập hẳn một Đài truyền hình riêng mang chính tên Bobby Goldstein.
Ngay sau khi Công ty truyền hình tư nhân của ông được thành lập, Goldstein hào hứng bắt tay ngay vào việc sản xuất một vài tập để phát sóng thử. Sau đó, Goldstein cất công tới Los Angeles để giới thiệu ý tưởng cũng như sản phẩm của Cheater đến mạng lưới truyền hình ở đây với hy vọng bán được công trình truyền hình mà ông đã bỏ công sức làm trong suốt gần 5 năm. Thế nhưng những gì Goldstein nhận được chỉ là những lời nhận xét nhạt nhẽo hoặc tệ hơn là sự chế giễu của những người trong giới truyền hình.
Không hề mất hy vọng, Goldstein quyết định tự phát sóng “Cheater” trên chính kênh truyền hình tư nhân bé nhỏ vừa mới ra đời của ông với hi vọng sẽ nổi sóng trên thị trường truyền hình Mỹ lúc bấy giờ. Và quả thực như thế, “Cheater” thực sự đã và đang là một quả “bom tấn” trong ngành công nghiệp truyền hình nước Mỹ hiện nay với doanh thu tăng vùn vụt hàng năm. Một chương trình truyền hình thực tế tạo sóng dư luận trái chiều không chỉ trong nước mà còn “đốt nóng” ở các nước trên các châu lục khác.
Trong 2 năm đầu tiên, người dẫn chương trình Cheater là Tommy Habeeb (SN 1958) với tên trên sân khấu là Tommy Grand. Nhưng sau tai nạn 2002, khi Tommy Habeeb bị đâm trọng thương khi đang thực hiện chương trình bởi một người chồng nổi máu điên khi anh ta bị ống kính truyền hình bắt quả tang lừa dối vợ, Joey Greco (SN 1966) thay Tommy Habeeb dẫn chương trình cho đến nay.
“Cheater” thu hút được khán giả xem truyền hình bởi những câu chuyện gia đình, những câu chuyện tình yêu về sự phản bội được phơi bày đến tận chân tơ kẽ tóc. Có những tình huống “Cheater” cực kì ngớ ngẩn hài hước, nhưng cũng có những câu chuyện ngoại tình thấm đẫm nước mắt hay cả những tình huống “Cheater” đẫm máu hoặc om mùi khói súng được kể ra.