Chương trình giao lưu, gặp mặt nhân chứng lịch sử "Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai”

ANTD.VN - Sáng nay (25/9), chương trình tọa đàm, giao lưu gặp mặt nhân chứng lịch sử “Tiếp nối truyền thống - Vững bước tương lai” đã diễn ra tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị quận Hoàn Kiếm (33 Nhà Chung, Hoàn Kiếm, Hà Nội). 

Chương trình do UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức.

Chương trình nhằm ôn lại những ký ức hào hùng, thời kỳ lịch sử oanh liệt và vẻ vang của Thủ đô Hà Nội. Thông qua những câu chuyện chân thực, sinh động của các nhân chứng lịch sử, tọa đàm góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho thế hệ trẻ.

Đây cũng là dịp để các thế hệ tuổi trẻ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới những người đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Các đại biểu tham dự chương trình

Chia sẻ tại chương trình, ông Phạm Thanh Học, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định: Ngày 10/10/1954 là sự kiện đặc biệt của Thủ đô và cả nước, được cả thế giới ngưỡng mộ. Sự kiện giải phóng Thủ đô để lại rất nhiều bài học. Trước hết sự kiện tiếp quản Thủ đô là cả quá trình, tiêu biểu cho vai trò đi đầu của Thủ đô với cả nước. Thứ hai là điểm kết thúc của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của cả đất nước, dân tộc. Để tiến tới sự kiện tiếp quản Thủ đô, chúng ta đã trải qua cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm.

Trước kẻ thù mạnh về lực lượng và vũ khí hiện đại, quân ta lực lượng ít, trang thiết bị thiếu thốn, Đảng ta đã quyết định rút lui về mặt chiến lược khỏi Thủ đô để củng cố lực lượng và chờ thời cơ với tinh thần “nhất định thắng lợi” và niềm tin “sẽ có ngày chiến thắng trở về”.

“Cá nhân tôi cho rằng đây là bài học rất to lớn của cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đất nước. Với tinh thần khát vọng giữ nước, tinh thần đánh giặc: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, đánh giặc trên tất cả các mặt trận… đã làm nên sức mạnh tổng hợp và một chiến thắng vĩ đại, vinh quang được thế giới ngưỡng mộ”, ông Phạm Thanh Học chia sẻ.

Tại chương trình, những người tham dự đã cùng ôn lại ký ức về một thời đã qua của dân tộc. Bồi hồi nhớ lại quãng thời gian năm 1971, khi đang là chàng sinh viên năm thứ 2 trường Đại học Tổng hợp, nhà báo Phùng Huy Thịnh đã khoác trên mình màu áo lính và chiến đấu trong Đại đội Trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325 lên bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Những trận đánh đầu ở chiến trường Quảng Trị rất khốc liệt. Thế nhưng, vì phong trào ba sẵn sàng ngấm vào máu, hàng vạn sinh viên vô cùng hăng hái.

"Chúng tôi những thanh niên sinh viên Hà Nội đã sống những năm tháng cực kỳ xứng đáng, đã sống hết mình”, ông Thịnh xúc động chia sẻ.

PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phát biểu tại tọa đàm.

Tháng 5/1974, ông trở thành một trong những phóng viên mặt trận đầu tiên tại Sư đoàn, bắt đầu sự nghiệp cầm bút giữa lửa đạn chiến trường.

Còn PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lại nhớ về chiến tranh từ cảm nhận ở chính ngôi nhà của mình. Ông kể, nhà ông có 3 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, bà nội có hai con liệt sỹ, em dâu bà có chồng và con liệt sỹ. Mẹ có chồng và con trai liệt sỹ. Lúc còn nhỏ, ông chưa có ý thức nhiều về chiến tranh nhưng ông thấy được cái khổ vô cùng.

Ông bắt đầu ý thức về chiến tranh khốc liệt từ năm 1966, lúc đó ông học lớp 7, máy bay Mỹ ném bom tại trường cấp 2 Thụy Dân, 30 bạn học cùng khóa với ông mất, trong đó có 12 bạn nữ và cô giáo lúc mất còn ôm một bạn học sinh nữ trong lòng. Sau trận bom đó, hiệu trưởng mắc bệnh vì thương học trò quá.

Năm 1970, ông nhận thấy chiến tranh thực sự khốc liệt khi nhận được tin báo tử của anh trai. Mẹ ông sau đó trở nên khác, bà sống bằng quá khứ, chỉ kể những câu chuyện về cậu con trai đã hy sinh.

Ngày 6/9/1971, ông tiễn các bạn ra chiến trường, nhìn lớp học vắng đi khi lớp có 82 người mà 21 người đi bộ đội, các bạn gái khóc, còn các bạn nam day dứt lắm. PGS.TS Phạm Quang Long nhẩm đếm đến năm 1975, ông có 8 lần tiễn lứa bạn đi chiến trường.

"Chiến tranh, mất mát với tôi là điều không thể tránh được của một giai đoạn lịch sử. Tôi mãi mãi biết ơn những năm tháng ấy, những con người thời kỳ ấy, họ vượt qua thử thách và mình nhìn họ, sống và đến giờ hơn 70 tuổi vẫn thấy tự hào", PGS. TS Phạm Quang Long nhấn mạnh.

Là gương mặt đại diện cho tuổi trẻ Thủ đô phát biểu tại tọa đàm, em Nguyễn An Huy hiện đang là học sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bày tỏ, những lời chia sẻ đầy xúc động của các khách mời trong chương trình đã giúp em được sống với những hồi ức về thời hoa lửa đầy khí thế và chiêm nghiệm về từng chặng đường đổi mới, phát triển của Thủ đô. Là người trẻ, em nguyện dốc sức mang khát vọng thanh xuân của mình hòa cùng với khát vọng chung của cả dân tộc, góp phần xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong ước.