'Chúng ta phải là chủ đầu tư, nhà thầu triển khai dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam'

ANTD.VN - Cho ý kiến vào một số nội dung liên quan đến Dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc – Nam, đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) thống nhất cao về việc thông qua chủ trương đầu tư dự án tại kỳ họp lần này.

Đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng, đây là thời điểm thích hợp, hội tụ đầy đủ các điều kiện để kích hoạt, tổ chức triển khai hiện thực hóa dự án đáp ứng kịp thời mong mỏi của Đảng, Nhà nước, nhân dân.

Đại biểu nhận định, với lợi thế về tính tiện nghi, an toàn và tỷ lệ đúng giờ, đường sắt tốc độ cao khi đưa vào khai thác sẽ thu hẹp khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền. Việc lựa chọn tốc độ thiết kế 350Km/h là phù hợp với xu thế hiện nay.

Về việc quy hoạch, tăng cường kết nối khu vực nhà ga trên tuyến, theo định hướng có 23 ga khách dọc tuyến (các địa phương có tuyến đi qua đều có ga để tiếp cận) là định hướng đúng đảm bảo khả năng kết nối hành khách cho các địa phương có tuyến đi qua. Theo đó rất cần khẩn trương tổ chức triển khai nghiên cứu tổng thể quy hoạch kết nối các loại hình vận tải của địa phương với tuyến đường sắt tốc độ cao, đồng thời xem xét nghiên cứu quy hoạch TOD khu vực các nhà ga này để tái thiết đô thị, phát triển đô thị, tạo DRP…

Đại biểu cũng cho rằng, việc đề xuất 19 nhóm cơ chế chính sách đặc thù, đặc biệt, vượt trội cho việc triển khai dự án xuyên suốt từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến thực hiện đầu tư và đưa vào khai thác sử dụng là rất cần thiết.

Tuy vậy, đại biểu đề nghị bổ sung toàn bộ các cơ chế chính sách liên quan đến việc thực hiện mô hình TOD trong Luật Thủ đô (sửa đổi), cập nhật các cơ chế chính sách mới đặc biệt hơn, nội trổi hơn để đưa vào triển khai áp dụng đối với dự án này.

Về hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đại biểu nhận định, đây là một trong những vấn đề lớn cần đặt ra khi triển khai nghiên cứu dự án này, kinh nghiệm thực tiễn ở các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM cho thấy còn nhiều bất cập khó khăn cho quá trình tổ chức thực hiện, cụ thể: Chưa có tiêu chuẩn kỹ thuật chung cho mạng lưới đường sắt đô thị; Các trang thiết bị phục vụ khai thác vận hành tuyến hầu hết là nhập khẩu từ nước ngoài…

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) phát biểu thảo luận

Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Phi Thường đưa ra một số đề xuất cụ thể:

Cần ban hành các chính sách và kế hoạch, cung cấp hướng dẫn rõ ràng về tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế, và quy tắc an toàn cho đường sắt cao tốc; Thành lập cơ quan quản lý thống nhất chịu trách nhiệm xây dựng và vận hành điều phối các công việc liên quan.

Đối với việc chuyển giao công nghệ, phát triển công nghệ: Không chỉ dừng lại ở việc chuyển giao làm chủ khai thác vận hành mà phải bao gồm cả việc sản xuất, lắp đặt các trang thiết bị (đặc biệt là trong các công nghệ cốt lõi như tàu điện, đường ray và hệ thống tín hiệu).

Các công ty nước ngoài tham gia đấu thầu phải liên danh với nhà thầu trong nước, phải hoàn tất đàm phán chuyển giao công nghệ với các công ty trong nước và ký hợp đồng chuyển giao công nghệ hoàn chỉnh trước khi đấu thầu; Thành lập bộ phận kiểm tra giám sát đánh giá việc thực hiện chuyển giao công nghệ kèm theo tiêu chí đánh giá…

Đồng tình với sự cần thiết xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng việc triển khai dự án này sẽ tháo gỡ điểm nghẽn hiện nay là logicstic, đẩy mạnh thị trường sang các khu vực khác bằng đường sắt kết nối với tuyến đường sắt Bắc Á phục vụ xuất khẩu.

Cũng theo đại biểu, về phương thức đầu tư, bí quyết là phải làm chủ công nghệ, chúng ta phải là chủ đầu tư, nhà thầu, không nên thuê nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư. Chúng ta có thể mua công nghệ nước ngoài nhưng phải chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Trong Nghị quyết Quốc hội phải ghi rõ điều này…