Chưa thể cấp giấy phép lái xe quốc tế

ANTĐ - Thông tư 29 quy định về cấp, sử dụng giấy phép lái xe quốc tế (IDP) của Bộ GTVT có hiệu lực từ hôm qua 1-10. Tuy nhiên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, theo thủ tục, chưa thể thực hiện được việc cấp IDP. 
Chưa thể cấp giấy phép lái xe quốc tế  ảnh 1

GPLX quốc tế được dịch ra 5 thứ tiếng

Còn chờ mức lệ phí 

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam thông tin, Tổng cục đang tổ chức đấu thầu các lĩnh vực liên quan như thiết bị, phần mềm quản lý cấp và phôi ấn chỉ, in giấy phép lái xe quốc tế. Tổng cục cũng đã yêu cầu các Sở GTVT chuẩn bị kỹ thuật, con người để tổ chức tập huấn ngay khi cơ sở dữ liệu kỹ thuật hoàn tất.

Dù vậy, ông Võ Minh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện và người lái (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) khẳng định, việc cấp IDP cho công dân Việt Nam có nhu cầu chưa thể thực hiện từ ngày 1-10.“Tổng cục Đường bộ có thể chủ động được phần việc của mình. Tuy nhiên, lệ phí cấp GPLX quốc tế lại do Bộ  Tài chính ban hành. Đến thời điểm này, cơ quan có trách nhiệm vẫn chưa đưa ra được mức lệ phí cụ thể để trình Bộ Tài chính phê duyệt, ban hành. Trong khi phải có mức lệ phí thì việc cấp GPLX quốc tế mới được bắt đầu”, ông Võ Minh Tuấn chia sẻ. 

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, việc xây dựng mức phí và ban hành riêng một thông tư về lệ phí cấp IDP khá mất thời gian. Do đó, trong tháng 10, mới chỉ hoàn thiện phần kỹ thuật để chuẩn bị tập huấn cho các Sở GTVT. Dự kiến, sẽ ưu tiên thực hiện trước ở Hà Nội và TP.HCM.

Ông Võ Minh Tuấn cũng chia sẻ, lệ phí cấp IDP khó thấp hơn lệ phí cấp GPLX quốc gia hiện tại. Bởi, mẫu IDP được Liên hợp quốc quy định rất chặt chẽ. Là một quyển sổ có kích thước A6 (148x105cm), có ký hiệu bảo mật, IDP dày hơn GPLX quốc gia và được dịch ra 5 thứ tiếng. Do đó, chi phí in ấn, độ phức tạp cao hơn GPLX vật liệu PET của Việt Nam. 

Phải có cùng lúc 2 GPLX

Đề cập đến quy trình cấp GPLX quốc tế, ông Võ Minh Tuấn cho hay, thủ tục sẽ rất đơn giản. Đối với những người có nhu cầu cấp IDP để lái xe ở các quốc gia tham gia Công ước Viene 1968 về giao thông đường bộ, chỉ cần mang hộ chiếu, GPLX quốc gia và đơn khai theo mẫu (có thể tải trên mạng, với điều kiện đã có GPLX vật liệu PET). Sau 5 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, các Sở GTVT hoặc Tổng cục Đường bộ sẽ hoàn tất, cấp IDP cho người dân. Thậm chí, khi đến làm thủ tục, người dân có nhu cầu có thể đăng ký dịch vụ chuyển phát nhanh IDP về địa chỉ cư trú mà không phải mất thêm một lần đi lại. 

Theo quy định của Liên hợp quốc về việc sử dụng IDP, tại 73 quốc gia tham gia và công nhận Công ước Viene 1968, khi sử dụng IDP phải kèm với GPLX quốc gia. Cụ thể, nếu công dân Việt Nam đi học tập, làm việc ở bất kỳ quốc gia nào thuộc 73 quốc gia tham gia Công ước Viene 1968, muốn lái xe ô tô thì phải có IDP và GPLX quốc gia do Việt Nam cấp. Nếu người sử dụng GPLX quốc tế vi phạm Luật Giao thông đường bộ, cơ quan chức năng nước sở tại có quyền tịch thu IDP, nhưng thời gian tịch thu không quá thời gian công dân đó lưu trú.

Trong trường hợp công dân nước ngoài cư trú lâu dài (thường trú) ở nước sở tại thì IDP sẽ mất liệu lực. Hạng của IDP sẽ được cấp tương đương với GPLX quốc gia. IDP có thời hạn sử dụng 3 năm kể từ ngày cấp và phải phù hợp với thời hạn còn hiệu lực của GPLX quốc gia. Đặc biệt, IDP do Việt Nam cấp không có giá trị sử dụng trong lãnh thổ Việt Nam. 

Cũng theo ông Võ Minh Tuấn, Thông tư 29 của Bộ GTVT cũng quy định khá nghiêm khắc với các trường hợp vi phạm như có hành vi gian dối để được cấp IDP, tẩy xóa hoặc làm sai lệch thông tin trên IDP. Ngoài việc bị thu hồi IDP, cá nhân đó còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và không được cấp IDP trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày bị phát hiện hành vi vi phạm.