Chủ xe ô tô méo mặt nộp 'phạt nguội' vì bên thuê xe tự lái vi phạm giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, dịch vụ cho thuê xe tự lái ở nhiều nơi 'cháy' hàng. Tuy vậy, sau khi nhận lại xe, thanh lý hợp đồng, nhiều chủ xe như ngồi trên đống lửa lo bị 'phạt nguội' do khách vi phạm giao thông.

Chia sẻ với phóng viên ANTĐ, anh Nguyễn Chiến Thắng ở phường Quỳnh Mai, quận Hại Bà Trưng, Hà Nội – người có chiếc xe ô tô Toyota Vios chuyên cho thuê chia sẻ, vào những ngày lễ, Tết hoặc ngày nghỉ cuối tuần, nhu cầu thuê xe tự lái tăng cao. Để tăng thu nhập, anh Thắng cũng lên mạng đăng tin cho thuê chiếc xe của mình.

Việc cho thuê xe vài lần đầu diễn ra khá suôn sẻ. Khách trả xe đúng hạn, bảo quản xe cẩn thận và trả xe nguyên trạng như lúc thuê, thanh toán tiền sòng phẳng nên anh Thắng rất phấn khởi, tự tin cho thuê tiếp.

Tuy vậy, trong đợt Tết Âm lịch vừa qua, sau khi thanh lý hợp đồng với khách thuê, anh Thắng bỗng nhận được thông báo 'phạt nguội' do khách thuê xe đã vượt đèn đỏ với số tiền là 5 triệu đồng.

Liên lạc với khách thuê anh Thắng chỉ nhận được câu trả lời, do trong hợp đồng thuê xe không có quy định về tình huống này và việc thanh lý cũng đã hoàn tất nên chủ xe phải có trách nhiệm nộp phạt.

'Nếu nộp phạt, tiền cho thuê xe không đủ tiền phạt, còn nếu không nộp thì xe không thể đăng kiểm được, tôi không biết phải làm thế nào' – anh Thắng thở dài.

Dịch vụ cho thuê xe ô tô tự lái 'cháy' hàng vào dịp nghỉ lễ

Dịch vụ cho thuê xe ô tô tự lái 'cháy' hàng vào dịp nghỉ lễ

Không chỉ anh Thắng mà thực tế có nhiều chủ xe cho thuê xe tự lái khác cũng rơi vào cảnh tương tự. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các chế tài về xử phạt vi phạm giao thông đều hướng đến người trực tiếp điều khiển phương tiện - luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Khi nhận được thông báo 'phạt nguội', chủ xe nên liên hệ bên thuê/mượn để yêu cầu họ hoàn thành việc nộp phạt. Trong quá trình xử lý vi phạm, cơ quan chức năng sẽ thiết lập mối quan hệ 3 bên giữa cơ quan Nhà nước, chủ xe và bên thuê xe. Chủ xe có trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác về người thuê để cơ quan có thẩm quyền ra quyết định xử phạt đúng đối tượng.

Để làm được điều này, thông tin trong hợp đồng cho thuê xe ngoài các điều khoản về thời gian, số tiền thuê, tình trạng xe, thông tin cá nhân, địa chỉ nơi ở của 2 bên còn phải nêu rõ cam kết về trách nhiệm của người thuê xe khi xảy ra hỏng hóc, va chạm, vi phạm giao thông và phương thức nộp phạt hành chính.

Trường hợp chủ xe liên hệ khách thuê, thông báo và yêu cầu hoàn tiền nộp phạt nhưng họ không thiện chí hợp tác, chủ xe có thể khởi kiện ra tòa - luật sư Thu nhấn mạnh.

Trường hợp bên cho thuê xe không chứng minh được lỗi vi phạm giao thông là do bên thuê xe hoặc không có căn cứ (hợp đồng thuê) để yêu cầu người thuê nộp phạt thì chủ xe sẽ phải chịu trách nhiệm đóng tiền 'phạt nguội' theo thông báo của cơ quan chức năng.

Để 'nắm đằng chuôi', trước khi giao xe, chủ xe nên thu trước một khoản tiền đặt cọc, sau khi bàn giao xe từ 10 - 20 ngày nếu không xảy ra sự cố sẽ hoàn lại cọc cho bên thuê.

Trong thời gian đó, chủ xe nên chủ động tra cứu thông tin 'phạt nguội' và tự động trừ tiền cọc nếu người thuê xe mắc lỗi vi phạm hành chính – Luật sư Thu đưa ra lời khuyên.