Chủ tịch Techcombank nói về việc không chia cổ tức và cho vay bất động sản, trái phiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tại ĐHĐCĐ Ngân hàng Techcombank diễn ra sáng nay, 23/4, vấn đề nóng mà nhiều cổ đông chất vấn là việc ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức và tín dụng bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.

Chia cổ tức bằng cổ phiếu thời điểm này là chưa cần thiết

Báo cáo cổ đông, lãnh đạo Techcombank cho biết, năm 2021, ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế hơn 23.000 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2020.

Ban lãnh đạo ngân hàng đề xuất với cổ đông phương án phân phối lợi nhuận năm 2021.

Cụ thể, sau khi trích 2.408 tỷ đồng cho các quỹ bổ sung vốn điều lệ, dự phòng tài chính và quỹ phúc lợi, lợi nhuận còn lại của năm 2021 là gần 13.394 tỷ đồng. Cộng với hơn 26.743 tỷ đồng chưa sử dụng của các năm trước, Techcombank sẽ có khoản lợi nhuận có thể phân phối lên tới gần 40.137 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân hàng tiếp tục đề xuất với cổ đông không chia lợi nhuận để phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Chất vấn HĐQT liên quan đến vấn đề Ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức, một cổ đông đặt câu hỏi: “Theo kết quả đã được HĐQT Techcombank trình bày, tôi thấy rất đẹp rồi, có thể nói là “như mơ”. Nhưng Techcombank vẫn muốn giữ lại lợi nhuận, không chia cổ tức cho cổ đông. Không biết Techcombank muốn mơ đến đâu và trong giấc mơ đó có nghĩ đến lợi ích cổ đông không?”.

Một cổ đông khác cũng cho biết, xu hướng 2020-2021 là chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. “Nếu chúng ta chia cổ tức bằng cổ phiếu thì chúng ta vẫn giữ lại lợi nhuận, tại sao chúng ta không làm? Vốn điều lệ càng lớn thì uy tín càng lớn, thương hiệu của chúng ta cũng nổi bật hơn” – cổ đông chất vấn.

Trả lời cổ đông, ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Techcombank cho biết, quan điểm nhất quán của Techcombank là luôn luôn củng cố vốn và tiềm lực cho phát triển kinh doanh. Chi cổ tức bằng tiền mặt hay chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn là bài toán được đặt lên bàn cân.

“Chia hay không chia còn phụ thuộc vào chiến lược phát triển của ngân hàng. Và tất cả đều mang lại lợi ích cho cổ đông dài hạn. Tôi cũng là cổ đông như các vị", Chủ tịch Techcombank nói.

ĐHĐCĐ Techcombank

ĐHĐCĐ Techcombank

Về vấn đề tăng vốn, lãnh đạo Techcombank cho biết, hiện nay, NHNN hay các tổ chức quốc tế đều đánh giá dựa trên vốn chủ sở hữu của ngân hàng chứ không phải vốn điều lệ, chỉ ngoại trừ một số chỉ số cần theo dõi về vốn điều lệ như mạng lưới, số chi nhánh. Do đó, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, Chủ tịch Techcombank cho rằng thời điểm này là không cần thiết.

“Giá trị doanh nghiệp vẫn vậy, chia cổ tức bằng cổ phiếu thì sẽ bị pha loãng. Nhiều người nghĩ chia xong thì giá cổ phiếu tăng, nhưng không phải vậy. Thậm chí, cổ đông còn phải trả 5% thuế Thu nhập cá nhân khi nhận được cổ tức bằng cổ phiếu. Tôi cho rằng như vậy không có lợi cho ngân hàng và cổ đồng".

Không gặp vấn đề gì với cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp

Tại ĐHĐCĐ, nhiều cổ đông cũng đã đặt câu hỏi với lãnh đạo ngân hàng về việc đầu tư trái phiếu và cho vay bất động sản của Techcombank bị ảnh hưởng thế nào khi cơ quan quản lý có động thái siết lĩnh vực này.

Lãnh đạo Techcombank cho rằng đây là động thái cần thiết để thanh lọc thị trường. Tuy nhiên, bất động sản và thị trường vốn là lĩnh vực rất quan trọng đối với nền kinh tế quốc gia và Chính phủ đã có những giải pháp để phát triển các thị trường này.

“Cách Techcombank quản trị rủi ro với tín dụng bất động sản là hoàn toàn đáng tin cậy. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều cuộc làm việc, kiểm toán, thanh kiểm tra Techcombank về lĩnh vực này nhưng không phát hiện vấn đề gì. Chúng tôi khẳng định, 5 năm qua, Techcombank không có vấn đề nào với cho vay bất động sản. Nợ xấu tín dụng bất động sản gần như bằng 0”- ông Jens Lottner - CEO Techcombank nhấn mạnh.

Bổ sung thêm về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh cho biết, trong một đất nước đang phát triển như Việt Nam, việc đầu tư vào bất động sản là rất bình thường.

“Chúng tôi không chọn những dự án có hành vi đầu cơ, không mang lại giá trị. Còn việc cấp tín dụng cho các dự án tốt, pháp lý đầy đủ, vừa mang lại thu nhập cho người dân, cho ngân sách, cho phát triển, hoàn toàn hợp lý”- ông Hồ Hùng Anh cho hay.

Về trái phiếu DN, Chủ tịch Techcombank cho rằng những động thái gần đây, cơ quan quản lý không hạn chế thị trường vốn mà đang làm sạch và một số vấn đề tiêu cực xảy ra vừa qua là thiểu số. Do đó, việc phát triển thị trường vốn là chiến lược phù hợp mà Techcombank đã lựa chọn.

“Khi đầu tư vào vào trái phiếu, ngân hàng phải thẩm định như một khoản cho vay. Nhiều người có thể cho là khác biệt. Nhưng với ngân hàng thì đó như khoản cho vay trung và dài hạn và vẫn được thẩm định về khả năng trả nợ” – ông nói và cho biết những năm qua tỷ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này rất thấp.

Năm 2022, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 27.000 tỷ đồng, tăng 16,2% so với mức thực hiện năm 2021. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng trưởng 15% hoặc cao hơn trong mức NHNN cho phép. Tỷ lệ nợ xấu mục tiêu thấp hơn 1,5%.