Chủ nợ xếp hàng dài tại Tòa án để đòi nợ

ANTD.VN -Thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) phát biểu, đã có tình trạng chủ nợ sang Tòa án xếp hàng dài vì không biết lúc nào mới lấy được nợ. Có trường hợp nợ hàng chục tỷ đồng nhưng để thoát tội mỗi tháng trả 2 triệu.

Đặt mình vào hoàn cảnh người trong cuộc, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) phân tích, người đi vay nợ, khi  đi vay, họ tìm mọi cách hứa hẹn kể cả thế chấp tài sản để vay cho được, họ trở về với tiền tươi thóc thật nhưng oái oăm thay đến hẹn trả nợ thì trây ỳ, không thực hiện cam kết. Dù với lý do nào, thì đây là một thói hư tật xấu mà xã hội cần lên án.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu phát biểu

Do vậy, ĐB Cầu đồng tình với việc xử lý hình sự với những người vay cố tình trây ỳ, chiếm đoạt tiền vay dù có điều kiện khả năng trả nợ.  Trong khi đó, khi đến hạn, không ít chủ nợ chạy khắp nơi tìm gặp con nợ van xin, đòi nợ không được thì đến cơ quan công an tố cáo hành vi lừa đảo hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Công an sau một thời gian xác minh lại hướng dẫn chủ nợ quay về tòa án giải quyết vì đây là mối quan hệ dân sự. Điều này dẫn đến tình trạng chủ nợ sang Tòa án xếp hàng dài vì không biết lúc nào mới lấy được nợ. Có trường hợp nợ hàng chục tỷ đồng nhưng để thoát tội mỗi tháng trả 2 triệu. Như vậy phải đến 50 năm họ vẫn chưa trả hết nợ gốc.

"Còn với tình trạng tín dụng đen, nhất là dân xã hội thì họ không cần biết. Họ tìm mọi cách đề lấy bằng hết cả gốc lẫn lãi không thiếu 1 xu. Họ lấy được vì họ dùng luật rừng và thuê đòi nợ. Vì thế  tình hình băng nhóm xã hội đòi nợ thuê ngày càng diễn biến phức tạp trong xã hội" - ĐB Cầu nhận định.

Theo ĐB Cầu, tiền nhân dạy rằng, có 2 cách đấu tranh: Dùng pháp luật hoặc dùng vũ lực.  Nhưng thực tế cách thứ nhất chưa hiệu quả nên mới phải dùng cách thứ hai. ĐB mong muốn pháp luật phải nghiêm minh  để mọi người dân ai cũng dùng cách thứ nhất  trong giải quyết các mối quan hệ xã hội. Vì vậy, việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về xử lý nợ xấu rất đúng với mục tiêu chung của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, ĐB Cầu cũng đề nghị  đưa vào 3 nguyên tắc trong Nghị quyết: Không dùng ngân sách Nhà nước để  trả nợ xấu; Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm; Các tổ chức tín dụng phải tăng quỹ trích lập quỹ dự phòng xử lý nợ xấu.