Đại tá Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ:
"Tham mưu thực hiện các mặt công tác đảm bảo an ninh hướng tới Đại hội Đảng các cấp"
Năm 2025, trên địa bàn Thủ đô sẽ diễn ra Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2025-2030 tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy, Ban Giám đốc CATP, trong thời gian qua, Phòng An ninh chính trị nội bộ đã tham mưu CATP chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện các mặt công tác công an bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự phục vụ Đại hội đảng các cấp trên địa bàn.
|
Nổi bật là đã tham mưu triển khai công tác rà soát tiêu chuẩn chính trị một cách bài bản, toàn diện, chặt chẽ, thận trọng. Theo đó, bám sát các chỉ đạo, Phòng An ninh chính trị nội bộ đã nghiên cứu, tham mưu CATP xây dựng, ban hành và triển khai quy trình “Công tác Công an tham gia rà soát tiêu chuẩn chính trị đối với cán bộ, đảng viên, người làm việc trong hệ thống chính trị; người tham gia, phục vụ các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước trên địa bàn Thành phố Hà Nội” để thực hiện thống nhất trong toàn CATP.
Quá trình thực hiện quy trình đã chủ động tham mưu CATP đề xuất Thành ủy, kiến nghị Ban Tổ chức Thành ủy chỉ đạo các cấp ủy Đảng phối hợp chặt chẽ với CATP rà soát tiêu chuẩn chính trị. Kết quả, trong năm 2024, CATP đã tiếp nhận, rà soát tiêu chuẩn chính trị đối với khoảng 12.000 nhân sự và 100.000 thân nhân, không để “lọt” những người không xứng đáng vào cấp ủy khóa mới.
Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự:
"Tổ công tác 141 theo mô hình mới được chuyển đổi để trở thành “quả đấm thép”
Với phương châm phát hiện từ sớm, ngăn chặn từ xa, quyết liệt trong truy xét, mô hình 141 đã đã được chuyển đổi với mục đích trở thành “quả đấm thép” trong công tác phòng chống tội phạm nói chung, “tội phạm đường phố nói riêng”.
Điểm mới của 141 theo mô hình mới là thành lập 1 trung tâm chỉ huy đặt tại trụ sở Trung tâm chỉ huy CATP; từ đây thông tin được tiếp nhận xử lý qua bộ đàm, điều động, hướng dẫn, triển khai các tổ công tác theo vị trí nhằm kiểm tra, bắt giữ, xử lý các đối tượng vi phạm pháp luật.
|
Đại tá Nguyễn Thế Hùng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự |
Việc thành lập Trung tâm chỉ huy lực lượng 141 đã tận dụng lợi thế về hạ tầng, hệ thống camera giám sát, hệ thống thông tin liên lạc của CATP; khắc phục nhược điểm của 141 cũ là liên kết được các tổ công tác 141 và các lực lượng hỗ trợ cùng hiệp đồng tác chiến.
Các tổ công tác 141 mới được tổ chức hoạt động với 3 phương thức, trong đó phương thức tuần tra vũ trang lưu động trên các tuyến là chủ yếu; kiểm tra các đối tượng theo chức năng phòng chống tội phạm…
Qua 20 ngày triển khai, lực lượng 141 đã phát hiện ngăn chặn, bắt giữ 12 vụ với 104 đối tượng thanh, thiếu niên tụ tập thành nhóm gây rối trật tự công cộng; trong đó, có 7 nhóm được phát hiện, bắt giữ vào thời điểm các đối tượng cầm hung khí mới di chuyển ngay trên địa bàn sinh sống; 5 nhóm mới đang tụ tập, chuẩn bị đánh nhau. Đã chủ động phát hiện 12 nhóm khác có nguy cơ, biểu hiện tham gia tụ tập, gây rối trật tự công cộng. Ngoài ra, lực lượng 141 còn phát hiện, xử lý 110 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực ma túy, vũ khí thô sơ, công cụ hỗ trợ, trộm cắp tài sản, vận chuyển hàng cấm, pháo nổ…
Thượng tá Trần Văn Quang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ:
"Hiệu quả thực tiễn từ việc chăm lo đời sống cán bộ chiến sỹ"
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 12 của Bộ Chính trị; Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 22 và UBND Thành phố ban hành Đề án số 410 về "Đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an Thủ đô thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới".
|
Thượng tá Trần Văn Quang, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ |
Thực hiện Nghị quyết số 22 của Thành ủy và Đề án số 410 của UBND Thành phố, trong năm 2024, CATP đã phối hợp với các Sở, ngành chức năng tham mưu UBND TP trình HĐND TP ban hành 3 Nghị quyết chuyên đề hỗ trợ hàng tháng cho gần 10.000 CBCS thuộc 6 lực lượng (chiếm gần 50% biên chế CATP); gồm: Lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã, Cảnh sát ma túy, Cảnh sát hình sự, Giám sát viễn thông, Cảnh sát chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với mức hỗ trợ hàng tháng mỗi CBCS từ 1,8 triệu đến 3,6 triệu đồng.
Đây là những chế độ, chính sách chưa từng có tại CATP và hiện nay, trên toàn quốc cũng chưa địa phương nào có được. Trong thời gian tới, CATP sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất UBND, HĐND Thành phố hỗ trợ đối với các lực lượng còn lại, như: Lực lượng an ninh, lực lượng điều tra tổng hợp, tạm giam, tạm giữ, quản lý hành chính, hồ sơ nghiệp vụ...
Những chế độ, chính sách đột phá, ưu việt nêu trên đã trở thành động lực mạnh mẽ, động viên CBCS yên tâm công tác; nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tinh thần, ý thức trách nhiệm của CBCS được nâng cao; đồng thời, thiết thực phòng ngừa CBCS sai phạm.
Trung tá Nguyễn Thành Lâm, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội
Đề án 06 đã đi vào “ngõ, ngách” đời sống nhân dân
Trong thời gian qua, lãnh đạo TP, CATP đã quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các nội dung của Đề án 06 và xác định đây là trọng tâm của chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội. Qua 3 năm triển khai thực hiện, Đề án 06 đã đi sâu vào từng “ngõ, ngách” của đời sống xã hội, mang lại những giá trị mang tính định lượng cụ thể, thiết thực trên 3 khía cạnh: Làm cho xã hội văn minh hơn, đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội, phòng chống tội phạm trên địa bàn Thủ đô.
|
Điển hình như đã rà soát, thu thập, cập nhật hơn 80.000 thông tin người có công, hơn 600.000 người cao tuổi, 200.000 trường hợp thuộc Hội Nông dân, gần 200.000 trường hợp thuộc Hội Cựu chiến binh và hơn 2 triệu trường hợp người lao động...để cập nhật lên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, làm giàu dữ liệu dân cư phục vụ kết nối, chia sẻ với các dữ liệu chuyên ngành; đã thu nhận trên 8 triệu thẻ Căn cước, Căn cước công dân; thu nhận và hướng dẫn kích hoạt trên 5,7 triệu tài khoản định danh điện tử mức 2; tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký hơn 5 triệu tài khoản “Công dân Thủ đô số - iHaNoi”.
Các dịch vụ công trực tuyến được đẩy mạnh triển khai ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã với 49 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 42 dịch vụ công trực tuyến một phần trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an, đặc biệt là cung cấp 2 nhóm dịch vụ công liên thông theo quy định tại Nghị định 63/2024 của Chính phủ.
Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, công khai, minh bạch về thời gian, chi phí, loại bỏ dần tình trạng “tham nhũng vặt”.
Thúc đẩy triển khai các giải pháp ứng dụng cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử để quản trị xã hội, phát triển kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ. Điển hình như: ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong chi trả an sinh xã hội, lương hưu, trợ cấp Bảo hiểm xã hội hàng tháng qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt; Thanh toán giá dịch vụ tại các điểm trông giữ phương tiện không dùng tiền mặt; Ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư; Đăng ký xe lần đầu, Sổ sức khỏe điện tử, cấp Phiếu Lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID...