Chủ công trình "khủng" xâm phạm di sản Tràng An xin tự nguyện tháo dỡ

ANTD.VN -Công ty CP Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc vừa có đơn đề nghị tự nguyện tháo dỡ công trình “khủng” xây dựng trái phép xâm phạm vùng lõi quần thể Danh thắng Tràng An, tại núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình). Được biết, dự kiến thời gian tháo dỡ kéo dài 1 tháng, từ ngày 30-3 đến ngày 30-4-2018.

Công trình trái phép xâm phạm di sản được xây dựng từ tháng 8-2017

Cụ thể, ngày 26-3, UBND huyện Hoa Lư (Ninh Bình) tổ chức một cuộc họp bàn phương án tháo dỡ, cưỡng chế công trình “khủng” xây dựng trái phép trong vùng lõi di sản Tràng An của Công ty CP Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc tại khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên.

Ngay trong ngày 27-3, UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Công ty CP Du lịch Tràng An đã gửi đơn đề nghị tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ.

Theo ông Đinh Chung Phụng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Bình, Trưởng đoàn thanh tra liên ngành, Công ty CP Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc dự kiến trong vòng 1 tháng (bắt đầu từ ngày 30-3 đến 30-4-2018) sẽ tự tháo dỡ công trình trái phép xâm phạm vùng lõi di sản. Cùng với đó, Công ty CP Du lịch Tràng An cam đoan trong quá trình tháo dỡ không để ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên, đảm bảo an toàn khi thực hiện.

Ông Đinh Chung Phụng đánh giá, đây là động thái tích cực từ phía Công ty CP du lịch Tràng An. Tuy nhiên, song song với quá trình lập phương án tháo dỡ của Công ty CP Du lịch Tràng An, UBND tỉnh Ninh Bình cũng chỉ đạo UBND huyện Hoa Lư và các ngành liên quan có biện pháp cưỡng chế tháo dỡ công trình sai phạm nếu doanh nghiệp chậm trễ.

Sau khi hoàn thiện, Công ty CP Du lịch Tràng An đã ngang nhiên đưa công trình trái phép vào khai thác du lịch trong dịp Tết Mậu Tuất

Còn theo bà Nguyễn Thị Cúc - Phó Chủ tịch huyện Hoa Lư (Ninh Bình), UBND huyện Hoa Lư đồng ý với tinh thần tự nguyện của ông Nguyễn Văn Son, nhưng phải xem xét quá trình tháo dỡ cụ thể như thế nào, bằng phương pháp thủ công hay đưa máy móc vào.

Bà Nguyễn Thị Cúc cũng nhấn mạnh, trường hợp ông Nguyễn Văn Son không thực hiện việc tự tháo dỡ như đề nghị thì UBND huyện Hoa Lư sẽ thực hiện phương án cưỡng chế. UBND huyện Hoa Lư hiện đang lên phương án kết nối với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giải quyết việc làm cho người lao động ở khu vực núi Cái Hạ sang khu vực được phép tổ chức dịch vụ du lịch.

Đánh giá việc các nhà đầu tư bất chấp các quy định của Luật Di sản, bất chấp Công ước Quốc tế Bảo vệ di sản văn hóa và tự nhiên của thế giới, ông Nguyễn Xuân Thắng – Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam cho rằng, đây là một việc làm cần phải lên án và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nhằm bảo vệ các giá trị của di sản, lấy đó làm bài học để chấm dứt các việc làm tương tự sau này.

Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, đó cũng là hành động cụ thể để chứng minh với cộng đồng quốc tế, với UNESCO về trách nhiệm mà Việt Nam đã cam kết với thế giới khi đưa Tràng An trở thành Di sản của toàn nhân loại.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng tỉnh Ninh Bình, công trình xây dựng không phép tại núi Cái Hạ, xã Trường Yên, đã làm thay đổi diện mạo, cảnh quan và ảnh hưởng đến vũng lõi “Di sản thiên nhiên thế giới Tràng An”.

Các hạng mục đã xây dựng sai phép bao gồm, tổng chiều dài của bậc thang lên xuống núi Cái Hạ mà Cty Tràng An đã xây dựng trái phép sau khi khảo sát chính xác là 510m với hơn 900 bậc thang. Ngoài xây dựng cổng lớn, bậc thang lên xuống núi Cái Hạ, Công ty CP Du lịch Tràng An còn tự ý tổ chức các hoạt động du lịch chưa được cấp phép như tự ý bán vé cho khách tham quan ngồi thuyền, sử dụng đội ngũ hướng dẫn viên trái quy định…