Chống thất thoát nước sạch không đơn giản

(ANTĐ) - Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Chính phủ chương trình đầu tư gần 9.400 tỷ đồng để chống thất thoát, thất thu nước sạch trên toàn quốc. Tính toán của Bộ này cho biết, tuy số kinh phí đầu tư ban đầu lớn nhưng nếu triển khai đồng bộ, số tiền thu lại được từ lượng nước tiết kiệm được cũng đạt xấp xỉ số đã bỏ ra.

Chống thất thoát nước sạch không đơn giản

(ANTĐ) - Bộ Xây dựng vừa kiến nghị Chính phủ chương trình đầu tư gần 9.400 tỷ đồng để chống thất thoát, thất thu nước sạch trên toàn quốc. Tính toán của Bộ này cho biết, tuy số kinh phí đầu tư ban đầu lớn nhưng nếu triển khai đồng bộ, số tiền thu lại được từ lượng nước tiết kiệm được cũng đạt xấp xỉ số đã bỏ ra.

Tỷ lệ thất thoát cao khiến lượng nước cấp cho người dân đô thị giảm mạnh

Thất thoát tràn lan

Nói về thất thoát nước sạch, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang cho biết, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân toàn quốc hiện nay đang ở mức 30%. Ông Cao Lại Quang thừa nhận, hoạt động chống thất thoát thất thu nước sạch chưa đạt được kết quả như mong muốn. Tỷ lệ thất thoát bình quân hiện nay của Việt Nam tuy giảm còn 30%, nhưng vẫn còn cao hơn rất nhiều so với các nước tiên tiến (như Đức 7%, Đan Mạch 10%, Anh 19%, trung bình khoảng 15%) và các nước trong khu vực Đông Nam Á (khoảng từ 20-30%).

Đặc biệt, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch ở các đô thị lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... vẫn rất cao, trong khi lượng nước sản xuất của các đô thị này chiếm khoảng 40% tổng lượng nước sản xuất của các đô thị Việt Nam. Ông Nguyễn Quốc Huy - Chánh Thanh tra Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội xác nhận, tỷ lệ thất thoát nước sạch ở Hà Nội hiện ở mức xấp xỉ 29%.

Ông Nguyễn Tôn - Chủ tịch Hội cấp thoát nước Việt Nam cho biết, các đô thị lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có tỷ lệ thất thoát nước cao là do đường ống cấp nước tại các thành phố này đã quá cũ, có đến 30% tuyến ống dẫn nước đã trên 30 năm sử dụng, các mối nối đường ống cũ mục, dẫn đến việc rò rỉ thất thoát một lượng lớn nước sạch. Hơn nữa, do việc thi công các công trình ngầm không đồng bộ dễ gây vỡ đường ống cấp nước, tình trạng ăn cắp nước sạch bằng cách khoan thẳng vào mạng đường ống, lắp đặt ống riêng để sử dụng không qua đồng hồ đo đếm cũng làm tăng tỷ lệ thất thoát nước và gây nguy hại cho đường ống chính, có thể gây vỡ, rò rỉ nước...

Lý giải thêm về tình trạng thất thoát nước, Bộ Xây dựng cho biết, chủ yếu do sử dụng nước theo phương thức khoán (chưa có đồng hồ) và các hành vi gian lận trong sử dụng nước. Ngoài ra, tỷ lệ thất thoát do kỹ thuật cũng chiếm tỷ trọng lớn, trong đó, có nguyên nhân do vận hành hệ thống không khoa học.

9.397,5 tỷ đồng cho chống thất thoát

Nhấn mạnh tính cấp thiết của việc chống thất thoát, thất thu nước sạch, Thứ trưởng Cao Lại Quang cho biết, Bộ Xây dựng vừa trình Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia chống thất thoát thất thu nước sạch đến năm 2025. Theo đó, đặt mục tiêu đến năm 2025 bình quân toàn quốc giảm còn dưới 15%. Tổng vốn đầu tư cho chương trình khá lớn, khoảng 9.397,5 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu là nguồn vốn ODA, vay ưu đãi, và các nguồn huy động khác (9.232,5 tỷ đồng).

Dự kiến, đến năm 2015, tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch bình quân giảm thêm 5% so với năm  2010. Đến 2020, tỷ lệ này giảm thêm 7% so với năm  2015 và đến 2025, tiếp tục giảm thêm 3% so với năm  2020.

Bộ Xây dựng khẳng định, phương án đầu tư này sẽ nhanh chóng đem lại hiệu quả. Cụ thể, nếu đạt được tỷ lệ thất thoát thất thu nước sạch bình quân giảm 5%, 7% và 3% theo mục tiêu của chương trình, số lượng tiền nước thu thêm được đến năm  2015 đạt 2.300 tỷ đồng; đến năm 2020 đạt 6.320 tỷ đồng, đến năm 2025 đạt 8.370 tỷ đồng và đến năm 2030 đạt 16.730 tỷ đồng (tính với giá nước bình quân hiện nay là 3.500 đ/m3).

Ông Cao Lai Quang phân tích: “Tiết kiệm nước sạch đồng nghĩa với việc giảm bớt nhu cầu đầu tư xây dựng các nhà máy nước mới, tiết kiệm chi phí khai thác, quản lý, vận hành nhà máy, mạng lưới phân phối, giảm giá thành nước sạch. Ước tính, đến năm 2025, lượng nước sẽ tiết kiệm được khoảng 1,3 triệu m3/ngày đêm. Với suất đầu tư nhà máy nước (không tính phần mạng), kinh phí để có thêm 1,3 triệu m3 này khoảng 9.100 tỷ đồng, cũng gần bằng số kinh phí chống thất thoát đã bỏ ra”.

Cũng theo đề xuất của Bộ Xây dựng, để siết chặt lại hoạt động cấp nước, tại các đô thị lớn, cần thành lập bộ phận chuyên trách chống thất thoát, thất thu nước sạch. Đồng thời, phải lập được lý lịch mạng lưới đường ống, đồng hồ đo nước, sử dụng việc quản lý mạng và đồng hồ nước bằng hệ thống định vị toàn cầu GPS... Bộ Xây dựng cũng kiến nghị, Chính phủ ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA, tín dụng ưu đãi Nhà nước cho các dự án cải tạo nâng cấp hệ thống cấp nước.

Cùng với đó, phải có chế độ khen thưởng các cá nhân phát hiện và thông báo về sự cố, điểm rò rỉ nước cũng như chế tài nghiêm khắc đối với hành vi sử dụng nước gian lận, không trả tiền, làm hư hỏng tuyến ống. Theo quy định hiện hành, hành vi làm sai lệch, tự ý thay đổi vị trí, cỡ, loại đồng hồ đo nước bị phạt từ 2 triệu đến 5 triệu đồng; tự ý đấu nối, làm hư hỏng đường ống cấp nước bị phạt từ 5 triệu đến 10 triệu đồng...         

Ngọc Khánh