Chồng chéo nhiệm vụ giữa các bộ, ngành dồn việc lên Chính phủ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sự giao thoa, chồng chéo trong phân công nhiệm vụ dẫn đến nhiều việc phải dồn lên Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc phải thành lập nhiều Ban Chỉ đạo liên ngành để giải quyết.
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ
Toàn cảnh phiên họp Chính phủ

Bộ Nội vụ vừa có báo cáo kết quả thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước giai đoạn 2016-2021 và định hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước.

Theo báo cáo, việc phân cấp, phân quyền quản lý nhà nước đang từng bước được điều chỉnh theo yêu cầu cải cách hành chính, bảo đảm sự quản lý tập trung, thống nhất của Chính phủ, phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khai thác tiềm năng, lợi thế, nguồn lực của các địa phương nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Việc thực hiện phân cấp, phân quyền đã bước đầu gắn với đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần tăng tính công khai, minh bạch trong công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Tuy nhiên, Bộ Nội vụ cũng chỉ ra rằng phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các Bộ, ngành; giữa Chính phủ, các Bộ, ngành với chính quyền địa phương còn nhiều hạn chế, có mặt bất cập, đặc biệt việc quy định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định nhiều vấn đề cụ thể theo các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, chưa bảo đảm yêu cầu về đổi mới hoạt động của Chính phủ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII, Đại hội XIII của Đảng là “Chính phủ tập trung vào quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tăng cường năng lực dự báo, phân tích và đề xuất chính sách”.

Theo đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phải tập trung giải quyết các nhiệm vụ cụ thể của các ngành, lĩnh vực, ảnh hưởng đến quản lý vĩ mô, xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; đồng thời chưa phát huy được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, ngành và địa phương trong tổ chức triển khai thực hiện.

Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng phân quyền trực tiếp cho các Bộ, ngành ngay trong các luật chuyên ngành, đặc biệt là việc quy định một số Bộ, ngành cùng tham gia quản lý về một ngành, lĩnh vực, vừa chưa bảo đảm sự thống nhất quản lý của Chính phủ theo quy định của Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), vừa thiếu nhất quán trong việc thực hiện nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm.

Điều này làm phát sinh sự giao thoa, chồng chéo trong phân công nhiệm vụ dẫn đến nhiều việc phải dồn lên Thủ tướng Chính phủ quyết định hoặc phải thành lập nhiều Ban Chỉ đạo liên ngành để giải quyết.

Ngoài ra, phân cấp, phân quyền trên một số ngành, lĩnh vực chưa hợp lý (còn mang tính đồng đều giữa các địa phương, chưa tính tới đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo và khả năng quản lý, điều hành của từng cấp, từng ngành); chưa mạnh mẽ và thiếu đồng bộ về thẩm quyền quyết định và các nguồn lực, điều kiện đảm bảo thực hiện; theo đó, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, tính chủ động, sáng tạo của các địa phương, đặc biệt là các địa phương tự bảo đảm ngân sách và có vị trí, vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên do các nguyên nhân khách quan từ các vấn đề kinh tế - xã hội có sự biến động nhanh, nhiều quan hệ xã hội mới phát sinh, khó dự báo do tác động của các yếu tố trong và ngoài nước; yêu cầu quản lý tập trung thống nhất đối với một số ngành, lĩnh vực trong từng giai đoạn và ưu tiên các nguồn lực để thực hiện một số định hướng phát triển chung của quốc gia, các đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Về phía chủ quan, Bộ Nội vụ cho rằng, nhận thức và trách nhiệm của các cơ quan tham mưu xây dựng thể chế, chính sách theo từng ngành, lĩnh vực còn hạn chế, bất cập, chưa thực hiện nhất quán tinh thần phân cấp, phân quyền giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chính quyền địa phương theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019).

Bên cạnh đó, người đứng đầu một số Bộ, ngành chưa quyết tâm, quyết liệt và bám sát các nguyên tắc để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quá trình hoàn thiện thể chế theo ngành, lĩnh vực; có Bộ, ngành còn tâm lý nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ lợi ích cục bộ của ngành; chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc hoàn thiện các quy định về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn, tiêu chí, điều kiện, định mức kinh tế - kỹ thuật theo yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực làm cơ sở để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.