'Chông chênh' con đường gia nhập NATO của Thụy Điển và Phần Lan bởi 'đá tảng' Thổ Nhĩ Kỳ

ANTD.VN - Hiện chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất chưa phê duyệt để NATO đủ điều kiện kết nạp Thụy Điển và Phần Lan gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương này.
Với điều khoản cần sự đồng thuận của tất cả các thành viên NATO mới có thể kết nạp thành viên mới, nên việc Thổ Nhĩ Kỳ chưa phê duyệt khiến cho Thụy Điển và Phần Lan gặp nhiều khó khăn khi muốn gia nhập tổ chức quân sự này.
"Chúng tôi chưa thể gửi dự luật phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển tới quốc hội để xem xét", Ibrahim Kalin, cố vấn chính sách đối ngoại của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 14/1 nói trong cuộc họp báo ở Istanbul.
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bỏ phiếu thông qua quyết định của chính phủ nước này trong việc đồng ý để hai quốc gia Bắc Âu gia nhập NATO.

Ông Kalin cảnh báo, Thổ Nhĩ Kỳ sắp hết thời gian phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, khi nước này dự kiến tổ chức bầu cử tổng thống và quốc hội vào tháng 5.

Do quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngừng họp một khoảng thời gian trước bầu cử, họ chỉ còn tối đa hai tháng rưỡi để xem xét dự luật phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển.

Theo ông Kalin, quá trình phê chuẩn sẽ phụ thuộc vào tốc độ thực hiện lời hứa chống khủng bố của Stockholm trong thỏa thuận với Ankara.

"Stockhom cam kết thực hiện thỏa thuận ký kết tại Madrid năm ngoái, nhưng cần thêm 6 tháng để làm luật để hệ thống tư pháp của họ thực thi các định nghĩa khủng bố mới", ông Kalin nhấn mạnh.

"Chúng tôi cũng gặp vấn đề về thời gian, nếu họ muốn gia nhập NATO trước hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 6", ông nói thêm.

Trong khi đó, Thủ tướng Kristersson của Thụy Điển nhận định Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra một số yêu cầu để duyệt tư cách thành viên NATO mà Thụy Điển không thể chấp nhận.

"Thổ Nhĩ Kỳ đã xác nhận chúng tôi đã thực hiện những gì mình thông báo sẽ làm. Tuy nhiên, họ yêu cầu những thứ mà chúng tôi không thể và không muốn làm", Thủ tướng Ulf Kristersson ngày 8/1 nói trong hội nghị an ninh ở Thụy Điển.

"Chúng tôi tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đưa ra quyết định và chỉ không biết khi nào", Thủ tướng Kristersson khẳng định.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Phần Lan và Thụy Điển chứa chấp các "phần tử khủng bố" người Kurd và yêu cầu hai nước này dẫn độ những nghi phạm thuộc diện này.
Stockholm và Helsinki đã đáp ứng một số yêu cầu của Ankara, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng như vậy là chưa đủ.

Thổ Nhĩ Kỳ bày tỏ thất vọng sau khi Tòa án Tối cao Thụy Điển cuối năm ngoái ra phán quyết ngăn dẫn độ một cựu phóng viên, người được cho là có liên hệ với học giả Fetullah Gulen bị Ankara cáo buộc âm mưu đảo chính.

Thổ Nhĩ Kỳ tháng 12/2022 ca ngợi Thụy Điển đã giải quyết một số mối lo ngại về an ninh của nước này, song nhấn mạnh Stockholm cần làm nhiều hơn để được Ankara ủng hộ hoàn toàn trong nỗ lực trở thành thành viên NATO.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto tái khẳng định nước này sẽ gia nhập NATO cùng lúc với Thụy Điển.

"Phần Lan không vội gia nhập NATO tới mức chúng tôi không thể chờ tới khi Thụy Điển được bật đèn xanh", Ngoại trưởng Haavisto tuyên bố.

Thụy Điển và Phần Lan kết thúc hàng thập kỷ duy trì chính sách không liên kết quân sự và nộp đơn gia nhập NATO vào tháng 5/2022.

28/30 thành viên NATO đã đồng ý để hai nước Bắc Âu gia nhập. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia duy nhất còn phản đối.

Trong khi Hungary thông báo sẽ phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Phần Lan và Thụy Điển vào đầu năm nay.
NATO được cho là đang dần mất kiên nhẫn khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục trì hoãn quá trình kết nạp Phần Lan và Thụy Điển để tìm kiếm những lợi ích riêng.
Sau nhiều tháng chờ đợi, quan chức NATO bắt đầu gây áp lực công khai với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong chuyến thăm Istanbul cuối năm ngoái, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nhấn mạnh rằng Phần Lan và Thụy Điển đã làm tốt phần của họ theo thỏa thuận.

"Đã đến lúc chào đón Thụy Điển và Phần Lan với tư cách thành viên thực sự của NATO. Trong những thời điểm nguy hiểm này, điều quan trọng hơn nữa là hoàn tất quá trình gia nhập của họ để ngăn chặn bất kỳ hiểu lầm hoặc tính toán sai lầm từ Moscow", ông Stoltenberg nói.
Kết nạp Thụy Điển và Phần Lan, hai nước có khả năng quân sự, được xem là đòn bẩy cho NATO.