Chọn mũi nhọn đột phá

ANTĐ - Năm 2013, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ ở mức 5,2%, tăng một chút so với mức 5,03% của năm 2012. Lạm phát năm nay sẽ ở mức 7,5%. Năm 2014, nền kinh tế sẽ khó khởi sắc hơn với mức tăng trưởng 5,6% và lạm phát 8,2%. Ngân hàng Phát triển châu Á dự báo như vậy và cho rằng, trong vòng hai năm tới lạm phát của nước ta sẽ được duy trì ở mức một con số là gần 10%. Giám đốc Ngân hàng này cũng khuyến nghị Chính phủ cần có cách tiếp cận chiến lược và chọn lọc hơn, nhất là tái cơ cấu kinh tế, vì không thể làm tất cả mọi việc cùng một lúc. 

Trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình giám sát năm 2014 của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, kế hoạch giám sát phải gắn với những nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, nên giám sát vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, trọng tâm có thể là tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước hoặc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Trên “Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2013” do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức, các chuyên gia kinh tế đã “chấm điểm” quá trình tái cơ cấu trong một năm qua. Một trong những tác giả Đề án Tái cơ cấu nền kinh tế, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, việc hỗ trợ, giải cứu doanh nghiệp, giải phóng hàng tồn kho, kể cả tồn kho bất động sản, mặc dù không phải là giải pháp chính trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế, nhưng lại liên quan đến thực hiện chính sách này.

Trong ba mũi nhọn của cuộc “đột phá” tái cơ cấu, có lẽ khả dĩ nhất là lĩnh vực ngân hàng, tổ chức tín dụng. Kết quả được thông báo là, hệ thống tín dụng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, thanh khoản được cải thiện, nợ xấu không tăng. Tuy vậy theo đánh giá của Ngân hàng Phát triển châu Á, đáng quan tâm nhất hiện nay là nợ xấu đang “bóp méo” nền kinh tế, làm cho nguồn lực không đến được với doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất. Việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém đã được thực hiện khá mau lẹ không qua việc sáp nhập, song vẫn còn sớm để khẳng định chất lượng sau sáp nhập như thế nào, rủi ro hệ thống có hoàn toàn chấm dứt hay không. Tương tự, tái cơ cấu đầu tư công cũng không có đề án riêng nên chưa thấy những dấu hiệu cải thiện rõ rệt. 

Tái cơ cấu nền kinh tế, rõ ràng là một công trình “thế kỷ”, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức. Ghi nhận những việc làm trong bước khởi đầu quan trọng có thể tạo ra những động lực mới cho nền kinh tế. Song để đạt được mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng chất lượng và bền vững, giới chuyên gia trong và ngoài nước cho rằng cần phải lựa chọn mũi nhọn đột phá trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế.