Chọn HLV cho đội tuyển: Loay hoay tìm bản sắc

ANTĐ - Kể từ kỳ SEA Games đầu tiên bóng đá Việt Nam hội nhập với khu vực năm 1991, ĐTQG đã trải qua 24 đời HLV trưởng, nhưng vẫn lận đận trong việc tạo dựng một bản sắc, một lối chơi riêng.

Đội tuyển sau 24 đời HLV (7 thầy ngoại) vẫn chưa định hình được bản sắc

Trong những người dẫn đội tuyển hơn 20 năm qua, HLV nội chiếm ¾ nhưng lại không tạo nhiều dấu ấn rõ rệt bằng các ông thầy ngoại. Năm 1995, ĐT Việt Nam có HLV ngoại đầu tiên là ông Edson Tavares. 42 ngày ngắn ngủi nắm đội tuyển đủ giúp ông thầy người Brazil ghi dấu ấn với tư cách người khởi đầu cho cuộc cách mạng thể lực ở đội tuyển. Những viên kẹo màu xanh của ông Tavares đã biến các cầu thủ Việt Nam vốn yếu thể lực có thể chạy băng băng 120 phút không biết mệt. Sau này, ông thầy kiêm chuyên gia y học bật mí thực ra đó chỉ là những viên kẹo chứa vitamin chứ chẳng có gì to tát nhưng nhiều tuyển thủ tin đó là thần dược. Liệu pháp tinh thần của ông Tavares giúp toàn đội chơi đầy hưng phấn vì tin rằng được trợ lực bởi thần dược từ ông thầy, để đi một lèo tới bán kết Cúp Độc Lập. 

Kế thừa thành công bước đầu của đồng nghiệp, Karl Heiz Weigang – HLV ngoại đầu tiên được VFF thuê chuẩn bị cho SEA Games 1995, tiếp tục cải thiện điểm yếu thể lực bằng cách đề xuất cho đội lần đầu tập huấn châu Âu dài hạn. Theo lời kể lại của trợ lý HLV trưởng đội tuyển khi đó là ông Trần Duy Long thì “các cầu thủ thở không ra hơi bởi những bài tập thể lực rất nặng”. Sau chuyến tập huấn lịch sử, ĐT Việt Nam lột xác thần kỳ cả về thể lực lẫn tư duy chiến thuật để lần đầu giành HCB SEA Games trong sự thán phục của cả Đông Nam Á.

Sự ra đi của ông Weigang bởi bất bình với một số học trò có biểu hiện tiêu cực ở một vài trận đấu, để lại nhiều tiếc nuối. Đó cũng là thời điểm VFF “thay HLV như thay áo” và ĐT Việt Nam xoay như chong chóng khi chưa kịp nhuần nhuyễn lối đá này đã phải làm quen với cách chơi khác bởi những ông thầy đến và đi một cách chớp nhoáng. Năm 1997, do chỉ có vài tháng chuẩn bị cho SEA Games nên HLV người Anh Colin Murphy  áp nguyên lối đá “kick and rush” (chạy và sút) truyền thống của Anh vào các cầu thủ Việt Nam có thể hình nhỏ bé và thể lực không tốt. Vì thế lối chơi và thành tích của tuyển Việt Nam thời kỳ đó rất thiếu thuyết phục. Đến thời ông Alfred Riedl (1998-2000), đội tuyển được áp lối chơi kỷ luật, bài bản của ông thầy người Áo và khởi sắc rõ nét. Nhưng đáng tiếc, dưới thời “ông vua về nhì” này cầm quân, đội tuyển 2 lần lỡ hẹn HCV khu vực ở trận chung kết Tiger Cup 1998 và SEA Games 1999. Và ở lần tái ngộ sau đó, giai đoạn 2005-2007, ông Riedl cũng chỉ có thể giúp đội giành HCB SEA Games 2005 và HCĐ AFF Cup 2007. Xen giữa 2 nhiệm kỳ của ông Riedl là Edson Silva Dido. Ông thầy người Brazil khiến nhiều người phát cuồng với tuyên bố sẽ thổi hồn “vũ điệu Sam ba” lôi cuốn của đất nước mình vào lối chơi đội tuyển và giúp đội có mặt ở World Cup. Nhưng trái ngược với đó là việc ĐT Việt Nam bị loại ngay từ vòng sơ loại World Cup 2002 và thua ngay từ vòng bảng SEA Games 2001, chấm dứt một năm tại nhiệm của ông Dido.

HLV ngoại thành công nhất trong lịch sử đội tuyển đến giờ là ông Calisto với chức vô địch AFF Cup đầu tiên và cũng là duy nhất đến giờ từ năm 2008. Sau gần 10 năm gắn bó với V-League, am hiểu tường tận bóng đá Việt, ông thầy người Bồ Đào Nha tỏ ra thích nghi tốt với môi trường đội tuyển. Dưới thời Calisto, đội tuyển Việt Nam tận dụng triệt để lối chơi nhỏ-nhuyễn-nhanh, lẫn tinh thần máu lửa được thổi từ ông thầy nhiệt huyết. Thế nhưng mối lương duyên giữa ông thầy Bồ Đào Nha và đội tuyển đã phải chấm dứt năm 2011, khi ông này thừa nhận “đã nhận ra giới hạn của các cầu thủ Việt Nam và không thể thay đổi hơn nữa”. Sau Calisto, đội tuyển trở lại với niềm tin vào người Đức, lần này là Falko Goetz – người được VFF giới thiệu “tốt nhất trong các HLV từ trước tới nay”. Thế nhưng “người tốt nhất” đó đã không thể giúp tuyển U23 vượt qua bán kết SEA Games 2011 và bị VFF sa thải ngay sau đó. Sau hơn 20 năm với 24 đời HLV (7 HLV ngoại), ĐT Việt Nam như con thuyền vô định trong hành trình đi tìm bản sắc, tìm một lối chơi truyền thống.    

(Còn nữa)