Từ Thủ đô nghìn năm văn hiến đến thành phố vì hòa bình

ANTD.VN - Lời Tòa soạn: “Thủ đô nghìn năm văn hiến” là cách gọi quen thuộc của mỗi người Việt Nam khi nhắc về Hà Nội. Chính chiều sâu văn hóa kết tinh qua nhiều thăng trầm, nhiều thế kỷ, nhiều triều đại đã mang lại cho Hà Nội một bản sắc riêng chuẩn mực. Là trái tim của cả nước, Hà Nội hội tụ nhưng cũng đồng thời lan tỏa văn hóa của cả dân tộc. Có lẽ vì thế nên không chỉ có người Hà Nội mà ngay cả người dân các tỉnh thành trên cả nước cũng vô cùng tự hào về Thủ đô. Đây là mảnh đất của bình yên, của tri thức, của sự mến khách và cả sự tiến bộ. Những ai đã từng đến, từng sống thì khi xa Hà Nội đều không khỏi luyến tiếc, bồi hồi.

Lâu nay cụm từ “Hà Nội nghìn năm văn hiến” xuất hiện trong sách, báo và các sự kiện. Tại sao không nói “Hà Nội nghìn năm văn hóa” mà lại là văn hiến? Vậy văn hóa là gì? Văn hiến là gì?

Những câu chuyện lịch sử

Văn hóa nếu hiểu theo nghĩa hẹp sẽ bao gồm văn học nghệ thuật, nhưng theo nghĩa rộng thì văn hóa chính là sự tiến bộ của con người cả về phương diện tinh thần lẫn vật chất, nó làm cho đời sống con người được hạnh phúc hơn, phong phú hơn. Từ điển của Viện Hàn lâm Pháp định nghĩa văn hóa (culture) như sau: “Toàn bộ những thụ đắc về văn chương, nghệ thuật, thủ công, công nghệ kỹ thuật, khoa học, phong hóa, luật lệ, cơ chế, tục lệ, truyền thống, những cách suy nghĩ và cách sống, cung cách ứng xử và sử dụng thuộc mọi lãnh vực, lễ nghi, thần thoại, tạo nên một di sản cộng đồng và cá tính của một nhóm sắc dân, một dân tộc hay một quốc gia”. Tuy nhiên người Trung Hoa lại không có chữ văn hóa viết liền nhau. Trong Kinh Dịch có câu:

Quan thiên văn dĩ sát thời biến

Quan nhân văn hóa thành thiên hạ

(Có nghĩa là nhìn hiện tượng trên trời để xét lại sự biến đổi của thời tiết. Nhìn hiện tượng của người ta trong xã hội để sửa đổi thiên hạ).

Văn là nét vẽ, thể hiện vẻ đẹp bề ngoài. Hóa là biến đổi cho tốt đẹp hơn. Hai chữ không đứng chung với nhau nên người Trung Hoa lấy hai chữ ghép liền để dịch chữ “culture” của tiếng Pháp. Sau đó người Việt, người Nhật, người Triều Tiên cũng dùng theo chữ văn hóa như người Trung Quốc. 

Năm 1999, UNESCO công nhận Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình” theo 5 tiêu chí của tổ chức này đưa ra. Về tiêu chí quan trọng là phát huy văn hóa truyền thống và giáo dục thì tổ chức này đánh giá rất cao văn hóa truyền thống của Hà Nội. 20 năm đã qua, Hà Nội vẫn giữ danh hiệu ấy và ngày càng phát huy.     

Văn hiến là gì? Người đầu tiên nói tới văn hiến là Khổng Tử khi nói về nước Tống: “Tống bất túc trưng dã. Văn hiến cố dã. Túc tắc ngô năng trưng chi hỹ” (Nước Tống không đủ để bầy tỏ. Đó là tại văn hiến của nước ấy. Nếu đủ ta có thể đem bày tỏ ra được). Tuy nhiên ông không giải thích văn hiến là gì. Từ điển Từ Hải - một pho tự điển rất giá trị của Trung Quốc đã định nghĩa văn hiến như sau: “Văn là kinh điển sách vở. Hiến là người hiền tài nhưng phải có bằng chứng rõ ràng. Vậy văn hiến là trình độ văn hóa của một xã hội đã tiến tới chỗ có những tác phẩm thành văn (không phải truyền khẩu) và có những nhân vật lịch sử có thể kiểm chứng”. Từ định nghĩa này có thể thấy văn hiến là nấc cao hơn văn hóa và văn minh. Nhưng khái niệm văn hiến xuất xứ từ Trung Hoa đã được dùng ở Việt Nam từ khi nào?

Trong phần đầu bài “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi có câu: 

Như nước Ðại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Đây là lần đầu tiên từ văn hiến được dùng trong sách ở Việt Nam. Nguyễn Trãi không dùng từ “vốn xưng” mà dùng từ “thực vi” (thực là). Từ “vốn xưng” là của nhà văn hóa Bùi Kỷ khi ông dịch ra chữ quốc ngữ với mục đích khẳng định bề dày văn hóa Việt Nam trước văn hóa Trung Quốc. 

Nền tảng vững bền

Người Việt xưa khiêm tốn, không tự xưng dân tộc mình là văn hiến mà hai chữ này do chính vua nhà Minh của Trung Hoa  tặng. Theo  sách “Dư địa chí”, vua  Trần Dụ Tông (1341-1269) sai Doãn Thuấn Thần đi sứ nhà Minh. Vua Minh đã khen phong tục, y phục của dân ta vẫn còn giống thời nhà Chu, nhà Tống, không theo nhà Nguyên, nhân đó ban cho mấy câu thơ: 

An Nam tế hữu Trần

Phong tục bất Nguyên nhân

Y quan Chu chế độ

Lễ nhạc Tống quần thần.

(Dịch nghĩa:

An Nam có họ Trần

Phong tục không theo Nguyên

Áo mũ vẫn theo chế độ nhà Chu

Lễ nhạc vẫn hệt như vua tôi nhà Tống)

Sau đó vua nhà Minh tặng câu: “Duy ngã Đại Việt chi quốc, thực vi văn hiến chi bang” và thăng địa vị cho sứ thần của Đại Việt lên trên sứ thần Triều Tiên ba cấp. Căn cứ vào định nghĩa trong từ điển Từ Hải thì trước đây chúng ta thường nói “Dân tộc Việt Nam 4.000 năm văn hiến” là không chính xác vì những nhân vật của họ Hồng Bàng đều nặng tính huyền thoại. Nguyên chuyện Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân và 18 vua Hùng Vương trị vì 2.622 năm (từ 2879 đến 257 trước Công nguyên) thì trung bình mỗi vua cai trị 130 năm đã là điều không thể. Trong thời kỳ này, dân tộc ta cũng chưa có chữ viết dù là mượn  của Trung Hoa. Vì vậy chưa thể có sách vở và không thể được coi là đã đạt tới trình độ văn hiến. Chứng tích chữ nghĩa sớm nhất mà Việt Nam còn giữ được là bài từ viết bằng chữ Hán của thiền sư Khuông Việt làm năm 986 theo lệnh vua Lê Đại Hành để đáp lễ và tiễn sứ thần nhà Tống là Lý Giác. 

Một bài từ hay như thế thì phải là kết quả của một quá trình viết lách đã có từ trước. Có thể tin rằng, dân tộc ta đã có văn và hiến trước thời gian sáng tác bài từ này rất lâu. Tuy nhiên, do không có  di cảo nên chỉ có thể nói Việt Nam văn hiến từ năm bài thơ của thiền sư Khuông Việt. Vì Thăng Long là kinh đô của Đại Việt từ thời nhà Lý và liên tục cho đến khi nhà Nguyễn chuyển vào Huế nên nói “Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến” là hoàn toàn đúng. Hơn nữa Thăng Long - Hà Nội xứng đáng như vậy.

Năm 1999, UNESCO công nhận Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình” theo 5 tiêu chí của tổ chức này đưa ra. So sánh với nhiều thành phố trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương về tiêu chí quan trọng là phát huy văn hóa truyền thống và giáo dục thì tổ chức này đánh giá rất cao văn hóa truyền thống của Hà Nội. 20 năm đã qua, Hà Nội vẫn giữ danh hiệu ấy và ngày càng phát huy.   

Hà Nội đã đổi thay từng ngày về mọi mặt

Từ Thủ đô nghìn năm văn hiến đến thành phố vì hòa bình ảnh 5

Sống xa quê hương gần 15 năm và dù thi thoảng vẫn về thăm gia đình nhưng mỗi lần về Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội, tôi luôn thấy rất vui. Bởi Thủ đô của chúng ta dường như thay đổi từng ngày với diện mạo vừa giữ được vẻ cổ xưa lại vừa mang dáng dấp của sự hiện đại, khang trang. Bên cạnh những con phố cổ, nhà cổ ở Hoàn Kiếm, Hai Bà Trung, Ba Đình và những hàng cây cổ thụ tỏa bóng mát quanh năm thì giờ đây Hà Nội đã có thêm rất nhiều những tòa chung cư cao tầng; những trung tâm thương mại đẳng cấp; những tòa cao ốc “chọc trời” và mỗi ngày lại có thêm những con phố hoặc cây cầu vượt đường bộ mới hiện ra. 

Tôi còn nhớ như in gần 20 năm trước, khu vực quận Cầu Giấy nói chung và khu vực các con phố Trần Duy Hưng, Trung Kính, Khuất Duy Tiến hay Phạm Hùng... nói riêng vốn là một đại công trường xây dựng ngổn ngang thì nay chẳng khác nào các khu đô thị của những nước phát triển trên thế giới. Về Việt Nam lần này đúng dịp Hà Nội kỷ niệm 20 năm ngày được công nhận là “Thành phố vì hòa bình”, tôi còn được biết tới đây chúng ta sẽ nghiêm cấm sử dụng rượu, bia, chất kích thích khi điều khiển phương tiện giao thông. Quy định này chắc chắn sẽ góp phần làm cho giao thông Hà Nội quy củ, trật tự và an toàn hơn. Ở khía cạnh trật tự hành chính công, tôi cũng cảm nhận rất rõ là đã có những bước tiến vượt bậc khi Thủ đô luôn đi đầu trong cắt giảm nhiều thủ tục rườm rà và vận hành hiệu quả cơ chế một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính.

Anh Trịnh Văn Hưng (Việt kiều Liên bang Nga) 

An ninh trật tự nơi công cộng đã tốt hơn trước rất nhiều

Từ Thủ đô nghìn năm văn hiến đến thành phố vì hòa bình ảnh 6

Cách đây không lâu, tôi tận mắt chứng kiến một phụ nữ chừng 50 tuổi cố chen vào đám đông đang lên xe buýt số 47 tại bến xe Long Biên. Nhưng rồi khi chiếc xe chuẩn bị lăn bánh thì bà ta lại nhảy phắt xuống. Cùng thời điểm, người phụ nữ ấy lập tức bị 2 thanh niên ập đến tóm tay và nói điều gì đó. Về sau tôi cùng nhiều hành khách trên xe buýt mới biết, bà ta vừa móc trộm chiếc điện thoại của một cô gái. Còn 2 thanh niên xuất hiện kịp thời bắt kẻ gian chính là các chiến sỹ Cảnh sát hình sự của CATP Hà Nội. Ngay cả cô gái bị mất cắp cũng chỉ biết mình mất tài sản khi được các anh công an mời xuống xe phối hợp làm việc... 

Công bằng mà nói Hà Nội ít nhiều vẫn còn tồn tại hiện tượng trộm cắp vặt tại những nơi công cộng như: bến tàu, bến xe, phố đi bộ hay những bệnh viện lớn. Tuy nhiên, so với nhiều năm trước đây thì tình trạng này không đáng kể. Gần đây, CATP Hà Nội còn chủ động cắt cử các chiến sĩ cảnh sát ứng trực ngay tại các bệnh viện đóng trên địa bàn nên hiện tượng trộm cắp, móc túi đã cơ bản bị bài trừ. Đặc biệt, hơn 2 năm trở lại đây, Bệnh viện Tim Hà Nội hầu như không xảy ra vụ trộm cắp, móc túi nào đối với người nhà bệnh nhân. Hoặc có xảy ra thì đối tượng trộm cắp sẽ nhanh chóng bị bắt giữ và tài sản trộm cắp được thu hồi trao trả cho người mất. Tiếp tục xây dựng, duy trì “thương hiệu” Hà Nội là “Thành phố vì hòa bình”, tôi mong rằng cộng đồng xã hội cũng như các cấp chính quyền và ban ngành của Thủ đô sẽ cùng nhau nỗ lực hơn, để mỗi khi ai đó ra đường hoặc phải đến những nơi công cộng không còn cảm giác lo lắng.

Chị Nguyễn Thị Thái (cán bộ Bệnh viện Tim Hà Nội) 

Trịnh Tuyến (Ghi)

ông Rober P. Chenoweth - Cựu phi công Mỹ: “Với tôi, Hà Nội như ngôi nhà thứ hai”

Từ Thủ đô nghìn năm văn hiến đến thành phố vì hòa bình ảnh 7

Tôi là cựu tù binh Mỹ từng bị bắt giam tại nhà tù Hỏa Lò. Trở lại Hà Nội lần thứ hai vào đầu tháng 7 này, tôi cảm thấy nơi đây rất thân thuộc như thể đây là ngôi nhà thứ hai vậy. 

Lần này tôi đi cùng con trai của mình đúng vào dịp thành phố kỷ niệm 20 năm được UNESCO công nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Có lẽ bởi vậy mà cha con tôi đều cảm nhận được không khí đặc biệt hơn. Con người và cuộc sống Hà Nội vẫn thế, chúng tôi được người dân đón tiếp nồng nhiệt. Sau 2 tuần khám phá, tìm hiểu thêm về Hà Nội, con trai tôi hiểu rằng không chỉ con người Hà Nội mà người Việt Nam nói chung đối xử rất văn minh và thân tình. Các bạn không quên quá khứ, nhưng luôn hướng tới tương lai.

Chúng tôi đặc biệt thích những món ăn truyền thống của Hà Nội như: phở, bún chả và cà phê vỉa hè. Không khí yên bình trên từng con phố, người dân thưởng thức những ly cà phê, bát phở mang phong cách Hà Nội vô cùng hấp dẫn. Nơi này cứ như một thiên đường ẩm thực vậy, đặc biệt là ẩm thực đường phố như hoa quả, xôi hay chè. Dù đồ ăn hơi cay, nhưng nó vẫn rất ngon.

ông Gyula (Du khách Hungary): “Báo chí quốc tế nói rất nhiều về Hà Nội, vì thế tôi quyết định phải tới thành phố của các bạn”

Từ Thủ đô nghìn năm văn hiến đến thành phố vì hòa bình ảnh 8

Tôi mới đến Hà Nội được 2 ngày. Tôi biết đến Hà Nội qua một số bài viết trên báo chí quốc tế. Hầu hết những bài báo đó đều khẳng định Hà Nội yên bình, an toàn và mến khách. Con người thân thiện, ẩm thực hấp dẫn là những điều mà tôi nhớ nhất khi rời thành phố này. Lần tới nếu có dịp quay lại nơi đây, chắc chắn tôi sẽ đi cùng với vợ của mình, thành phố này thực sự nên đến ít nhất một lần trong đời. Tôi cảm nhận được sự khác biệt văn hóa rõ ràng giữa Hà Nội và đất nước mình, ngoại trừ đồ ăn cay giống nhau. Lần đầu tiên thấy cảnh đường phố tấp nập xe máy, tôi có một chút sợ, nó giống như trò chơi mạo hiểm vậy. Tôi mong rằng Hà Nội sẽ giữ được nhiều cây xanh hơn. Phải rời Hà Nội sớm, tôi cảm thấy thật luyến tiếc.

Bà Fracoise, du khách Pháp: “Thành phố là biểu tượng của sự gắn kết và yêu chuộng hòa bình”

Lần đầu tiên đến Hà Nội cùng với gia đình, tôi cảm thấy yêu mến và muốn gắn bó với thành phố này. Cả tôi và 2 cô con gái nhỏ đều thích món phở. Chúng tôi đã từng thưởng thức phở ở Pháp, nhưng thú thực nó không hề giống hương vị phở của Hà Nội chút nào. Đặc biệt mùi thơm của phở Hà Nội đã khiến gia đình chúng tôi thấy ấn tượng và khó mà cưỡng nổi sự thèm thuồng, ngay cả người bán hàng cũng vô cùng niềm nở. Cuộc sống ở đây thật thanh bình, chúng tôi có thể thong thả đi bộ trên các con phố, ngắm nhìn những công trình cổ xưa và hiện đại. Đến Hà Nội tôi mới hiểu vì sao cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lại được chọn tổ chức ở đây. Thành phố này là biểu tượng của sự gắn kết và yêu chuộng hòa bình.

Chị Amber- Du khách đến từ Nam Phi: “Tôi dự định gắn bó với Hà Nội một thời gian dài”

Tôi là một cô giáo dạy tiếng Anh và đã có 2 năm sinh sống tại Hà Nội. Sau một thời gian trải nghiệm, thú thực tôi muốn gắn bó thêm với thành phố này. Nơi đây níu chân tôi bằng sự yên bình, từ nhịp sống tới cách con người Hà Nội đón chào khách từ phương xa. Tôi thật sự hạnh phúc khi được sống trong những ngày Hà Nội đang kỷ niệm 20 năm được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Con người ở đây có mối liên kết với nhau rất thân thiện. Tôi yêu Hà Nội, yêu những buổi chiều đi dạo quanh hồ, quán cà phê và tham quan các bảo tàng. Một điều thú vị đó là Hà Nội đang thay đổi không ngừng, nhưng có một thứ khiến tôi thấy không đổi, đó là cảm giác thân thiện, mến khách và an toàn. Tôi và chồng của mình mong được hiểu hơn lịch sử, văn hóa của Hà Nội xưa.