Muốn xây dựng được đô thị thông minh, trước hết phải có sự đồng thuận

ANTD.VN - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, xây dựng các đô thị thông minh hiện là xu thế chung của thế giới, tuy nhiên không phải mô hình mới nào, dù ưu việt, khi vào Việt Nam đều được đón nhận ngay…

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội thảo

Sáng nay, 9-11, Báo Hànộimới đã đăng cai tổ chức Hội thảo báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương lần thứ VII - năm 2018 với chủ đề "Vai trò của báo chí trong tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững".

Ngoài 5 cơ quan báo Đảng của 5 thành phố trực thuộc trung ương, còn có 15 cơ quan báo Đảng các địa phương đại diện cho các khu vực, vùng miền trong cả nước tham dự.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Phong, Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội cho biết, phát triển thành phố thông minh là xu thế tất yếu của thế giới, với gần 200 thành phố tập trung xây dựng thành phố thông minh.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định xây dựng thí điểm 3 thành phố thông minh (gồm Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh). Với Hà Nội, sau khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, hiện có diện tích rộng, dân số đông, là 1 trong 17 thành phố lớn của khu vực châu Á -Thái Bình Dương có xu hướng trở thành đại đô thị.

Song bên cạnh những thuận lợi, Hà Nội cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức về hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông, quá tải dịch vụ công cộng… Vì thế, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định là phải xây dựng thành phố xanh, văn hiến, văn minh, hiện đại, tiến tới xây dựng thành phố thông minh, gắn với phát triển bền vững cũng như bảo tồn, phát triển văn hoá. 

Muốn xây dựng được đô thị thông minh, trước hết phải có sự đồng thuận ảnh 2Quang cảnh buổi hội thảo

Ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh, dù xây dựng thành phố thông minh là xu thế chung, nhiều thành phố trên thế giới đã triển khai hiệu quả, thành công, song không phải việc gì mới khi đưa vào Việt Nam đều được đón nhận ngay. Do đó, trong xây dựng thành phố đô thị thông minh, Hà Nội cũng đang thực hiện một cách thận trọng, làm từng bước, chia lộ trình thành 3 giai đoạn cụ thể (đến 2020, từ 2020 đến 2025, sau 2025)…

Vẫn theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội, đến thời điểm này, Hà Nội đã làm được nhiều việc, đạt được những kết quả nhất định trên nhiều lĩnh vực như hoàn thành dữ liệu quản lý dân cư, ứng dụng công nghệ thông minh vào quản lý giao thông, giáo dục, du lịch…

Song để xây dựng thành công thành phố thông minh, rất cần sự vào cuộc, tuyên truyền để tạo đồng thuận, cũng như cung cấp các cơ sở lý luận, thực tiễn từ các cơ quan báo chí.

Về nội dung chính tại hội thảo, Tổng Biên tập Báo Hànộimới Nguyễn Hoàng Long cho biết, hội thảo này sẽ tập trung nêu những bài học kinh nghiệm, phương pháp triển khai, phát hiện những mô hình hay, cách làm hiệu quả để triển khai và xây dựng mô hình đô thị thông minh tại các địa phương. Đồng thời, phản ánh bất cập, kiến nghị, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm tạo sự đồng thuận cao để triển khai, xây dựng thành phố thông minh, phát triển bền vững...