Chính sách nhân văn cho người chấp hành xong án phạt tù

ANTD.VN - Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ký, ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Đây là chính sách mới, rất nhân văn, nhân đạo nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng.

Có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống

Theo Đại tá Nguyễn Văn Long - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng (Bộ Công an), Bộ Công an đề xuất chính sách cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn xuất phát từ yêu cầu thực tế để thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về công tác tái hòa nhập cộng đồng, cũng như yêu cầu của công tác phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Đây cũng là tâm huyết của lãnh đạo Bộ Công an trong suốt thời gian qua.

Phạm nhân đọc sách, báo tại cơ sở giam giữ

Phạm nhân đọc sách, báo tại cơ sở giam giữ

Thời gian qua, mặc dù Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan hồng nhằm giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc hòa nhập cộng đồng của một bộ phận người chấp hành xong án phạt tù vẫn còn nhiều khó khăn do họ không thể tìm kiếm được việc làm, không có vốn để tự sản xuất, kinh doanh, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tái phạm tội.

Xuất phát từ những khó khăn, vướng mắc như vậy, thời gian qua lãnh đạo Bộ Công an đã giao Cục Cảnh sát quản lý tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự tại cộng đồng phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngân hàng Chính sách xã hội, các Bộ, ngành liên quan tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, tạo điều kiện giúp họ tiếp cận nguồn vốn phục vụ học nghề, sản xuất, kinh doanh, có nguồn thu nhập để ổn định cuộc sống.

Chính sách nhân văn

Vẫn theo Đại tá nguyễn Văn Long, người chấp hành xong án phạt tù khi trở về địa phương phải đối mặt với nhiều rào cản, khó khăn do những hạn chế từ bản thân như: Mặc cảm, tự ti về quá khứ, khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm, tạo kế sinh nhai..., bên cạnh đó, họ cũng chịu những tác động tiêu cực từ các yếu tố khách quan như còn có sự kỳ thị, xa lánh, phân biệt đối xử của cộng đồng xã hội... nên có thể coi đây là nhóm đối tượng yếu thế của xã hội, cần có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ để họ nâng cao khả năng thích ứng khi tái hòa nhập cộng đồng. Trong đó việc có chính sách giúp họ có việc làm, kế sinh nhai là vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất để giúp họ có điều kiện phát triển bình đẳng như các cá nhân khác trong cộng đồng, tái hòa nhập cộng đồng bền vững.

Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách nhân văn, nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước ta đối với người lầm lỗi, người đã có quá khứ phạm tội; không ai bị bỏ lại phía sau; tiếp nối và phát huy truyền thống nhân văn, nhân ái của dân tộc ta. Đồng thời, cũng là để cụ thể hóa thi hành Điều 45 Luật Thi hành án hình sự quy định về tái hòa nhập cộng đồng và Nghị định số 49/2020/NĐ-CP ngày 17/4/2020 của Chính phủ.

Quyết định được ban hành cũng sẽ tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn có việc làm, cơ sở sản xuất kinh doanh có thêm điều kiện, động lực để tạo việc làm cho họ, từ đó tạo ra của cải vật chất, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước; khẳng định sự chung tay của Nhà nước và cộng đồng xã hội trong công tác tái hòa nhập cộng đồng, từng bước xóa bỏ kỳ thị, xa lánh của cộng đồng xã hội đối với người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ có những điều kiện thuận lợi để sớm tái hòa nhập cộng đồng. Đồng thời, khi người chấp hành xong án phạt tù được tạo điều kiện vay vốn, có việc làm, ổn định cuộc sống sẽ góp phần làm giảm tỷ lệ tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội. Bên cạnh đó, khi chính sách tín dụng này được ban hành sẽ khuyến khích được các doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù để tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi, phát triển quy mô sản xuất, qua đó cũng tạo thêm được nhiều việc làm.

Có một thực tế là nhiều người chấp hành xong án phạt tù thường không có tài sản thế chấp. Điều quan trọng nhất để được vay vốn đó là họ phải chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng có lao động là người chấp hành xong án phạt tù cũng được vay vốn. Theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ thì có 2 nhóm đối tượng được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Đó là: Cá nhân người chấp hành xong án phạt tù và các cơ sở sản xuất kinh doanh.

Để hỗ trợ cho người chấp hành xong án phạt tù được thuận lợi trong việc thực hiện vay vốn, Thủ tướng Chính phủ giao cho công an cấp xã định kỳ hằng tháng tiến hành rà soát, lập danh sách những người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn và có đủ điều kiện để chuyển cho Ngân hàng Chính sách xem xét cho vay vốn. Do vậy, người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn có thể trình bày nguyện vọng với UBND hoặc công an cấp xã để đưa vào danh sách.

Việc kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay được thực hiện theo quy định, quy trình của Ngân hàng Chính sách xã hội, công an các địa phương cũng có trách nhiệm phối hợp trong quá trình giám sát vốn vay và thu hồi nợ...