Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của các loài ốc biển trên thế giới

ANTD.VN - Ốc xà cừ xanh, ốc giác, ốc gai trắng... là những loài ốc độc lạ, quý hiếm mà bất cứ người sưu tầm vỏ ốc biển nào cũng mong muốn được sở hữu.

Ốc thanh long gai Thái Bình Dương (Drupa ricinus) dài 2-3 cm, sống trên các rạn san hô Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Con mồi của chúng là giun nhiều tơ.

Ốc xoắn vạch (Epitonium scalare) dài 3 - 7cm, phân bố ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Có hàm dưới cấu tạo như lưỡi cắt, chúng ăn hải quỳ và san hô.

Ống giấm (Tonna dolium) dài 10 - 18cm, phân bố ở Ấn Độ Dương – Tây Thái Bình Dương. Vỏ của loài ốc này có các khía chạy song theo đường xoắn ốc, mỏng và nhẹ hơn đa số loài ốc biển khác.

Ốc kim khôi đỏ (Cypraecassis rufa) chúng sống ở vùng nước nông, dài 12 - 17cm, xuất hiện ở các vùng biển nhiệt đới, nhiều nhất ở Đông Phi và Đông Nam Á.

Ốc bàn tay (Harpago chiragra) dài 8 - 30cm, phổ biến ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Loài này sống ở rạn san hô, ăn thực vật và tảo. Vỏ của chúng có 6 phần loe ra như những ngón tay. Chúng được khai thác làm thực phẩm và đồ mỹ nghệ.

Ốc gai lược (Murex pecten) dài 10 - 15cm, là loài bản địa ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Vỏ loài ốc này có một rãnh hình ống rất dài, toàn thân có những dãy gai dài như gai lược.

Ốc giác (Melo melo) dài 15 - 35cm, phân bố ở Đông Nam Á. Loài ốc này tạo ra một loại ngọc màu cam, có giá trị rất cao trên thị trường quốc tế. Ngoài ra chúng cũng được khai thác để làm thực phẩm.

Ốc măng (Mitra mitra) dài 10 - 15cm, phân bố rộng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Là kẻ săn mồi, loài ốc có hình dáng dễ nhận biết này tích cực săn các loài ốc nhỏ hơn ở vùng biển nông.

Ốc mặt trời gai (Stellaria solaris) dài 6-13 cm, cư trú ở các vùng biển Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Chúng gắn các vật thể như đá cuội và vỏ của các loài thân mềm khác vào vỏ của chúng để ngụy trang.

Ốc kèn Australia (Syrinx aruanus) dài 20 - 90cm, được ghi nhận ở vùng biển Bắc Australia. Là loài động vật chân bụng có vỏ lớn nhất thế giới, chúng có thể nặng tới 18 kg. Do kích thước lớn, chúng rất nổi tiếng trong giới sưu tầm vỏ ốc biển.

Ốc dùi (Terebra subulata) dài 7 - 20cm, được tìm thấy ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tiêu biểu cho các loài ốc mũi khoan có vân trên vỏ, chúng đào khoan qua lớp cát bề mặt để bắt giun.

Ốc Nón (Tectus niloticus) dài 8 - 12 cm, phân bố ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Có lớp xà cừ dày, loài ốc biển này được khai thác với số lượng lớn để làm đồ trang sức, quà lưu niệm hoặc thực phẩm.

Ốc xà cừ xanh (Turbo marmoratus) dài 8 - 22cm, phân bố ở vùng biển Đông Ấn Độ, Đông Nam Á và Bắc Australia. Với lớp vỏ có lớp xà cừ rất dày, chúng được đánh bắt như một nguồn cung cấp xà cừ phục vụ ngành chế tác đồ trang sức.

Ốc ruốc (Umbonium vestiarium) dài 0,5 - 2 cm, sống trong cát ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Có màu sắc và hoa văn rất đa dạng, chúng là đối tượng sưu tầm ưa thích của một số người.