Chìa khóa để thúc đẩy Hà Nội trở thành Thủ đô văn minh, hiện đại

ANTD.VN - Trao đổi với An ninh Thủ đô, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đã làm rõ thêm nhiều vấn đề mới được đề cập tại Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.

Nâng tầm vị thế và trách nhiệm

- Thưa ông, Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được Thủ tướng CP phê duyệt có điểm gì mới so với Đồ án Quy hoạch 1259/QĐ-TTg năm 2011?

- TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội: Ngày 27-12-2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1668/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn 2065. Cùng với việc phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trước đó và việc thông qua Luật Thủ đô, đó chính là “chìa khóa” để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy Hà Nội trở thành một Thủ đô hiện đại, văn minh, hội nhập quốc tế sâu rộng và đóng góp vào sự nghiệp phát triển bền vững của đất nước. Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065 có nhiều vấn đề rất mới trong quy hoạch không gian vì tầm nhìn của quy hoạch chung dài hạn hơn quy hoạch Thủ đô. Tuy nhiên, so với Đồ án quy hoạch 1259/QĐ-TTg năm 2011 tôi thấy rằng có 3 đột phá lớn cần lưu ý.

Cụ thể, trong quy hoạch trước đó, một trong những vấn đề còn tồn tại đến nay là việc khai thác không gian, cảnh quan 2 bên sông Hồng còn nhiều bất cập. Quy hoạch 2 bên sông Hồng là một phần trong chiến lược phát triển đô thị tổng thể của Hà Nội. Đây là vấn đề đặt ra đã lâu, được nghiệm thu quy hoạch nhưng chưa phê duyệt. Năm 1994 đã có đồ án quy hoạch 2 bên sông Hồng được nghiệm thu, năm 2000 cũng có quy hoạch và Thủ tướng đã đi thực địa. Sau đó, nghiệm thu quy hoạch này và Thủ tướng cho phép thí điểm 1km ở khu vực hồ Tây giáp sông. Đột phá thứ hai, trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung lần này đặt ra phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông, đặc biệt chú trọng giao thông công cộng (TOD).

Trong quy hoạch 2011 Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị, nhưng theo quy hoạch mới Hà Nội sẽ làm 15 tuyến đường sắt đô thị. Mỗi tuyến đường sắt đô thị đều có những ga, điểm trung chuyển, định hướng phát triển mô hình đô thị TOD tại các khu vực có ga đường sắt để tạo lập không gian sống tiện ích, hiện đại, có hạ tầng dịch vụ đồng bộ, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình TOD cần tính toán thận trọng do Hà Nội là đô thị lịch sử, có điểm có thể áp dụng, có điểm không thể áp dụng. Từ những năm 2000, thành phố đã thí điểm ở ga Giáp Bát, ga Hàng Cỏ, nhưng vấn đề di dân rất khó khăn. TOD trên thế giới có điểm TOD, tuyến TOD, vùng TOD, từ quy hoạch chung này Hà Nội cần phải có nghiên cứu cụ thể hơn để vừa phát triển vừa bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. Đột phá thứ ba là vấn đề phát triển không gian ngầm. Hà Nội là tỉnh đầu tiên trong 63 tỉnh, thành phố có quy hoạch không gian ngầm.

Đây là vấn đề Hà Nội tiên phong, nhưng để bảo đảm không gian ngầm của Hà Nội có thể được khai thác một cách bền vững, việc xây dựng khung chính sách quy hoạch và các nguyên tắc pháp lý rõ ràng là điều cần thiết. Những nguyên tắc này bao gồm việc làm rõ quyền sở hữu và sử dụng không gian ngầm, thiết lập các giới hạn độ sâu phù hợp với từng mục đích phát triển, và bảo đảm tính tương thích giữa các mục đích sử dụng khác nhau. Bên cạnh đó, cần có một kế hoạch dự trữ không gian ngầm cho các nhu cầu phát triển trong tương lai, bao gồm cả không gian ngầm và không gian bề mặt cho các kết nối giao thông và hạ tầng kỹ thuật.

Quy mô dân số lớn thì nguồn lực phát triển Thủ đô cũng lớn, nhưng đây cũng là áp lực cho vấn đề quy hoạch, đặc biệt là mật độ dân số khu vực nội đô lịch sử

- Điều chỉnh Quy hoạch chung lần này lựa chọn sông Hồng là biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, ông có bình luận gì về nội dung này?

- Có lẽ chưa có dòng sông nào trên địa bàn Thủ đô nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kiến trúc sư như sông Hồng. Sau khi Thủ đô được hoàn toàn giải phóng tháng 10-1954, thì đến năm 1962 đã xuất hiện nghiên cứu đầu tiên về sông Hồng. Với vị thế hiện có của sông Hồng, một khu vực giàu tiềm năng về giá trị văn hóa truyền thống, nơi chứa đựng truyền thuyết về kinh đô Thăng Long, điểm đến hấp dẫn trong và ngoài nước, đồng thời là nơi sinh sống của hàng vạn người dân… đây là thời điểm thích hợp để sông Hồng vươn mình trở thành biểu tượng phát triển mới của Thủ đô.

Thực tế, vấn đề trục sông Hồng đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng chậm triển khai bởi mối quan hệ vùng, thì lần này quy hoạch khẳng định là trong thời hạn quy hoạch, phấn đấu 2 bên sông Hồng là biểu tượng phát triển mới của Hà Nội. Trước đây chúng ta có định hướng phát triển rất nhiều, nhưng chủ yếu là trong đoạn 40km sông Hồng đi qua trung tâm thành phố. Bản thân sông Hồng đi qua Hà Nội 120km, như vậy chúng ta không chỉ phát triển Hà Nội ở đô thị trung tâm với sông Hồng là trục cảnh quan mà còn liên kết với 4 tỉnh bạn để cùng phát triển sông Hồng thành trục trung tâm của đồng bằng Bắc bộ, đồng bằng sông Hồng. Quy hoạch lần này cũng nhấn mạnh vai trò của Hà Nội là vai trò của động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Như vậy, Hà Nội được nâng tầm vị thế và trách nhiệm hơn.

Thể hiện tinh thần Hà Nội vì cả nước

- Vấn đề di dân khỏi khu vực lõi đô thị từng được đề cập tới trong nhiều bản quy hoạch trước nhưng tới nay vẫn chưa thực sự thành công, nội dung này được nhắc tới trong Điều chỉnh Quy hoạch chung như thế nào, thưa ông?

- Trước đây, trong Đồ án quy hoạch 1259/QĐ-TTg, chúng ta dự báo là đến năm 2030 Hà Nội có khoảng 9,2 triệu dân. Lần này trong quy hoạch mới, với bối cảnh phát triển chung của đất nước đặt ra chỉ tiêu điều chỉnh đến 2030 dân số Hà Nội có thể là 12 triệu người, trong đó thường trú là khoảng 10,5 triệu người. Đặc biệt, tỷ lệ đô thị hóa với diện tích lớn nhất cả nước, mô hình chùm đô thị, trong mục tiêu lần này đặt ra mức cao so với Nghị quyết 15/NQ-TW, tức là tỉ lệ đô thị hóa đến 2030 phải đạt 65 - 70%; dân số đến 2045 là gần 15 triệu người, tỉ lệ đô thị hoá là 75%, vượt mức yêu cầu của Trung ương, đây là định hướng quy hoạch thể hiện có căn cứ rất lớn. Trước kia, dự báo dân số chưa chính xác, lần này đặt trong mối quan hệ với cả nước chúng ta dự báo dân số cao hơn. Quy mô dân số lớn thì nguồn lực phát triển Thủ đô cũng lớn, nhưng đây cũng là áp lực cho vấn đề quy hoạch, đặc biệt là mật độ dân số khu vực nội đô lịch sử. Thực tế những năm qua, dân số tại các quận nội đô không những không giảm mà còn tăng. Nguyên nhân chính đến từ 3 vấn đề tồn tại.

Thứ nhất là do các vấn đề thủ tục, pháp lý. Thứ hai là vướng mắc trong cải tạo, xây dựng các khu chung cư mới cùng các nhà chung cư trong nội đô. Thứ ba là chưa tạo điều kiện thuận lợi, mức giá ưu đãi cho người di dời ra khỏi khu vực này. Trong Đồ án Quy hoạch 1259/QĐ-TTg, chúng ta đã có định hướng về việc thiết lập các đô thị vệ tinh nhưng chưa thực hiện được, lần này trong quy hoạch khẳng định tiếp tục mô hình chùm đô thị và 5 đô thị vệ tinh kèm theo đó trong Luật Thủ đô có đưa ra rất nhiều chính sách nhằm khuyến khích các đô thị vệ tinh thành các nơi đến phục vụ cho khởi nghiệp. Để tạo sức hấp dẫn, lần này trong quy hoạch chung Thủ đô cũng như quy hoạch Thủ đô đã đưa ra mô hình thành phố trong Thủ đô. Một khi mô hình này phát triển có những thuận lợi, hấp dẫn người dân. Hiện nay, các thành phố trực thuộc Trung ương mới có TP.HCM là có TP Thủ Đức trực thuộc.

Để phát triển Thủ Đức, Chính phủ cho phép 8 chính sách đặc thù. Hà Nội dự kiến thành lập 2 thành phố, đây là những mô hình mới. Trong việc triển khai Luật Thủ đô lần này, chúng ta phải cụ thể những đặc thù của mô hình thành phố trong Thủ đô thì mới có sức hấp dẫn người dân. Như vậy, cùng với việc tiếp tục mô hình đô thị vệ tinh, phát triển thành phố trong Thủ đô, đặc biệt là 5 vùng đô thị có khả năng dung nạp được quy mô dân số lớn như kỳ vọng. Hà Nội luôn là điểm đến hấp dẫn của người dân, lần này chúng ta chấp nhận điều này và tạo điều kiện để cuộc sống của người dân được nâng cao, thể hiện tinh thần Hà Nội vì cả nước.

- Điều chỉnh Quy hoạch chung có đặt ra yêu cầu “dự trữ quỹ đất cho cảng hàng không thứ hai”, chúng ta có thể hiểu vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Hà Nội đã có Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với các giai đoạn phát triển mở rộng, nhưng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài còn đặt ra yêu cầu về an ninh quốc phòng. Hơn nữa dù đã được nâng cấp, mở rộng, sân bay Nội Bài mới chỉ quy nạp được hơn 10 triệu hành khách, do đó đặt ra vấn đề phải có sân bay thứ hai. Hà Nội định hướng phát triển sân bay thứ hai ở phía Nam (vùng Phú Xuyên), trong đề xuất với Chính phủ về việc xây dựng sân bay thứ hai thì các tỉnh khác có yêu cầu cấp bách hơn nên chưa được chấp thuận. Trong quy hoạch lần này, Hà Nội vẫn giữ quan điểm cần có sân bay thứ hai ngoài Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Theo đó, quy hoạch nêu “dự trữ quỹ đất, không gian, hạ tầng tại phía Nam (khu vực huyện Ứng Hòa, Phú Xuyên) để nghiên cứu phát triển cảng hàng không thứ hai - vùng Thủ đô Hà Nội”. Như vậy, việc dự trữ quỹ đất để xây dựng sân bay thứ hai khi được phê duyệt thì sẽ tạo điều kiện cho hội nhập, phát triển rộng với quốc tế hơn.