Chỉ số giá tiêu dùng dự báo tăng cao, ngân hàng có tăng lãi suất huy động?

ANTD.VN - Với dự báo lạm phát năm nay nhiều khả năng tăng mạnh trong khi lãi suất tiết kiệm duy trì mức thấp, nhiều khoản tiền gửi ngắn hạn của người dân đang bị hao hụt đi trong ngân hàng.

Dòng tiền vào ngân hàng đang chậm lại

Theo khảo sát, hiện nay mặt bằng lãi suất huy động của các ngân hàng đang rất thấp. Trong đó, lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng đang bị áp trần 4%/năm, các ngân hàng đang huy động trong khoảng lãi suất từ 2,9 – 3,75%/năm.

Trong khi đó, mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội giao là 4%, trong khi Tổng cục Thống kê cho rằng con số thực tế có thể sẽ cao hơn thế. Điều này đồng nghĩa những khoản tiền gửi ngắn hạn của người dân trong ngân hàng nhiều khả năng không có lãi do "trượt giá".

Điều này dẫn đến nhiều lo ngại dòng tiền sẽ bị rút ra khỏi ngân hàng để đổ vào các kênh đầu tư khác, trong đó phải kể đến chứng khoán, bất động sản.

Con số vừa được Tổng cục Thống kê công bố cũng cho thấy dòng tiền đổ vào ngân hàng đang có dấu hiệu chậm lại. Cụ thể, tính đến ngày 19/3/2021, tín dụng của nền kinh tế tăng tới 1,47%, trong khi đó huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 0,54%.

Nếu so với cùng kỳ năm 2019 (thời điểm chưa có dịch bệnh) thì tốc độ tăng trưởng huy động vốn thấp đáng kể (huy động vốn vào thời điểm 20/32019 tăng 1,72%).

Dòng tiền vào các ngân hàng đang có dấu hiệu chậm lại

Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính – ngân hàng, người dân khi gửi tiền luôn mong lãi suất tiền gửi vẫn ở mức dương, cao hơn lạm phát. Trong khi đó, lạm phát ở Việt Nam đang ở mức cao hơn so với khu vực. Chẳng hạn Trung Quốc lạm phát 2%, Phillipines và Indonesia lạm phát 2,5%, thế giới lạm phát trung bình cũng chỉ ở mức 2%. Còn Việt Nam, lạm phát năm vừa qua là hơn 3,2%, mục tiêu năm nay cũng là phấn đấu dưới 4%.

“Chúng tôi cũng dự báo áp lực lạm phát có thể cao hơn so với năm ngoái. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần phải điều hành thận trọng lãi suất”, vị chuyên gia nói và khuyến nghị cơ quan quản lý không nhất thiết phải tiếp tục giảm lãi suất vì mức lãi suất huy động và cho vay hiện nay đã rất thấp. Và nếu lãi suất thấp, lập tức dòng tiền sẽ chảy sang các kênh đầu tư khác rủi ro hơn.

Điều này một mặt khiến thanh khoản hệ thống ngân hàng khó khăn hơn, một mặt khiến dòng vốn không đi vào sản xuất kinh doanh nên khó kích thích tăng trưởng kinh tế lâu dài.

Lãi suất huy động liệu có tăng?

Hiện nay, dự đoán về lãi suất thời gian tới vẫn có 2 luồng ý kiến. Một số cho rằng lãi suất có thể thiết lập một mặt bằng mới cao hơn trong năm nay, trong khi nhiều nhận định lại cho rằng sẽ khó tăng.

Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), hồi đầu tháng 3 vừa qua, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 - 12 tháng ở một số ngân hàng quy mô nhỏ có sự gia tăng đáng kể. Công ty chứng khoán này cũng nhận định, lãi suất huy động thời gian tới có thể tăng trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát, việc tiêm vaccine ngừa Covid-19 chuẩn bị được triển khai và lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại.

Công ty Chứng khoán SSI thì cho rằng, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ vẫn ổn định trong quý I và đầu quý II/2021, sau đó có thể nhích tăng từ cuối quý 2 khi các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng.

Trên thực tế, việc nhu cầu tín dụng những tháng đầu năm đang rất khả quan, dự báo cả năm nay sẽ tăng mạnh do sản suất, kinh doanh phục hồi. Do đó, các ngân hàng có thể phải nâng lãi suất để thu hút dòng tiền, tăng thanh khoản thị trường.

Tuy nhiên, nhìn nhận chung thị trường đến thời điểm này thì thanh khoản hệ thống vẫn rất dồi dào. Điều này thể hiện ở mặt bằng lãi suất liên ngân hàng vẫn ổn định ở mức thấp.

Tốc độ tăng trưởng huy động vốn thời gian qua sụt giảm có một phần nguyên nhân từ sự chủ động của các ngân hàng, nhằm tránh nguồn vốn dư thừa quá lớn. “Các ngân hàng đang rất dư thừa thanh khoản, nên phải cân nhắc bài toán huy động vốn từ người dân với lãi suất cao rồi lại phải đẩy lên thị trường liên ngân hàng với lãi suất chỉ không phẩy mấy phần trăm” – lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng OCB, về nguyên tắc, tín dụng tăng sẽ tỷ lệ thuận với lãi suất. Nhưng trong bối cảnh đặc thù như hiện nay thì có một số yếu tố có thể làm thay đổi cuộc chơi. Đó là thanh khoản các ngân hàng đang rất dồi dào; đồng thời việc các ngân hàng đang phải cạnh tranh lẫn nhau cũng sẽ “ghìm” lãi suất cho vay, từ đó khiến lãi suất huy động khó tăng.

“Các ngân hàng đều đang muốn đẩy tiền ra càng sớm càng tốt, do đó, sẽ khó có chuyện tăng lãi suất cho vay” – ông Tùng nói.