Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi:

Chỉ luật pháp mới ngăn được “vết thương” của mỹ thuật Việt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Để làm rõ hơn những ảnh hưởng của nạn tranh giả tới giá tranh Việt Nam trên sàn đấu giá quốc tế, phóng viên An ninh Thủ đô Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện cùng nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi từ Thủ đô Paris, Pháp.

- Phóng viên: Tranh Đông Dương liên tục lọt vào bảng xếp hạng các tác phẩm triệu đô đã phản ánh đúng giá trị của dòng tranh này chưa, thưa ông?

- Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi: Theo ý kiến riêng của tôi, mức giá kỷ lục hiện nay vẫn chưa phản ánh đúng giá trị tranh Đông Dương trên thị trường quốc tế. Không chỉ so sánh với Trung Quốc hay Nhật Bản, mà thậm chí ngay các các nước có sự phát triển nghệ thuật chậm hơn chúng ta như Indonesia, Singapore… hiện nay giá trị tranh của họ vẫn cao hơn. Vì sao? Điều tôi muốn nhắc đến đầu tiên là hiện tượng tranh giả. Vấn nạn này là một vấn đề nan giải đối với thị trường tranh vừa chớm nở của nền mỹ thuật Việt Nam. Và thật kỳ lạ, điều này chỉ xảy ra ở Việt Nam.

Thị trường tranh Việt Nam, hay nói đúng hơn tranh Đông Dương, có một thời lên rất cao, nhờ vào tiếng nói của Victor Tardieu - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại các triển lãm quốc tế. Bức tranh Việt Nam đầu tiên được chính quyền Pháp mua vào năm 1929 là tác phẩm “Chợ gạo bên sông Hồng” của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn. Tiếp theo đó là các tên tuổi như Lê Phổ, Nguyễn Phan Chánh, Lê Văn Đệ, Tô Ngọc Vân… đã tỏa sáng rực rỡ trong các buổi triển lãm tại Pháp, Ý, Hoa Kỳ…

Bức “Cô gái đội nón lá bên sông” của Mai Trung Thứ được mua với giá 1,5 triệu USD. (Nguồn ảnh: Sotheby’s Hong Kong)

Bức “Cô gái đội nón lá bên sông” của Mai Trung Thứ được mua với giá 1,5 triệu USD. (Nguồn ảnh: Sotheby’s Hong Kong)

- Từng có thời kỳ, tranh Việt có giá trị rất cao trên sàn quốc tế nhưng sau đó lại tụt hạng, ông có thể chia sẻ lý do của việc này?

- Từ sau 1954, trước tình hình chính trị và chiến tranh, thị trường tranh Việt Nam hoàn toàn chìm sâu vào lãng quên. Trong khi đó, mỹ thuật tại các nước bạn tại vùng Đông Nam Á, dù sinh sau đẻ muộn, vẫn có môi trường lớn lên. Lớp bụi thời gian dày đặc ấy được phủi đi vào đầu thập niên 1980 với các tên tuổi Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, Nguyễn Tử Nghiêm…

Từ đó thị trường tranh giả bắt đầu bùng phát, điển hình nhất là tranh của Bùi Xuân Phái. Đây là một trường hợp đau đầu, làm giá trị tranh của ông từ đỉnh cao tuột dốc một cách không kìm hãm được. Trong khi thị trường mỹ thuật các nước xung quanh dần dần trưởng thành thì chúng ta đối diện với vấn nạn tranh giả và vẫn chỉ dừng lại ở tuổi… chập chững biết đi.

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi

- Được biết, có đường dây làm tranh giả từ Việt Nam ra nước ngoài…

- Người nước ngoài không làm giả tranh Việt Nam được, vì họ không thể hiện được hồn Việt. Chỉ có người Việt làm giả rồi đem sang Tây bán, sau đó mang ngược về Việt Nam để “hợp thức hóa”. Chỉ có người Việt hại người Việt, hại mỹ thuật Việt Nam mà thôi. Làm giả tranh, mua tranh giả, lợi ít mà hại nhiều. Ở Pháp có luật, những gì không đúng thì người ta bỏ. Ở ta, bảo tàng còn treo tranh giả thì còn nói được gì?

Khi bức tranh “Gia đình” của họa sĩ Lê Phổ cán mốc triệu đô, tôi cho rằng thị trường tranh Việt bắt đầu bước vào “tuổi dậy thì”. Và nếu chúng ta không quyết tâm cùng nhau bài trừ tranh giả thì khó lòng lớn lên nổi. Dĩ nhiên chúng ta không thể đánh giá mỹ thuật qua thương mại, nhưng ảnh hưởng của nó không kém phần quan trọng trong tiếng nói chung đối với quốc tế.

- Tranh giả xuất hiện cả trên sàn đấu giá danh tiếng thế giới. Điều này, theo ông có bất thường không?

- Hiện nay, tranh giả tràn lan, ngay cả trên sàn đấu giá danh tiếng, vì đây là một miếng mồi béo bở. Các nhà đấu giá chỉ là chợ bán tranh, miễn có lời là họ sẽ làm. Tại sao họ không thể giả tranh Picasso, Van Gogh…? Đó là vì ở các nước tiên tiến, luật pháp bảo vệ tác quyền rất phân minh, xử phạt rất nặng. Các nhà đấu giá cũng có thể ngại việc ảnh hưởng đến danh tiếng của họ. Riêng đối với tranh Việt Nam nói chung và tranh Đông Dương nói riêng, các nhà đấu giá chỉ cần bán được tranh để lấy tiền, danh tiếng không hề lung lay vì luật pháp của chúng ta chưa có gì phân minh trong việc bảo vệ tác quyền.

Bức tranh “Cuộc sống gia đình” (Family life) của danh họa Lê Phổ có giá bán hơn 1,1 triệu USD. (Nguồn ảnh: Sotheby’s Hong Kong)

Bức tranh “Cuộc sống gia đình” (Family life) của danh họa Lê Phổ có giá bán hơn 1,1 triệu USD.

(Nguồn ảnh: Sotheby’s Hong Kong)

- Là người dõi theo các phiên đấu giá quốc tế, ông có đề xuất gì để bảo vệ tranh Việt khỏi nạn làm giả?

- Thị trường tranh Đông Dương càng lên cao, món mồi càng béo bở, việc giả tranh càng lộng hành, tinh vi, thì sẽ trở thành vết thương ngày càng trầm trọng đối với nền mỹ thuật Việt Nam. Chúng ta cần nghiên cứu theo các nước đã có kinh nghiệm, xây dựng một hệ thống luật chặt chẽ và khắc khe, có tầm ảnh hưởng quốc tế. Tất cả những ai yêu mến mỹ thuật phải quyết tâm, đồng lòng lên tiếng tẩy chay khi khám phá tranh giả trên thị trường trong và ngoài nước, dù nhà đấu giá có danh tiếng hay không. Và nên thành lập một đội ngũ chuyên gia minh bạch, có tiếng nói chung để bảo vệ tranh Việt trên sàn quốc tế.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi là cháu ngoại của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn (1890 - 1973), đồng sáng lập trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Ông sinh năm 1960 ở Bình Dương, 13 tuổi lên Sài Gòn và sang định cư tại Pháp từ năm 1985. Ngô Kim Khôi từng thực hiện mẫu thiết kế cho các ngôi sao lừng danh thế giới như Charlotte Gainsbourg, Nicole Kidman, Catherine Deneuve, nữ hoàng nhạc pop Madonna...

Ở lĩnh vực nghiên cứu, Ngô Kim Khôi đã thực hiện các tác phẩm: “Nam Sơn - Cuộc đời và tác phẩm” (Nam Son - sa Vie, son Oeuvre, 1999), “Từ Hồng Hà đến Cửu Long, cái nhìn Việt Nam” (Du Fleuve Rouge au Mékong, visions du Vietnam, 2012), “Những nhiếp ảnh đầu tiên tại Việt Nam” (Les premiers photographes au Vietnam, 2015), “Thang Trần Phềnh” (NXB Mỹ thuật 2018)… Ông là một tên tuổi đầy uy tín đối với giới đấu giá tranh trong và ngoài nước. Những năm sau này, ông gần như dành toàn bộ thời gian cho việc nghiên cứu mỹ thuật - một lĩnh vực mà ông mê đắm từ nhỏ. May mắn được tiếp cận khá nhiều nguồn tài liệu về mỹ thuật từ các bảo tàng, gia đình và nhiều người quen… cùng thói quen làm việc tỉ mỉ đã cho ông kiến thức sâu sắc và cách trình bày khoa học về các vấn đề mỹ thuật, đặc biệt là mỹ thuật Đông Dương.