Chi hành chính vẫn rất lớn và lãng phí

ANTĐ - Đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, dù có những phong trào tiết kiệm được phát động, song chi hành chính vẫn rất lớn, gây lãng phí.

Hôm nay (24-10), các Đoàn ĐBQH dành cả ngày để thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch năm 2014 (kết hợp thảo luận về kết quả thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế), giải pháp thực hiện các mục tiêu đến hết năm 2015.

Đoàn ĐBQH họp tổ, ngày 24-10

Tham gia đóng góp ý kiến tại Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội, đại biểu Nguyễn Đình Quyền cho rằng, báo cáo của Chính phủ vẫn “hơi hồng”. Ông phân tích: Điều kiện kinh tế xã hội đang khó khăn song biên chế không giảm được. Dù có những phong trào tiết kiệm, song chi hành chính vẫn rất lớn, lãng phí nguồn lực như chi phí hội nghị, họp hành, mít tinh...như thế hiệu quả hành chính tôi cho rằng vẫn ở mức thấp. Chúng ta nói ra rả về đầu tư không được dàn trải, thiếu tập trung...nhưng tôi tán thành với một cụm từ trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ đó là “nói không đi đôi với làm”, việc này xảy ra ở nhiều địa phương, tôi đi giám sát thấy có nhiều công trình dàn trải đến mức “cười ra nước mắt”.

"Dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 vẫn tăng 2,9% so với năm 2013 là không ổn. Giải pháp cho năm 2014 theo tôi là cần thắt chặt trên mọi lĩnh vực từ hành chính đến đầu tư”, ông Quyền nói tiếp, “Về tình hình dư nợ công, dư nợ quốc gia đang ở mức báo động, nhưng không có truy thu, trốn lậu thuế rất nhiều, ở Việt Nam tôi ít thấy xử về những vụ trốn thuế, trong khi tôi sang Mỹ, tòa án Mỹ xử 1 tuần 5 vụ trốn thuế. Giải pháp thì quá nhiều, quan trọng là phải hành động, “nói đi đôi với làm” và một trong những giải pháp là thắt chặt chi tiêu như nói trên".

Đại biểu Đinh Xuân Thảo: 10 năm thực hiện tổng thể về cải cách hành chính,
nhưng đi đến đâu cũng vướng và tốn nhiều công sức

Đại biểu Đinh Xuân Thảo đánh giá ưu điểm đạt được của kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013: Có thể nói bức tranh tổng thể là khả quan, sáng sủa khi chúng ta đạt được những mục tiêu Quốc hội đề ra, nhất là trong bối cảnh suy thái kinh tế toàn cầu. Nhưng cần xem lại trong từng lĩnh vực cụ thể, như kết quả bước đầu tái cơ cấu kinh tế thì chỉ có tín dụng tài chính ngân hàng là chuyển biến mạnh, nhưng về tái cơ cấu đầu tư thì chưa thấy gì đáng kể, để tái cơ cấu thì cần lượng tiền lớn nhưng thực tế không có; Rồi 10 năm thực hiện tổng thể về cải cách hành chính với hàng nghìn tiêu chuẩn về đơn giản hóa các thủ tục, nhưng đi đến đâu cũng vướng và tốn kém nhiều công sức.

Đại biểu Bùi Thị An thì đề nghị Chính phủ rà soát lại các con số, thống kê của các ngành, địa phương để có sự thống nhất. “Mọi ngành, mọi nơi đều thích thành tích nên đôi khi báo cáo không thật. Những gì liên quan đến thành tích thì đều tăng cao, liên quan đến khuyết điểm thì đều giảm”. Bà An cho rằng, thước đo chính xác nhất cho sự phát triển là phải lấy chất lượng cuộc sống của người dân làm chuẩn.

Trong buổi chiều cùng ngày, các đại biểu trong Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đề cập nhiều đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay bất cứ loại hoa quả nào cũng đều có thể bị ép chín giả bằng hóa chất, bất cứ loại thực phẩm truyền thống nào cũng có nguy cơ bị làm giả là thực trạng đáng lo ngại và gây bất an dư luận. Từ đó các đại biểu đề nghị Chính phủ cần tìm ra biện pháp ngăn chặn tình trạng này, mang lại sức khỏe cho người dân.

Sáng mai (25-10), dự kiến các Đoàn ĐBQH tiếp tục thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2013; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2014; sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015; phương án phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014-2016.    

“Nhìn ra bên ngoài, một sự kiện đánh bom chết 10-15 người đã trở thành sự kiện thế giới, mới đây máy bay rơi ở Lào là sự kiện thế giới. Nhìn như vậy thì ngày nào chúng ta cũng có sự kiện thế giới về giao thông. Đặt vấn đề như thế để thấy tính nghiêm trọng. Cụ thể như năm 2012 có trên 36 ngàn vụ tai nạn giao thông, trung bình mỗi ngày có 104 người và 28 người chết vì tai nạn giao thông. Nghĩa là cứ sáng sớm có 28 người ra khỏi nhà và chiều không về. Đây là vấn đề rất bức xúc trong xã hội”.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Bắc Son