Châu Âu không thể che giấu điểm yếu trước Tổng thống Putin

ANTD.VN - Tổng thống Putin đã nhận ra điểm yếu lớn nhất của các nhà lãnh đạo châu Âu để khai thác theo hướng có lợi cho nước Nga.

Các nhà lãnh đạo châu Âu chỉ đang giả vờ đoàn kết, và Tổng thống Putin biết rõ điều đó. Chuyên gia phân tích Andreas Kluth của tạp chí Bloomberg đã viết về điều này.

"Các nước thành viên EU muốn nói công khai về tình đoàn kết của họ với nhau", tác giả bài viết trên tờ Bloomberg lưu ý, điều này đặc biệt xảy ra khi khối phải đối mặt với khủng hoảng năng lượng.

Do sự thiếu hụt nguồn cung khí đốt từ Nga, các thành viên của Liên minh châu Âu đã quyết định gửi một thông điệp tới Tổng thống Vladimir Putin và tuyên bố tự nguyện cắt giảm 15% mức tiêu thụ nhiên liệu

Tuy nhiên những sự kiện diễn ra gần đây đã cho thấy không có sự đoàn kết nào ở châu Âu, nhà báo Klut lập luận. Đây là một minh chứng cho thấy điểm yếu của EU mà Brussels đang cố gắng che giấu.

“Giống như một cuộc hôn nhân tốt đẹp, EU đang cố chứng tỏ là một khối đoàn kết, nhưng thực ra không phải vậy. Vấn đề lớn nhất của EU là không có khả năng nhận thức các mối đe dọa, trách nhiệm và sự hy sinh như một vấn đề chung".

"Liên minh châu Âu chỉ đang giả vờ đoàn kết, và Tổng thống Putin biết rõ điều đó. Như thỏa thuận cắt giảm nhu cầu sử dụng khí đốt đã cho thấy, EU vẫn chưa thể tự bảo vệ mình trước đối phương một cách hiệu quả", nhà báo người Mỹ nói rõ.

Nhà phân tích nhớ lại: Nga đã mất hai thập kỷ để xây dựng đường ống dẫn khí đốt đến các nước châu Âu và Đức đã tận dụng lợi thế này trong một thời gian dài để nhận được nhiên liệu giá rẻ.

Tuy nhiên giờ đây Berlin đã thấy mình phụ thuộc vào Moskva một cách nguy hiểm và việc áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Liên bang Nga đã tỏ ra quá đau đớn đối với họ.

Hiện nay khí đốt của Nga được cung cấp cho châu Âu với khối lượng nhỏ hơn do "tình trạng kỹ thuật" của đường ống, nhưng thậm chí Liên bang Nga có thể chặn hoàn toàn dòng chảy do chính sách thù địch của EU.

Nếu các cơ sở lưu trữ của châu Âu không được lấp đầy trong mùa đông này, Nga có thể khiến người dân EU rùng mình trong những ngôi nhà thiếu hệ thống sưởi và buộc nhiều cơ sở sản xuất phải đóng cửa.

Bây giờ câu hỏi đặt ra cho EU là phải làm gì, các quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất - trong trường hợp này là Đức dẫn đầu - đang kêu gọi tinh thần đoàn kết, dẫn đến việc Ủy ban châu Âu đề xuất giảm lượng tiêu thụ khí đốt 15%.

“Đúng lúc này 'tình đoàn kết của EU' đã rạn nứt khi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý, Hy Lạp và một vài quốc gia thành viên khác không phụ thuộc vào khí đốt của Nga và do đó không thực sự gặp nhiều rủi ro - các nước này đã phản đối đề xuất".

"Việc tiết kiệm khí đốt của họ sẽ không giúp ích được gì cho Đức, bởi vì không có đường ống nào để vận chuyển khí đốt dư thừa từ Madrid hay Malta đến Bavaria hay Berlin. Vậy tại sao họ phải nói có với chương trình tiết kiệm bắt buộc”, nhà báo Andreas Kluth đặt câu hỏi.

Sự chia rẽ như vậy từng xảy ra trong nội bộ Liên minh châu Âu, mỗi khi khối này đối mặt với những thách thức nghiêm trọng và giờ đây tình hình trên đang lặp lại.

"Hãy nhớ lại 10 năm trước, trong cuộc khủng hoảng khu vực đồng Euro, việc bán chứng khoán nợ của Hy Lạp, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đã bắt đầu. Các quốc gia này yêu cầu Đức giúp đỡ, nhưng Berlin đã từ chối", nhà báo Klut viết.

Ngoài ra không có sự đoàn kết giữa các nước EU trong cuộc khủng hoảng người tị nạn giai đoạn 2015 - 2016. Một số nước thành viên EU, bao gồm cả Đức đã đề nghị hỗ trợ, nhưng những nước khác - dẫn đầu là Ba Lan và Hungary lại từ chối.

“Các cường quốc trên thế giới hiểu rõ điểm yếu này của EU. Đúng vậy, các nước trong khối đã đồng ý về một thỏa hiệp, và khí đốt sẽ được tiết kiệm. Tuy nhiên, nhiều nước EU sẽ có sự miễn trừ, sơ hở và ngoại lệ".

"Cuối cùng, bạn sẽ cần một chiếc kính lúp để tìm thấy sự đoàn kết trong EU. Tuần này, Tổng thống Nga Vladimir Putin không thấy điều gì ở Brussels có thể khiến ông ấy lo lắng", tác giả kết luận.