- Tái hiện chiến thắng Điện Biên Phủ qua nghệ thuật xiếc
- Liên đoàn Xiếc Việt Nam kỷ niệm 68 năm thành lập
NSND Tống Toàn Thắng sinh năm 1967 tại Hà Nội, là con út trong gia đình có 3 chị em. Thuở nhỏ anh chỉ là cậu bé gày gò, nhút nhát, nhưng rất ngưỡng mộ người anh họ của mình là một trong diễn viên đầu tiên của xiếc chuyên nghiệp Việt Nam. Chính vì vậy, năm 12 tuổi (1979), dù được trúng tuyển cả 2 trường là Trung cấp Nghệ thuật Xiếc và Trung cấp Mỹ thuật, nhưng cậu bé Tống Toàn Thắng quyết định chọn nghề xiếc đầy gian nan, vất vả để thử thách bản thân mình.
Từ cậu bé nhút nhát đến chàng “Thạch Sanh” thuần phục trăn
Sau 5 năm khổ luyện, cậu bé nhút nhát ngày nào đã lớn và khá giỏi môn thăng bằng, nhào lộn. Được đầu quân cho Liên đoàn Xiếc Việt Nam, anh đã có những chuyến công diễn đầu tiên trong sự nghiệp. Tuy nhiên, chặng hành trình đó cũng có lúc tưởng như phải dừng lại khi nghề xiếc gặp khó khăn ở giai đoạn đất nước có những thay đổi, xóa bỏ bao cấp. Các nghệ sĩ xiếc bị cắt bỏ nhiều chế độ, nhiều diễn viên bỏ nghề và bản thân anh cũng có lúc rơi vào thời gian khủng hoảng. Chính trong thời điểm đó, tình cờ nghệ sĩ Tống Toàn Thắng nhìn thấy bức ảnh cô gái Nga có vẽ quấn trên mình 1 con trăn. Một ý tưởng táo bạo bỗng nảy ra: “Ngày đó người dân đang rất hâm mộ những người hùng cơ bắp. Bản thân tôi cũng thích môn thể hình nên tôi nghĩ, nếu có một con trăn thật quấn trên cơ thể một người đàn ông thì sẽ đẹp như thế nào...” - anh kể. Và thế là chàng thanh niên Tống Toàn Thắng đã tìm mua một con trăn và quyết tâm thuần phục nó.
Ninja Magic Show - chương trình đầu tiên diễn viên xiếc và ảo thuật của Việt Nam và Nhật Bản cùng biểu diễn |
Chú trăn đầu tiên cũng chính là người “bạn diễn” đầu tiên của anh có tên gọi là Quýt. Anh hào hứng kể: “Qua các tài liệu tôi tìm hiểu thì loài trăn khi bị che mắt sẽ mất phương hướng, bớt tính nguy hiểm, nên tôi may một túi vải rồi cho Quýt vào trong, tối ngồi xem tivi thì ôm, vỗ đầu nó. Lúc đầu Quýt phản ứng do thân nhiệt người và trăn khác nhau, nhưng rồi sau một thời gian nó cũng quen và cho tôi chạm vào. Cứ thế tôi cho Quýt ra dần khỏi túi, chỉ che đầu lại”.
Chú trăn khi mua về chỉ nặng 3,5kg, dưới sự chăm sóc của anh thì khi trưởng thành đã nặng gần 30kg. Rồi một hôm, Quýt sổng ra khỏi chuồng, leo lên bờ tường nhà phơi nắng làm hàng xóm một phen… hết hồn. Để bảo vệ “thú cưng”, anh lần đầu tiên dùng tay không bắt Quýt xuống, quàng nó lên mình trước tất cả mọi người để thể hiện “chủ quyền” và Quýt ngoan ngoãn phối hợp. Cũng chính từ đó, năm 1991, khi Rạp Xiếc Trung ương khánh thành, tiết mục xiếc trăn lần đầu ra mắt tại Việt Nam đã tạo nên thương hiệu “Thạch Sanh” của Tống Toàn Thắng. Hơn 30 năm diễn xiếc trăn, anh đã có trên dưới 20 “cộng sự” cùng công diễn tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bên cạnh những vinh quang, anh cũng từng 4 lần suýt chết vì bị “bạn diễn” cuốn đến nghẹt thở, có lần thì vừa bị cắn, vừa bị cuốn, mất máu đến mức phải cấp cứu. Để có được những màn biểu diễn hoàn hảo trước khán giả, anh đều hóa trang, che kín những vết sẹo do trăn gây ra trong quá trình luyện tập.
Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng cho biết, diễn xiếc trăn không chỉ là khoe hình thể mà phải làm nổi bật được kỹ thuật biểu diễn đỉnh cao, cách điều khiển trăn trên sân khấu, làm sao để con trăn trở nên thân thiện nhưng vẫn giữ nguyên được bản năng hoang dã vốn có. Chính tính nguy hiểm, sự hòa quyện giữa thiên nhiên và con người đã tạo nên sức hấp dẫn của tiết mục này.
Nghệ sĩ Tống Toàn Thắng biểu diễn cùng trăn |
Xiếc Việt mạnh mẽ đương đầu trước những thách thức
Hơn 40 năm cống hiến, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng trải qua nhiều vị trí và giờ là Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Anh là một trong hai nghệ sĩ xiếc đầu tiên được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Mặc dù công tác quản lý khiến anh ít có dịp lên sân khấu như trước, nhưng chỉ cần khán giả yêu cầu anh vẫn sẽ xuất hiện. Có thể là chàng “Thạch Sanh” biểu diễn xiếc trăn, cũng có thể chỉ là những vai nhỏ để điều phối sân khấu. Anh cho biết, quan trọng là khi đứng trên sân khấu có thể đo lường được cảm xúc khán giả để từ đó xây dựng các chương trình ngày càng tốt hơn.
Không chỉ là một nghệ sĩ biểu diễn, NSND Tống Toàn Thắng còn được biết đến là một đạo diễn sân khấu tài năng. Những dấu ấn quan trọng trên hành trình sáng tạo nghệ thuật của anh phải kể đến các vở như: “Đi cùng năm tháng”, “Sống mãi Điện Biên”, “Hà Nội của những giấc mơ”… Đó là các chương trình xiếc có nhạc sống, kết hợp với các ca sĩ, dàn hợp xướng và các nghệ sĩ xiếc phối hợp nhịp nhàng trên sân khấu. Trước phần biểu diễn, chương trình có phần giao lưu với các nhân chứng lịch sử về những năm tháng hào hùng của dân tộc. Anh tâm sự, giờ đây những tiết mục không chỉ là của cá nhân mà là của tập thể.
Xiếc đã không còn đơn thuần chỉ là xiếc mà một vở diễn cũng sẽ có nhân vật, nội dung, câu chuyện, xung đột, mâu thuẫn, cao trào hội tụ đầy đủ như một tác phẩm nghệ thuật để phục vụ khán giả. Năng lực của anh còn được khẳng định hơn nữa khi Liên đoàn Xiếc Việt Nam được tặng Giải thưởng Trích đoạn xuất sắc với tác phẩm “Cúc ơi” tại Liên hoan các trích đoạn hay nghệ thuật sân khấu toàn quốc năm 2023. Các diễn viên trong Liên đoàn cũng nhận được Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho vai diễn của mình trong Liên hoan. Anh tâm sự: “Tôi rất tự hào khi những kiến thức đã học của mình ở Đại học Sân khấu - Điện ảnh có thể nâng nghệ thuật xiếc lên một đẳng cấp khác, không chỉ đứng độc lập mà hòa nhập sòng phẳng với nghệ thuật sân khấu”.
Đã từng sống trong thời kỳ hoàng kim của loại hình nghệ thuật này, rồi chứng kiến sự thay đổi của thời đại, NSND Tống Toàn Thắng khẳng định, nghệ thuật xiếc sẽ không bị quên lãng: “Thách thức cũng chính là những thời cơ mới. Nghệ thuật phải vị nhân sinh, phải vì con người. Vì vậy, cần phân khúc đối tượng khán giả, đối tượng nào thì sản phẩm ấy. Do đó, bắt buộc người làm nghệ thuật phải không ngừng tư duy, động não để thay đổi, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người xem”. Chính vì vậy, thời gian tới, anh hướng đến các sản phẩm không phải chỉ là xiếc mà hội tụ cả xiếc, âm nhạc và nhiều thành phần khác mang tính giải trí cao. Đặc biệt, anh tìm thấy tiềm năng của xiếc trong phát triển giao lưu văn hóa quốc tế.
Những show diễn như Ninja Magic Show vừa qua đã mang đến sự kết hợp đầy ấn tượng giữa xiếc Việt Nam và ảo thuật Nhật Bản. Giờ đây anh đang ấp ủ những ý tưởng ở các thị trường mới như Ý, Hàn Quốc… để mang đến những sản phẩm chất lượng cao cho khán giả. Tuy vậy, trăn trở của người lãnh đạo là Liên đoàn luôn phải đối mặt với những áp lực để có thể tiếp tục duy trì và truyền lửa cho các nghệ sĩ trẻ. Anh tâm sự: “Học viên xiếc phải chịu sự đào thải vô cùng nghiệt ngã như không đủ thể lực, không có tính kiên nhẫn, không chịu được đau đớn, thậm chí có những người tập luyện 5 năm trong trường rồi nhưng thấy vất vả nên bỏ dở giữa chừng. Hơn nữa, nếu trước chỉ có đoàn xiếc của nhà nước thì hiện nay xuất hiện nhiều đơn vị tư nhân. Họ sẵn sàng trả lương cao hơn cho các nghệ sĩ. Do đó, nhân lực lựa chọn vào Liên đoàn lại càng ít hơn”.
Chính vì vậy, ngoài việc không ngừng tìm ra thị trường, nâng cao đời sống cho nghệ sĩ, gieo cho họ sự đam mê với nghề, NSND Tống Toàn Thắng còn chú trọng tìm hướng đi trong đào tạo nhân lực tại chỗ, gây dựng thế hệ tương lai từ các câu lạc bộ tài năng nhí. Anh muốn tiếp tục tạo nên những câu chuyện cổ tích như của mình, từ một chàng trai nhút nhát, đến “ông vua” của làng xiếc Việt, chinh phục những ước mơ. Chính tình yêu và sự tỏa sáng của môn nghệ thuật sân khấu này là những điều mà anh muốn truyền lại cho thế hệ nghệ sĩ mai sau.