Chặn nguồn tội phạm: “Vào từng phòng, dò từng nhà”

ANTĐ - Kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, nhà trọ lâu nay vốn bị đánh giá là loại hình “nhạy cảm”. Sử dụng trái phép ma túy, mại dâm, rồi đối tượng hình sự, trốn truy nã ẩn náu… những sự phức tạp, “nhạy cảm” đó, suy cho cùng, do chính tâm lý ham lợi nhuận và nhận thức pháp luật kém của chủ cơ sở lưu trú. 

Lộ trình bài bản

Thông qua công tác kiểm tra, nhiều vi phạm - tội phạm đã bị phát hiện

Khởi động trong 3 tháng, và đến hết tháng 5- 2012, Kế hoạch 38 sẽ sơ kết, rút kinh nghiệm để tổ chức, thực hiện bài bản, đồng bộ hơn nữa. Thực tế, kiểm tra lưu trú đối với nhà nghỉ, nhà trọ, khách sạn là biện pháp từng được lực lượng công an thực hiện, từ cấp phường, thị trấn đến quận, huyện, thành phố. Song có thời điểm, có địa bàn, công tác này được “khoán” cho cấp cơ sở. Việc kiểm tra, nhất là ở nhà nghỉ, khách sạn, phụ thuộc vào sự… tự giác của chủ các cơ sở lưu trú. Có vi phạm bị phát hiện chỉ được xử lý qua loa, đặc biệt, công tác kiểm tra chưa phát hiện, “đánh” trúng những đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội ma túy, hình sự, tệ nạn xã hội.

Động thái kiểm tra vẫn là chủ đạo của Kế hoạch 38; song nó đã định ra những đường hướng cụ thể hơn, có trọng tâm, trọng điểm hơn, vừa tránh tối đa ảnh hưởng đến việc kinh doanh của các cơ sở kinh doanh, vừa phải “kéo” được sự tham gia của cán bộ cơ sở vào cuộc. “38” xác định với công an các cấp phải báo cáo, tham mưu với chính quyền địa phương về công tác tổng kiểm tra, kiểm soát hành chính các cơ sở lưu trú; từ đó, đề xuất phân công cán bộ cơ sở phối hợp với lực lượng công an trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.

“Công tác điều tra cơ bản - khâu quan trọng của “38” - được thực hiện bởi sự phối hợp của CSKV, công an phụ trách xã với bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, bảo vệ dân phố… để xác định số cơ sở lưu trú cũng như thông tin về người tạm trú, lưu trú”, chỉ huy Phòng QLHC về TTXH - CATP Hà Nội cho biết.

Công an các quận, huyện đều phải thành lập các tổ công tác thực hiện Kế hoạch 38; và trước khi tiến hành kiểm tra, chỉ huy quận, huyện phải duyệt phương án do tổ trưởng các tổ công tác đề xuất. Với phương châm “vào từng phòng, dò từng nhà”, các trường hợp nghi vấn như có dấu hiệu sử dụng giấy tờ của người khác, lý do tạm trú không rõ ràng, thường xuyên thay đổi nơi tạm trú… sẽ bị đưa về công an cơ sở để xác minh nhân thân hai chiều. Nếu là vi phạm hành chính thông thường, chủ cơ sở và cả khách trọ vẫn bị nhắc nhở, xử lý nghiêm.

Từng bước đi vào nề nếp 

“Sự nề nếp ở đây được đặt ra không chỉ với chủ các cơ sở kinh doanh lưu trú, mà cả với lực lượng làm nhiệm vụ”, Thượng tá Nguyễn Hồng Thái - Phó trưởng CAQ Long Biên khẳng định. Với chủ cơ sở lưu trú, thông qua việc kiểm tra, kiểm soát của lực lượng công an, họ sẽ được hướng dẫn, phổ biến quy định, điều kiện trong hoạt động lưu trú. Khi đã đạt chuẩn, chủ cơ sở hay nhân viên phục vụ sẽ có ý thức chấp hành tốt hơn, đặc biệt, có sự chủ động hơn trong phòng ngừa, phát hiện và tố giác tội phạm. Còn với lực lượng công an, “38” là dịp để hoàn chỉnh hồ sơ quản lý tạm trú, tạm vắng; là cơ hội để tổng rà soát, nắm bắt các cơ sở lưu trú trên địa bàn, và quan trọng, nó giúp chỉ huy quận, huyện, thị xã “thẩm” toàn bộ quy trình thực hiện kiểm soát tạm trú, tạm vắng của các phường, đội nghiệp vụ.

Kế hoạch tổng kiểm tra, kiểm soát cơ sở lưu trú được báo trước với chủ các cơ sở, tuy nhiên, thời gian kiểm tra sẽ được thực hiện đột xuất, để đảm bảo yếu tố “nóng” cho công tác kiểm tra. Trung tá Doãn Thị Yến - Đội trưởng Đội QLHC về TTXH, CAQ Hai Bà Trưng cho biết, thời điểm kiểm tra được tiến hành căn cứ vào “đặc thù” tụ tập hoạt động phạm pháp của các đối tượng ở các cơ sở lưu trú. Đặc biệt, việc kiểm tra sẽ được thực thi lập tức, nếu lực lượng chức năng nhận được tin báo về hiện tượng bất minh ở cơ sở lưu trú nào đó. Hơn 20 ngày “38” được triển khai, đã xuất hiện những biện pháp sáng tạo để đạt hiệu quả tối đa trong quá  trình kiểm tra, kiểm soát. Như CAQ Hai Bà Trưng, chỉ huy CAQ đã thành lập thêm 1 tổ công tác do Đội CSHS làm chủ công, để có thể áp dụng ngay biện pháp nghiệp vụ cần thiết khi phát hiện, xử lý đối tượng nghi vấn. Như CAQ Long Biên, tại 14 phường trên địa bàn có các tổ liên quân CSHS - CSKV và cán bộ cơ sở ứng trực 24/24h ở các điểm khai báo tạm trú, tạm vắng, đồng thời tiếp nhận thông tin, kiểm tra cơ sở lưu trú có biểu hiện đối tượng xấu tụ tập. Tại CAH Gia Lâm, “38” được phát huy hiệu lực - hiệu quả bởi những tổ công tác liên quân, liên đội nghiệp vụ đối với các địa bàn giáp ranh…