Chân dung tân Thủ hiến Scotland Humza Yousaf

ANTD.VN - Ông Humza Yousaf gần đây đã trở thành người da màu đầu tiên và là người Hồi giáo đầu tiên đảm nhiệm chức vụ Thủ hiến Scotland, Vương quốc Anh. Có gì đặc biệt ở chính trị gia mới 37 tuổi này?

Ông Humza Yousaf là người da màu đầu tiên và người Hồi giáo đầu tiên giữ vị trí Thủ hiến Scotland

“Ông bà tôi đã chuyển từ Punjab đến Scotland hơn 60 năm trước. Họ là người nhập cư và hầu như không biết một từ tiếng Anh nào. Trong giấc mơ điên rồ nhất của mình, họ không thể tưởng tượng được một ngày nào đó cháu của họ sẽ trở thành người đứng đầu chính quyền Scotland” - ông Humza Yousaf phát biểu sau khi giành được đa số phiếu bầu để thay thế bà Nicola Sturgeon làm lãnh đạo Đảng Quốc gia Scotland (SNP) cầm quyền hôm 27-3-2023.

Sinh ra ở Glasgow, ông Humza Yousaf học chính trị tại Đại học Glasgow, đồng thời giữ chức Chủ tịch Hiệp hội sinh viên Hồi giáo. Đây là nơi ông bắt đầu xây dựng danh tiếng của mình. Ngoài việc học, ông còn tham gia vào tổ chức từ thiện Cứu trợ Hồi giáo. Ông cũng là thành viên của đài phát thanh cộng đồng chuyên cung cấp thực phẩm và chăm sóc cho những người xin tị nạn, người vô gia cư ở Glasgow. Những trải nghiệm sôi nổi càng thúc đẩy niềm đam mê chính trị ở thanh niên này.

Việc ông Yousaf trở thành lãnh đạo Scotland được đánh giá là một sự kiện quan trọng không chỉ đối với người Scotland mà còn đối với người Hồi giáo trên khắp Vương quốc Anh. “Chúng ta đã quá quen với những khuôn mẫu và chủ đề tiêu cực, đặc biệt là về người Hồi giáo. Nhưng chiến thắng của ông Yousaf đã gửi đi một thông điệp rằng, ai cũng có thể nắm quyền lãnh đạo” - bà Zara Mohammed, người phụ nữ đầu tiên và là người trẻ nhất từng đứng đầu Hội đồng Hồi giáo Anh quốc nhận định.

Năm 2016, ông Yousaf đã thu hút sự chú ý toàn cầu khi mặc trang phục truyền thống của Scotland và đọc lời tuyên thệ trước Quốc hội bằng tiếng Urdu. Với chiến thắng mới nhất này, người ta thấy chính quyền Scotland, Vương quốc Anh và nước láng giềng Ireland hiện đều do những người đàn ông gốc Á lãnh đạo. Họ là con cháu của những người đã di cư nhiều thập kỷ trước và phải vượt qua không ít định kiến do phân biệt chủng tộc và phân biệt đối xử. “Đó là minh chứng cho sự chăm chỉ và kiên trì không bỏ cuộc của họ. Phải mất vài thế hệ để đến đây và rất nhiều quyết tâm để làm được điều đó” - bà Zara Mohammed nói.

Ông Yousaf là thành viên của Quốc hội Scotland từ năm 2011. Cho đến gần đây, ông là Bộ trưởng Y tế của Scotland vào thời điểm cơ quan y tế quốc gia gặp khủng hoảng. Scotland từ lâu đã có tỷ lệ tử vong do ma túy cao nhất châu Âu và tuổi thọ trung bình thấp nhất Tây Âu. Giảng viên chính trị Paul Anderson cho rằng, ông Humza Yousaf có một con đường khó khăn phía trước: “Ông ấy sẽ phải cố gắng đoàn kết nội bộ đảng của mình khi mà họ đã bị chia rẽ một chút trong chiến dịch tranh cử này”.

Trong bài phát biểu tại Edinburgh sau khi kết quả được công bố, ông Yousaf khẳng định sẽ tập trung vào việc giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và tiếp tục thúc đẩy tiến trình tách Scotland khỏi Vương quốc Anh. Scotland là vùng lãnh thổ thuộc Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (gồm England, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland). Các chính trị gia theo chủ nghĩa dân tộc Scotland, đơn cử là đảng SNP, đã bày tỏ mong muốn tuyên bố tách khỏi Vương quốc Anh. Tuy nhiên, đây là một thách thức rất lớn bởi năm 2014, Scotland đã tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề này, nhưng 55% người dân ủng hộ ở lại Vương quốc Anh.

Ngoài ra, ông Humza Yousaf cũng cần phải vượt qua cái bóng khá lớn của người tiền nhiệm. Tháng 2-2023, bà Nicola Sturgeon tuyên bố từ chức Thủ hiến Scotland sau 8 năm giữ cương vị này. Theo giới quan sát, bà là một diễn giả rất giỏi trước công chúng, nổi tiếng ngay cả ở các vùng khác của Vương quốc Anh. Vì vậy, phong cách lãnh đạo sẽ rất quan trọng. Nhưng cho đến thời điểm này, tân Thủ hiến Scotland đã trở thành hình mẫu cho nỗ lực hết mình để theo đuổi đam mê và truyền cảm hứng cho những người Scotland trẻ gốc Á về sự tự tin để đi đúng hướng và thực hiện tham vọng của mình.