Chậm nộp tiền thuế để lấy vốn kinh doanh

ANTĐ - Trong bối cảnh thắt chặt tiền tệ, các ngân hàng hạn chế cho vay, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chịu phạt nộp chậm tiền thuế để sử dụng làm vốn kinh doanh...

Nhiều doanh nghiệp nợ thuế vì đối tác chậm thanh toán tiền hàng

“Mượn thuế” làm vốn

Theo báo cáo của ngành thuế, nợ thuế năm 2011 tiếp tục tăng 29,5%. Trong đó, các khoản nợ khó thu chiếm 1,1% ngân sách Nhà nước, tăng nhẹ so với mức 1% của năm 2010. Nợ chờ xử lý năm 2011 tăng 7,7% so với năm 2010, nợ có khả năng thu tăng 33,3%. Một số địa phương có số nợ thuế năm 2011 tăng trên 50% so với năm 2010 như An Giang, Bắc Ninh, Bình Phước, Cao Bằng, Lào Cai, Tây Ninh…

Phân tích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng nợ thuế, Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế (Tổng cục Thuế) cho biết, tình hình kinh tế khó khăn đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng sản xuất, kinh doanh thua lỗ, nhiều doanh nghiệp phá sản. Do đó, không ít công ty “khốn đốn” vì không đòi được tiền hàng. Các doanh nghiệp cũng lần lữa khi thanh toán nhằm chiếm dụng vốn lẫn nhau. Tình trạng trên đẩy nhiều doanh nghiệp rơi vào tình thế không thu xếp được tài chính để nộp thuế. Việc các ngân hàng thắt chặt cho vay, không ít doanh nghiệp chấp nhận phạt do nộp chậm để chiếm dụng làm vốn kinh doanh.

Nhiều công ty có tên tuổi cũng nằm trong danh sách nợ thuế. Theo Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế một số doanh nghiệp nợ hàng chục tỷ đồng và thời gian nợ kéo dài như trường hợp Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Tổng công ty Xây dựng Hà Nội, Công ty cổ phần Cavico xây dựng cầu hầm, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công; Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Phú Yên...

Ngoài ra, một nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên cũng được Vụ Quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế chỉ ra là do thị trường bất động sản đóng băng khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình cảnh khó khăn, nhất là những doanh  nghiệp thuê đất với diện tích lớn nhưng chậm giải phóng mặt bằng, dự án chậm triển khai dẫn tới không có khả năng nộp thuế và tiền sử dụng đất. Một số đơn vị thậm chí có số tiền thuế nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng như Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Răn đe doanh nghiệp chuyển giá

Một trong những nguyên nhân dẫn tới thất thu thuế được ngành thuế hết sức quan tâm là vấn đề chuyển giá. Trong thời gian qua, toàn ngành đã thực hiện thanh tra, chống chuyển giá tại 921 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá. Qua đó, xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng, truy thu và phạt 1.669 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2011, toàn ngành thuế đã rà soát quản lý được hơn 3.000 doanh nghiệp phải kê khai thông tin giao dịch liên kết, trong đó hơn 2.000 doanh nghiệp đã thực hiện kê khai. Tuy nhiên, hiện tượng các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) kê khai lỗ khá phổ biến.

Ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, mục đích của chuyển giá là để doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận thông qua giảm nghĩa vụ đối với Ngân sách Nhà nước. Các hình thức chuyển giá rất đa dạng như: chuyển giá thông qua chuyển giao tài sản hữu hình, tài sản vô hình giữa các bên liên kết hay thông qua chuyển giao dịch vụ giữa các bên liên kết…

Tình trạng chuyển giá không chỉ diễn ra ở các doanh nghiệp có vốn FDI mà đã bắt đầu lan sang cả các doanh nghiệp trong nước. “Cách lách thuế của các doanh nghiệp rất tinh vi, thường là thành lập nhiều công ty con, một công ty chuyên khai thác, một chuyên lưu thông. Bằng những thủ đoạn này, ngành thuế ngoài bị thất thu thuế nộp vào ngân sách do sự mua đi bán lại của doanh nghiệp, mà còn thất thu luôn cả thuế thu nhập doanh nghiệp”, ông Tuấn chỉ rõ.

Ông Tuấn nhấn mạnh, ngay trong năm 2012, ngành thuế phải triển khai ngay 3 quyết sách nhằm chống thất thu và nợ đọng thuế từ hoạt động chuyển giá. Thứ nhất là bổ sung cơ chế thỏa thuận trước về phương pháp tính giá để cố gắng xử lý những tồn đọng cơ bản. Kế đến là tăng cường xây dựng cơ sở dữ liệu tìm ra đối tượng bất thường để thanh, kiểm tra. “Thông qua đó, xem xét xử lý kết quả thanh tra để răn đe, làm gương cho doanh nghiệp khác. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ ra chỉ thị về chống thất thu và nợ đọng thuế qua chuyển giá” - ông Tuấn khẳng định.