- Bắt đầu chương trình giáo dục phổ thông mới với lớp 1 từ năm học 2020 -2021
- Vì sao phải lùi chương trình giáo dục phổ thông mới?
- Bất ngờ với kết quả thử nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết, có 6 nguyên nhân dẫn đến quá tải học tập ở bậc phổ thông hiện nay.
Thứ nhất, nội dung giáo dục còn nặng về lí thuyết; nhiều nội dung không không thiết thực, vừa khó học, dễ quên, vừa không gây được hứng thú cho học sinh.
Thứ hai, phương pháp dạy học còn nặng về thuyết trình, không phát huy được tính tích cực của học sinh trong việc khám phá, thực hành.
Thứ ba, thời lượng học được phân bổ đồng loạt đối với tất cả các trường trong cả nước, nhiều khi chưa tương thích với nội dung học tập. Giáo viên không được quyền chủ động bố trí thời lượng dạy học phù hợp với học sinh và điều kiện thực tế của lớp mình.
Quá tải ở bậc học phổ thông đang gây áp lực lớn lên hàng triệu học sinh
Thứ tư, học sinh phải đối phó với nhiều kỳ thi, đặc biệt là thi chuyển cấp và thi tốt nghiệp THPT, do đó phải học nhiều.
Thứ năm, hiện tượng dạy thêm học thêm tràn lan chiếm thời gian nghỉ ngơi, khiến học sinh căng thẳng và mệt mỏi.
Thứ sáu, do mong muốn quá nhiều ở con và do áp lực cạnh tranh, nhiều bậc cha mẹ bắt con tham gia quá nhiều chương trình học tập ngoài nhà trường.
Nhằm khắc phục những nguyên nhân này, Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã đưa ra các giải pháp nhằm giảm tải, bớt áp lực học hành cho học sinh.
Đầu tiên là giảm số môn học và hoạt động giáo dục. Nhờ thực hiện dạy học tích hợp và sắp xếp lại kế hoạch giáo dục ở các cấp học, chương trình GDPT mới giảm được số môn so với chương trình hiện hành.
Theo chương trình tiểu học mới, lớp 1 và lớp 2 có 7 môn học; lớp 3 có 9 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 10 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 1, lớp 2 và lớp 3 có 10 môn học; lớp 4 và lớp 5 có 11 môn học.
Chương trình mới của các lớp trung học cơ sở đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 6 và lớp 7 có 16 môn học; lớp 8 và lớp 9 có 17 môn học.
Chương trình mới của các lớp trung học phổ thông đều có 12 môn học. Trong chương trình hiện hành, lớp 10 và lớp 11 có 16 môn học; lớp 12 có 17 môn học.
Ngoài ra, GS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh vào việc giảm kiến thức kinh viện, không phù hợp và không thiết thực đối với học sinh.
"Chương trình GDPT mới là một chương trình mở, tạo điều kiện cho học sinh được lựa chọn nội dung học tập và môn học phù hợp với nguyện vọng, sở trường của mình. Được chọn những nội dung học tập phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn"- GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ.
Ngoài ra, chương trình GDPT mới triệt để thực hiện phương pháp dạy học tích cực. Theo đó, học sinh được chọn những nội dung học tập (ở cả ba cấp học) và môn học (ở cấp trung học phổ thông) phù hợp với nguyện vọng, sở trường, học sinh sẽ không bị ức chế, dẫn tới quá tải, mà ngược lại, sẽ học tập hào hứng, hiệu quả hơn.
Thầy cô giáo được giao quyền chủ động phân bổ thời gian dạy học và lựa chọn phương pháp phù hợp với mỗi nội dung, đối tượng và hoàn cảnh cụ thể. GS Thuyết cho rằng đây cũng là những yếu tố quan trọng để giảm tải chương trình.
Một yếu tố quan trọng giúp giảm tải, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, chính là việc đổi mới đánh giá, thi cử.
"Để thực hiện Chương trình GDPT mới, từ phương thức đánh giá đến nội dung đánh giá, hình thức công bố kết quả đánh giá sẽ có những cải tiến nhằm bảo đảm độ tin cậy, khách quan, phù hợp với từng cấp học, không gây áp lực lên học sinh.
Đặc biệt việc thi cử sẽ hướng đến nhẹ nhàng, hạn chế tốn kém cho ngân sách nhà nước, gia đình học sinh và xã hội"- GS Thuyết khẳng định.