Cây tai mèo mọc hoang bờ suối, nhưng được làm vị thuốc dân gian rất nhiều công dụng

ANTD.VN - Cây tai mèo còn có tên gọi khác là cây bất thực. Đây là một cây thuốc có nhiều công dụng, đồng thời cũng là một loại rau có vị như rau bí, thường mọc hoang ở các đồi cây bụi và các bãi ven suối.

Cây tai mèo còn được biết đến với tên gọi Bông vàng, Múc, Phác nhật sai, Bất thực, tên khoa học Abroma augusta (L.) Willd. (Theobroma augusta L.), thuộc họ Trôm - Sterculiaceae.

Tai mèo có đặc điểm tự nhiên khá đặc biệt, có thể dễ dàng nhận biết. Cây bụi, cao chừng 2-4m, phần ngọn, lá và quả có nhiều lông nhung, lá hình tim hoặc sẻ thùy, hoa màu tím bã trầu có 5 cánh rủ xuống, quả xanh chổng ngược lên trời.

Quả chín bên ngoài có nhiều lông dạng màng (trông như tai mèo), bên trong có nhiều hạt màu đen. Gần như có hoa, quả quanh năm, nhiều nhất từ tháng 6 - 8.

Lá non và lá bánh tẻ của cây tai mèo được tước bỏ gân cứng, vò kỹ, thái nhỏ để nấu canh. Canh tai mèo có vị nhớt, mùi thơm như rau bí.

Ngoài ra, cây tai mèo còn được sử dụng để làm vị thuốc...có nhiều công dụng

Ở Việt Nam, cây tai mèo thường mọc hoang ở các đồi cây bụi và các bãi ven suối trong rừng. Nó cũng thường được trồng lấy sợi vỏ làm dây chống ẩm tốt.

Trên thế giới, cây tai mèo phân bố từ Ấn Độ, qua Nam Trung Quốc, các nước Nam Á châu tới Bắc Úc

Cây tai mèo là một loài thực vật có hoa trong họ Cẩm quỳ, lần đầu tiên được mô tả khoa học năm 1782.