Cấp thiết ngừng bắn ngay tại Dải Gaza

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Một lệnh ngừng bắn ngay lập tức giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ngày càng trở lên cấp thiết khi Dải Gaza đang biến thành một “vùng đất chết” với con số thương vong tăng lên hàng ngày, hàng giờ, cơ sở hạ tầng bị tàn phá vô cùng nặng nề.
Tấn công dữ dội của Israel đã biến nhiêu nơi ở Dải Gaza thành “vùng đất chết”

Tấn công dữ dội của Israel đã biến nhiêu nơi ở Dải Gaza thành “vùng đất chết”

Những “vùng đất chết” ở Dải Gaza

Trong diễn biến mới nhất, Ismail Haniyeh - một thủ lĩnh của Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine ngày 13-12 cho biết, lực lượng này sẵn sàng đàm phán với Israel về bất kỳ thỏa thuận hoặc sáng kiến nào có thể dẫn đến một lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza. Trong bài phát biểu được phát sóng trên kênh truyền hình Al Jazeera, ông Ismail Haniyeh cũng đồng thời cảnh báo rằng, bất kỳ thỏa thuận nào về tương lai của Dải Gaza mà không có sự tham gia của Phong trào Hồi giáo Hamas sẽ không thể thành công.

Lời tuyên bố sẵn sàng đàm phán về một lệnh ngừng bắn mới với Israel của Phong trào Hồi giáo Hamas được xem là khá bất ngờ khi quân đội Israel đang tấn công dữ dội vào lực lượng vũ trang này. Trong đó, giao tranh ác liệt nhất giữa hai bên đang diễn ra trong và xung quanh thành phố Gaza. Các cuộc đụng độ xảy ra gần như suốt ngày tại nhiều khu vực, đặc biệt là giao tranh khốc liệt ở Shijaiyah - một khu dân cư đông đúc từng xảy ra đụng độ dữ dội trong xung đột hồi năm 2014 giữa quân đội Israel và nhóm vũ trang Hamas.

Cùng với đó, quân đội Israel tiếp tục gia tăng tấn công ở khu vực phía Nam Dải Gaza, nơi được cho có sự hiện diện của thủ lĩnh cao nhất của Phong trào Hồi giáo Hamas là Mohammed Sinwar. Quân đội Israel đã tiến hành hàng trăm “cuộc tấn công rất dữ dội” nhằm vào thành phố Khan Younis và con đường từ đây đến thành phố Rafah phía nam Dải Gaza nhằm truy lùng thủ lĩnh Mohammed Sinwar cũng như các lãnh đạo cấp cao của lực lượng Hamas.

Những cuộc tấn công khốc liệt của Israel diễn ra sau vụ đột kích bất ngờ ngày 7-10 của các tay súng Hamas khiến khoảng 1.200 người Israel thiệt mạng và hơn 200 người bị bắt làm con tin. Chính quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu sau đó đã phát động cuộc tấn công tổng lực vào Dải Gaza nhằm “xóa sổ Hamas”. Trước hết là các cuộc không kích như “mưa bom bão đạn” tàn phá vô cùng nặng nề nhiều thành phố, thị trấn tại Dải Gaza. Tiếp đó là cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn của hàng trăm nghìn binh sĩ Israel dưới sự yểm trợ hỏa lực tối đa của không quân, tên lửa, xe tăng…

Các cuộc tấn công dữ dội của quân đội Israel không chỉ gây thương vong lớn cho lực lượng Hamas mà cả thường dân Palestine, trong đó có rất nhiều phụ nữ và trẻ em. Theo các số liệu, đã có khoảng 19.500 người Palestine thiệt mạng và hơn 58.000 người bị thương tính đến ngày 12-12 vừa qua.

Các cuộc tấn công mang tính hủy diệt của Israel đã khiến nhiều khu vực, thành phố ở Dải Gaza hoang tàn đổ nát, không thể sinh sống, biến thành “vùng đất chết”. Mới chỉ hơn 2 tháng sau khi xảy ra xung đột đã khiến 1,9 triệu trong tổng số khoảng 2,4 triệu người Palestine phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Người đứng đầu Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) Volker Turk ngày 12-12 cảnh báo tình hình nhân đạo tại Dải Gaza “còn hơn cả một sụp đổ”. Trong khi đó, Chương trình Lương thực thế giới của Liên hợp quốc (WWF) cho biết 1/2 dân số Gaza đang đối mặt với nạn đói.

Cuộc tấn công của quân đội Israel đã đẩy thường dân Palestine ở Dải Gaza vào thảm cảnh nhân đạo, song sức kháng cự của lực lượng Hamas vẫn còn đáng kể. Hamas cho biết, nhóm vũ trang này vào ngày 13-12 đã thực hiện một trong những cuộc tấn công gây thiệt hại nặng nhất cho binh sĩ Israel kể từ khi xung đột tại dải Gaza bắt đầu, khiến ít nhất 10 binh sĩ thiệt mạng. Đây được coi là ngày chết chóc nhất với quân đội Israel kể từ khi 15 binh sĩ nước này thiệt mạng ngày 31-10.

Chấm dứt bạo lực, tìm kiếm giải pháp hòa bình

Xung đột quân sự giữa Israel và lực lượng Hamas gây tổn thất ngày càng nặng nề cho cả hai bên, đặc biệt là thường dân Palestine. Trong khi đó, không ít chuyên gia quân sự cho rằng, quân đội Israel rất khó đạt được mục tiêu “xóa sổ Hamas” cho dù huy động tới đâu sức mạnh bạo lực, kể cả việc bơm nước mang tính thảm sát vào các đường hầm ở Dải Gaza. Chỉ dùng sức mạnh quân sự khó có thể hủy diệt lực lượng Hamas, khó có thể mang lại an ninh cho Israel.

Chính vì thế, quốc tế ngày càng phản ứng nhiều, mạnh hơn với cuộc tấn công quân sự của Israel vào Dải Gaza, đòi hỏi phải có giải pháp hòa bình, trong đó cấp bách nhất là ngừng bắn. Đáng chú ý nhất là sự thay đổi từ Mỹ - quốc gia hậu thuẫn mạnh mẽ nhất cho Israel cả về tinh thần và viện trợ quân sự. Trong diễn biến được cả thế giới chú ý, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12-12 cảnh báo, Israel đang mất dần sự hỗ trợ quốc tế vì hoạt động quân sự nhằm vào dân thường.

Liên hợp quốc ngày 12-12 cho biết, Trung tâm vệ tinh của Liên hợp quốc (UNOSAT) xác định rằng 18% cơ sở hạ tầng của Dải Gaza đã bị phá hủy kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa phong trào Hamas và Israel. Dựa trên ảnh vệ tinh chụp ngày 26-11 vừa qua, UNOSAT đã xác định được 10.049 công trình bị phá hủy, 8.243 công trình bị hư hỏng nặng và 19.087 công trình bị hư hỏng vừa phải, tổng cộng 37.379 công trình bị ảnh hưởng. Điều này tương ứng với khoảng 18% tổng số công trình ở Dải Gaza. UNOSAT nhấn mạnh, những phát hiện này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải ngừng bắn ngay lập tức và hỗ trợ để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng ở Dải Gaza.

Cùng ngày 12-12, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 tại Phiên họp khẩn cấp thứ 10 của Đại hội đồng về khủng hoảng Dải Gaza đã thông qua một nghị quyết kêu gọi ngừng bắn vì nhân đạo ngay lập tức ở Dải Gaza. Nghị quyết do Ai Cập, đại diện cho nhóm các quốc gia Arab, bảo trợ này nhận được 153 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 23 phiếu trắng này kêu gọi các bên ngừng bắn vì nhân đạo ở Dải Gaza và trả tự do vô điều kiện cho các con tin ngay lập tức. Đại sứ Ai Cập tại Liên hợp quốc Osama Mahmoud Abdelkhalek Mahmoud tuyên bố, nghị quyết “rất đơn giản, rõ ràng” nhằm bảo vệ tính mạng cho thường dân vô tội”. Đại sứ Ai Cập nhấn mạnh thêm, các tội ác chiến tranh nhằm vào người dân Palestine cần phải chấm dứt.

Ngừng bắn ngay lập tức để tạo điều kiện cho các nỗ lực cứu trợ nhân đạo, xa hơn là tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột hiện nay ở Dải Gaza đang được cộng đồng quốc tế yêu cầu. Người đứng đầu của Phái bộ Trung Quốc tại Văn phòng Liên hợp quốc ở Geneva (Thụy Sỹ) Chen Xu đã kêu gọi lệnh ngừng bắn và chấm dứt bạo lực tại Dải Gaza, đồng thời cho rằng lối thoái cơ bản cho cuộc xung đột hiện nay tại khu vực này nằm ở một giải pháp hai nhà nước. Theo ông Chen Xu, Trung Quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế, nhất là các nước có ảnh hưởng đến vấn đề Palestine - Israel, đóng một vai trò có trách nhiệm trong việc thúc đẩy một lệnh ngừng bắn toàn diện và lâu dài, bảo vệ quyền của người dân đối với sinh kế và y tế.

Phát biểu tại hội nghị quốc tế Diễn đàn Doha năm 2023 ở Qatar mới đây, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi ngừng bắn nhân đạo. Người đứng đầu thể chế đa phương lớn nhất thế giới nhấn mạnh: "Chúng ta đang đối mặt với nguy cơ hệ thống hỗ trợ nhân đạo tại Dải Gaza sụp đổ. Tình hình đang xấu đi nhanh chóng và có nguy cơ biến thành thảm họa với những tác động không thể đảo ngược đối với người Palestine cũng như đối với hòa bình và an ninh trong khu vực’.