Cạnh tranh

ANTĐ -Bộ phận kinh doanh công ty X có 2 nhân viên trẻ, một người là Huy, thạo tiếng Nhật, còn một người rất giỏi tiếng Anh là An. Cả hai đều có bằng tốt nghiệp hạng ưu ở những trường đại học danh tiếng, ngoại hình tác phong không chê vào đâu được, nhanh nhẹn, tháo vát, giỏi nghiệp vụ, nên được coi là những ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế giám đốc kinh doanh trong tương lai. Hai người bọn họ cũng tự nhận thức được điều đó, nên ngầm cạnh tranh với nhau từng ly từng tý, kết quả mỗi năm đều được chấm điểm rất cao về thành tích kinh doanh.

Năm đó, công ty mở rộng thị trường sang Nhật Bản, vì thế công việc kinh doanh thường xuyên phải quan hệ với người Nhật. Lý đương nhiên, Huy vì thạo tiếng Nhật nên thường xuyên được trưng dụng, xuất hiện gần như ở tất cả các chương trình, dự án mới của công ty. An vì thế mà thấp thỏm không yên, cảm thấy mình ngày càng yếu thế hơn, cơ hội thăng tiến có vẻ như mỗi lúc một xa. Anh ta quyết tâm lấy lại thế cân bằng, tranh thủ ngoài giờ đi học thêm tiếng Nhật, học vô cùng chăm chỉ.

Qua 3 năm, anh cuối cùng cũng lấy được chứng chỉ phiên dịch tiếng Nhật, bắt đầu thử tham gia các cuộc đàm phán với đối tác Nhật Bản ở công ty hoặc cùng các nhân viên kinh doanh khác xử lý những nghiệp vụ liên quan đến tiếng Nhật. Thấy đồng nghiệp khâm phục khả năng thành thạo 2 ngoại ngữ của mình, anh ta rất sung sướng vì đã vượt qua “đối thủ”. Nhưng đúng vào lúc tưởng như xuôi chèo mát mái đó, trong hợp đồng làm ăn với đối tác Australia, An dịch sai nội dung quan trọng nhất, khiến công ty đứng trước nguy cơ thiệt hại 30.000USD.

Dù sai sót sau đó được khắc phục. An nghĩ đi nghĩ lại không biết vì sao mình có thể sai một lỗi sơ đẳng như vậy, cuối cùng nhận ra trong mấy năm đầu tư cho tiếng Nhật, anh ta đã không ôn luyện tiếng Anh, nên sai sót là đương nhiên. An cũng đồng thời tỉnh ngộ ra: chỉ vì muốn đánh bại đối thủ cạnh tranh, mà quên đi mất ưu thế của mình.