Cảnh sát giao thông Hà Nội nâng cấp độ phục vụ người dân trong khâu xử lý vi phạm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội đang triển khai mạnh mẽ việc ứng dụng dịch vụ công cấp độ 4 trong xử lý vi phạm hành chính. Người vi phạm, người dân được thụ hưởng, tạo điều kiện tốt nhất, tối đa trong công tác liên quan đến hồ sơ, xử lý vi phạm.

Bám sát vào những nội dung cốt lõi của Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030, chỉ trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2022, Bộ Công an đã triển khai đẩy mạnh hàng loạt các kế hoạch, biện pháp phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ 5 nhóm tiện ích; nâng cấp nhiều dịch vụ ở mức độ 4.

Việc nộp phạt trực tuyến vi phạm giao thông qua cổng dịch vụ công Quốc gia chính là một trong số những tiện ích, thuận lợi mà người dân được thụ hưởng từ chính Đề án 06 này.

Ngồi một chỗ nộp phạt vi phạm ở bất kỳ đâu

Từ trước tới nay, người dân khi tham giao giao thông vẫn quen thuộc với quy trình xử lý vi phạm, đó là phải đến tận trụ sở đơn vị, cơ quan nơi ra quyết định nộp phạt để làm các thủ tục liên quan đến giải quyết vi phạm. Với những người dân khác tỉnh, ở xa “chẳng may” vi phạm sẽ mất rất nhiều công sức đi lại. Những bất cập này đã được Cục CSGT, Bộ Công an nhìn nhận từ lâu và từng bước đẩy mạnh công tác số hóa hồ sơ, xử lý vi phạm, góp phần giảm phiền hà, lãng phí, thời gian công sức của người vi phạm, cũng như phục vụ nhân dân được tốt nhất. Dịch vụ công ở từng cấp đã góp phần hỗ trợ tối đa cho người dân, người vi phạm trong từng trường hợp cụ thể.

Người dân khi vi phạm Luật Giao thông có thể nộp phạt trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia nhanh chóng, thuận tiện

Người dân khi vi phạm Luật Giao thông có thể nộp phạt trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia nhanh chóng, thuận tiện

Trên nền tảng dữ liệu Quốc gia về dân cư, CCCD gắn chip, lĩnh vực xử lý vi phạm giao thông hiện đã được Bộ Công an nâng cấp lên dịch vụ công cấp độ 4. Lực lượng CSGT Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ này trong quá trình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm để tạo thuận lợi nhất cho người dân, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến căng thẳng.

Thông tin với phóng viên, Đại uý Đặng Thị Hà Thu, Tổ trưởng Tổ Xử lý, Đội CSGT đường bộ số 2 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết: Dịch vụ công cấp độ 4 về xử lý vi phạm giao thông đã tạo nên đột phá mới trong công tác quản lý, giải quyết thủ tục hành chính, xử lý vi phạm giao thông, tạo thuận tiện rất lớn cho người dân. Thay vì phải đi lại nhiều lần để nộp phạt vi phạm giao thông, nay người dân chỉ cần ngồi nhà sử dụng điện thoại hoặc máy tính để hoàn tất mọi thủ tục trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia (DVCQG). Giấy tờ vi phạm cũng có thể được chuyển về tận nhà thông qua bưu điện, mà người dân không nhất thiết phải đến cơ quan công an để lấy lại.

Để thuận tiện cho người dân cũng như chủ thể vi phạm, CSGT trong quá trình làm nhiệm vụ phát hiện vi phạm lập biên bản tại hiện trường, sẽ hỏi người vi phạm có muốn nộp phạt online qua cổng dịch vụ công không. Nếu người vi phạm muốn nộp online sẽ kê khai số điện thoại, địa chỉ nhận các giấy tờ bị tạm giữ. Khi biên bản vi phạm chuyển về trụ sở, cán bộ CSGT sẽ nhập dữ liệu biên bản lên dịch vụ công trực tuyến, để người vi phạm có thể truy cập vào thực hiện nộp phạt.

Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền khám nghiệm điều tra giải quyết TNGT, Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết: Quy trình xử lý vi phạm giao thông qua cổng dịch vụ công quốc gia rất thuận tiện, dễ dàng, cụ thể: Sau khi lực lượng CSGT lập biên bản vi phạm, biên bản được nhập vào hệ thống phần mềm xử lý vi phạm. Hệ thống sẽ tự động ra quyết định xử phạt vi phạm để người vi phạm có thể truy cập, tra cứu thông tin vi phạm của mình (gồm: Số quyết định xử phạt; tên cơ quan ra quyết định xử phạt; thông tin của người vi phạm (họ và tên, số GPLX, số điện thoại do người vi phạm cung cấp, số tiền nộp phạt); Kho bạc (ngân hàng) thu tiền xử phạt; hành vi vi phạm; thời gian vi phạm; địa điểm vi phạm; hình thức xử phạt bổ sung (thời gian tước quyền sử dụng GPLX).

Các thông tin này sẽ được chuyển đến người vi phạm qua tin nhắn điện thoại (số điện thoại do người vi phạm cung cấp). Kho bạc Nhà nước (Ngân hàng) sẽ kết nối với Cổng DVCQG để tiến hành thủ tục nộp phạt cho người vi phạm, đồng thời phản hồi lại thông tin đã hoàn thành việc nộp phạt về Cổng. Bưu điện sẽ kết nối với Cổng DVCQG để thực hiện việc chuyển phát giấy tờ do cơ quan CSGT đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đăng ký để nhận lại, sau khi đã chấp hành xong quyết định xử phạt.

Cổng DVCQG phản hồi lại thông tin người vi phạm đã hoàn thành việc nộp tiền phạt về Cục CSGT. Cục CSGT phản hồi lại thông tin này về các điểm xử lý vi phạm của Công an địa phương. Từ đó, Cơ quan CSGT qua dịch vụ bưu điện sẽ gửi giấy tờ đang tạm giữ về địa chỉ người vi phạm đã đăng ký. “Thông qua DVCQG, người dân ngồi ở bất kỳ đâu vẫn có thể nộp phạt được mà không phải đến trực tiếp”- Trung tá Trần Quang Vinh cho biết.

Chống dịch bệnh, phòng ngừa tiêu cực

Nhìn nhận về công tác nộp phạt vi phạm giao thông qua cổng dịch vụ công quốc gia, Trung tá Trương Song Thành, Đội trưởng Đội Điều khiển đèn, tín hiệu giao thông, Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết: "Quá thuận tiện và hữu ích, không chỉ phục vụ, người dân được thụ hưởng, tạo điều kiện tối ưu cho người vi phạm mà ngay cả lực lượng làm nhiệm vụ cũng giảm đi những nguy cơ về tiếp xúc có thể dẫn tới lây lan dịch bệnh, tiêu cực nhất là trong bối cảnh dịch Covid -19 vẫn diễn biến phức tạp".

Rất nhiều ứng dụng thuận lợi, tiện ích người dân thụ hưởng đã được Bộ Công an triển khai trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD gắn chip

Rất nhiều ứng dụng thuận lợi, tiện ích người dân thụ hưởng đã được Bộ Công an triển khai trên nền tảng dữ liệu quốc gia về dân cư, CCCD gắn chip

Là đơn vị có chức năng phát hiện, xử lý vi phạm giao thông bằng hình ảnh, Trung tá Trương Song Thành đánh giá, bên cạnh việc CSGT lập biên bản trực tiếp tại hiện trường có hỏi yêu cầu của người vi phạm nộp phạt qua cổng dịch vụ công quốc gia hay không, thì hiện nay với các vi phạm bị "phạt nguội", khi nhận được thông báo vi phạm hoặc tra cứu được vi phạm trên hệ thống cơ sở dữ liệu vi phạm giao thông, người vi phạm sẽ tự đăng nhập vào Cổng DVCQG để khai báo thông tin liên quan, số điện thoại, địa chỉ nhận giấy tờ... để được thực hiện nộp phạt online. Cách thức nộp phạt online vô cùng đơn giản, theo hướng dẫn và rất nhanh chóng, thuận tiện.

Đại uý Đinh Thị Thanh Bình, Tổ Xử lý, Đội CSGT đường bộ số 5 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) thông tin, trước đây người vi phạm giao thông phải đến ngân hàng, kho bạc nộp phạt, rồi quay lại trụ sở CSGT nơi lập biên bản vi phạm hoàn tất thủ tục, lấy giấy tờ về thì hiện nay, người dân chỉ việc ngồi nhà thanh toán online và đợi bưu điện chuyển giấy tờ tới.

"Đây là cách nộp phạt hiệu quả, nhất là trong thời gian dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt như hiện nay", Đại uý Thanh Bình thông tin thêm.

Thượng tá Nguyễn Chí Công, Phó trưởng Phòng CSGT, CATP Hà Nội cho biết, trung bình mỗi ngày có tới hàng nghìn trường hợp vi phạm Luật Giao thông bị CSGT và các lực lượng chức năng lập biên bản, xử phạt. Để thúc đẩy người vi phạm giao thông chọn cách nộp phạt qua Cổng DVCQG, lực lượng CSGT đang đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn qua các kênh thông tin; trong đó, chú trọng tuyên truyền với người vi phạm hiểu, nắm rõ khi lập biên bản vi phạm. Hiện ở Hà Nội, CSGT đã thực hiện hàng nghìn quyết định xử phạt vi phạm TTATGT qua mạng.

Để thực hiện được việc nộp phạt trực tuyến vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, người dân cần đăng ký một tài khoản đăng nhập tại Cổng DVCQG và thực hiện theo hướng dẫn. Những tiện ích mà người dân được thụ hưởng từ các dịch vụ công được Bộ Công an nâng cấp trên nền tảng dữ liệu dân cư Quốc gia và CCCD gắn chip là vô cùng lớn...