Cảnh giác với tiền giả dịp cuối năm

ANTD.VN - Thời điểm cuối năm khi nhu cầu giao dịch tiền của người dân đang tăng cao thì cũng là lúc các đối tượng lợi dụng để lưu hành tiền giả. Đáng chú ý, thời gian gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng rao bán tiền giả với đủ các loại mệnh giá.

Vào đầu tháng 10 vừa qua, tài khoản trang facebook của người phụ nữ bỗng bị một đối tượng ăn cắp. Sau khi ăn cắp tài khoản, đối tượng không thay đổi thông tin cá nhân của chị, chỉ thêm tên chủ tài khoản là “buôn bán tiền giả”. Ngay sau khi đăng tải tin rao bán tiền giả, rất nhiều bạn bè trên facebook của chị này đã đặt hàng mua tiền giả từ đối tượng.

Đây cũng không phải là trường hợp hiếm thấy. Chỉ cần gõ với vài từ khóa tìm kiếm đơn giản, người dùng mạng xã hội Facebook dễ dàng tìm ra rất nhiều tài khoản đang kinh doanh tiền giả. Các tài khoản này không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân, chỉ trao đổi với "khách hàng" qua Facebook, cũng không công khai số điện thoại nào, nếu có thì khi gọi cũng không thể gọi được…

Theo các trang Facebook bán tiền giả quảng cáo, chủ yếu tiền giả nhập về có nguồn gốc từ nước ngoài và được quảng cáo "giống tiền thật đến 99%". Tiền giả thường có mệnh giá 100.000, 200.000 và 500.000 đồng. 

Để đảm bảo không bị cơ quan chức năng truy danh tính, các đối tượng bán tiền giả thường lựa chọn phương pháp thanh toán bằng thẻ điện thoại, thay vì chuyển khoản ngân hàng. Bên bán thường chuyển tiền giả cho bên mua theo đường gửi nhà xe hoặc chuyển phát nhanh. Trước đó, hồi đầu tháng 1 năm nay, CAH Phúc Thọ cũng triệt phá đường dây buôn bán, vận chuyển tiền giả từ Trung Quốc đưa vào nội địa tiêu thụ. Địa điểm tiêu thụ của chúng là địa bàn ngoại thành Hà Nội hoặc các tỉnh miền Trung, miền Nam.

Các đối tượng trong chuyên án này bị bắt quả tang Triệu Văn Diện, 36 tuổi và đối tượng Nguyễn Văn Dương, 43 tuổi, cùng trú xã Đồng Ý, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn đang có hành vi “Tàng trữ tiền giả”. Lực lượng Công an thu giữ trên người hai đối tượng 3 cọc tiền in mệnh giá 200.000 đồng, đều là tiền giả. Tổng số tiền giả thu được là 200 triệu đồng.

Nếu bằng mắt thường và cảm nhận ban đầu sẽ rất khó để phân biệt đâu là tiền thật, đâu là tiền giả. Nhất là vào thời điểm cuối năm khi mà nhu cầu sử dụng tiền của người dân đang tăng cao... do đó, mọi người cần đề cao cảnh giác nhất là khi sử dụng những tờ tiền giả như thế này. 

Mua bán, sử dụng tiền giả là hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro cho nền kinh tế, tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ và làm mất giá trị của đồng tiền thật. Dịp cuối năm là thời điểm các đối tượng lợi dụng nhu cầu đổi tiền mới của người dân để buôn bán tiền giả. Do vậy, để phân biệt tiền giả, tiền thật, Ngân hàng Nhà nước đưa một số đặc điểm nhận biết như: chất liệu in tiền giả dễ bị bai giãn hoặc rách khi bị kéo, xé nhẹ ở cạnh tờ bạc, mực in dễ bong tróc. Ngoài ra:

- Tiền giả thường dày và giòn hơn tiền thật, chỉ cần vò mạnh tay, tiền giả có thể rách hoặc hằn rõ nếp gấp

- Soi tờ tiền dưới đèn cực tím, tiền giả không có màu phản quang

- Sờ bề mặt tờ tiền nơi có chữ. Tiền thật sẽ có độ nhám rát và cảm nhận được hình nổi của nét in. Tiền giả lại có bề mặt bóng, trơn tuột.

- Khi ngửi, tiền thật mệnh giá lớn có mùi polymer đặc trưng, còn tiền giả lại rất hôi, mùi hôi của nhựa hay nylon.

- Tiền giả thường có nhiều tờ trùng số seri

- Vùng trong suốt nền nhựa trong suốt ở phía bên phải mặt trước tờ bạc, có số mệnh giá dập nổi tinh xảo, còn tiền giả càng cũ càng mờ đi, thậm chí không có số dập nổi.