Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng công nghệ để lừa đảo

ANTD.VN - Thời gian gần đây, xuất hiện một thủ đoạn lừa đảo mới, hết sức tinh vi khiến không ít người dùng "sập bẫy". Đó là đối tượng lợi dụng công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tạo ra các đoạn video với hình ảnh, khuôn mặt nhân vật giống hệt như hình ảnh của người muốn giả mạo để yêu cầu "nạn nhân" chuyển tiền. Đây là thủ đoạn lừa đảo mới và rất tinh vi. Người dân cần nâng cao cảnh giác, khi nhận bất kỳ tin nhắn, cuộc gọi video với nội dung vay, mượn tiền, yêu cầu chuyển tiền qua các ứng dụng mạng xã hội.

Tình huống dở khóc, dở cười khi đối tượng giả danh công an gọi video lừa đúng cán bộ công an thật…

Đây không phải là trường hợp hiếm gặp. Thời gian gần đây, đang bùng nổ các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến Deepfake. Kẻ gian thường sử dụng các tài khoản Zalo, Facebook hoặc tạo tài khoản giống hệt người thân của nạn nhân, hay mạo danh các chiến sỹ công an, và dùng công nghệ Deepfake tạo ra video giả mạo. Sau đó hỏi mượn tiền, nhờ chuyển tiền hoặc thông báo người thân của nạn nhân gặp nguy hiểm cần tiền gấp...thậm chí đe dọa có dính líu đến đường dây tội phạm nào đó…

Trường hợp đôi vợ chồng này là ví dụ điển hình. Sáng 22-6, họ bị một nhóm 3 đối tượng tự xưng là cán bộ CAQ Long Biên, thay nhau gọi điện báo người vợ có một tài khoản ngân hàng Đông Á đang bị nợ hơn 60 triệu đồng và thông báo ông bà cùng người nhà có liên quan đến đường dây mua bán ma tuý. Các đối tượng gọi điện uy hiếp, bắt họ chuyển khoản hơn 3 tỷ đồng… để “chứng minh mình vô tội”, và không được để cho người khác biết.

Tinh vi hơn, các đối tượng còn dùng phần mềm Deepfake, gọi video qua zalo, đặt tên hiển thị zalo là số điện thoại đường dây nóng của CATP Hà Nội để khiến con mồi thêm tin tưởng. Không một chút nghi ngờ, đôi vợ chồng này đã đến ngân hàng làm thủ tục rút 2 sổ tiết kiệm 3 tỷ 98 triệu đồng.

Rất may, khi các nhân viên ngân hàng nhận thấy dấu hiệu lạ, đã kéo dài thời gian tư vấn cho đôi vợ chồng này và cùng lực lượng công an ngăn chặn kịp thời hành vi lừa đảo, bảo vệ được tài sản lớn của người dân.

Rõ ràng… chiêu thức này tuy không quá mới nhưng đã trở nên tinh vi hơn khi kẻ gian đồng thời thực hiện cuộc gọi video mạo danh, phát video giả nhằm xác thực thông tin cho tài khoản giả, tăng độ tin cậy để thực hiện trót lọt hành vi lừa đảo. Các video này có thể khiến người xem tin rằng họ đang nhìn thấy và nghe thấy người thật đang nói chuyện. Và trên thực tế đã có không ít người đã trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này. Chỉ trong 2 ngày 21 và 22-6, CAHN đã ngăn chặn 2 vụ lừa đảo tinh vi như vậy tại Ba Vì và Long Biên.

Cũng theo các chuyên gia, để nhận diện cuộc gọi lừa đảo Deepfake, bằng mắt thường vẫn có thể có một số dấu hiệu nhận biết như thời gian gọi thường rất ngắn, chỉ vài giây. Bên cạnh đó, khuôn mặt của người gọi thường thiếu tính cảm xúc và khá "trơ" khi nói hoặc tư thế của họ trông lúng túng, không tự nhiên, hướng đầu và cơ thể của họ trong video không nhất quán với nhau. Ngoài ra, có thể thấy màu da của nhân vật trong video bất thường, ánh sáng kỳ lạ và bóng đổ không đúng vị trí. Điều này có thể khiến video trông rất giả tạo và không tự nhiên; âm thanh sẽ không đồng nhất với hình ảnh, có nhiều tiếng ồn bị lạc vào clip hoặc clip không có âm thanh.

Công nghệ thay đổi hàng ngày, cuộc chiến chống lại lừa đảo trực tuyến là trường kỳ. Chống lừa đảo trực tuyến không đơn giản về mặt công nghệ mà cần có giải pháp về mặt pháp lý. Không chỉ Việt Nam, chính phủ các nước, các doanh nghiệp công nghệ cùng phải chung tay để phát hiện, ngăn chặn.

Trong lúc chúng ta chờ giải pháp kỹ thuật để ngăn chặn triệt để được các hình thức này thì người dân cần cảnh giác, nắm bắt kịp thời các thông tin và thủ đoạn để đề phòng các cuộc lừa đảo trực tuyến.