Đi lao động Hàn Quốc theo chương trình “thẻ vàng”:

Cảnh giác với phương thức lừa đảo mới

ANTĐ - Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN - Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, gần đây cơ quan này liên tục nhận được điện thoại của người lao động ở nhiều địa phương xác minh việc đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình “thẻ vàng”. Những thông tin từ phía người lao động cung cấp cho thấy có dấu hiệu lừa đảo.

Nguyên nhân do, có thông tin phía Hàn Quốc tạm dừng kỳ kiểm tra tiếng Hàn cho người có nhu cầu sang làm việc theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS), nên một số đối tượng đã mượn danh doanh nghiệp có chức năng này hứa hẹn sẽ đưa lao động sang Hàn Quốc theo chương trình “thẻ vàng”. Hầu hết đều là lao động phổ thông, trong khi để đi được theo chương trình “thẻ vàng”, thì người lao động phải có trình độ từ cử nhân trở lên. Hiện Việt Nam đang thực hiện 3 chương trình đưa lao động sang làm việc tại Hàn Quốc. Theo ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN, đối với chương trình EPS, chỉ duy nhất Trung tâm Lao động ngoài nước, trực thuộc Bộ LĐ-TB&XH được phép đưa lao động sang Hàn Quốc làm việc. Không có doanh nghiệp XKLĐ nào được thực hiện.  

   

Bên cạnh EPS là chương trình “thuyền viên tàu cá gần bờ” chỉ có 7 doanh nghiệp được phép cung ứng tu nghiệp sinh thuyền viên đánh cá ứng cho Hiệp hội Thuỷ sản Hàn Quốc. Cụ thể gồm: Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Hoàng Long (Hoang Long Huresu); Công ty TNHH một thành viên Xuất khẩu lao động-Thương mại và du lịch (Sovilaco); Công ty TNHH một thành viên Cung ứng nhân lực quốc tế và Thương mại (Sona); Công ty Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư giao thông vận tải (Tracimexco); Công ty cổ phần XKLĐ, Thương mại và du lịch (TTLC); Công ty TNHH Cung ứng nhân lực và Thương mại quốc tế Sao Việt (SAOVIET      INCORES CO., LTD); Công ty THNN một thành viên Đào tạo và Cung ứng nhân lực-Haui (LETCO). Người lao động cần chú ý là, 7 doanh nghiệp thực hiện chỉ tuyển chọn lao động sinh sống tại địa phương có khả năng đi biển và kinh nghiệm đánh bắt thuỷ hải sản, tuổi từ 20 đến 40, đáp ứng yêu cầu về sức khoẻ, thời hạn hợp đồng 3 năm, có thể gia hạn thêm 2 năm, lương cơ bản 900.000 Won/tháng (tương đương 18 triệu đồng/tháng). Chi phí dự kiến đi không quá 90 triệu đồng (có thể phải đóng tiền ký quỹ không quá khoảng 60 triệu đồng đối với lao động tại các tỉnh từ Huế trở vào phía Nam, không quá 80 triệu đồng đối với lao động tại các tỉnh phía Bắc).

Chương trình “thẻ vàng” là một hình thức quản lý lao động mới của Hàn Quốc cấp riêng cho những lao động kỹ thuật cao (các ngành công nghệ phát triển nhanh như công nghệ thông tin và công nghệ điện tử). Lao động kỹ thuật cao sẽ được cấp visa màu vàng gặp thuận lợi hơn nhiều so với những lao động phổ thông, có thời gian làm việc tại Hàn Quốc dài hơn. Để tham gia chương trình này, lao động phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao; có trình độ tương đương hoặc cao hơn cử nhân trong lĩnh vực liên quan, có thời gian làm việc trên 2 năm trong lĩnh vực chuyên môn yêu cầu.

Các lĩnh vực của chương trình này là: điện tử kỹ thuật số, công nghệ Nano, công nghệ sinh học, năng lượng, vật liệu mới (gốm, hoá chất, kim loại), thiết bị vận tải và thương mại điện tử… Hàn Quốc cũng không hạn chế số lượng chuyên gia công nghệ cao đăng ký vào làm việc, chỉ cần đảm bảo yêu cầu khi tuyển dụng của các doanh nghiệp sở tại. Các doanh nghiệp Việt Nam được cấp Giấp phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nếu có hợp đồng với đối tác, có năng lực thì đăng ký hợp đồng tại Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị thực hiện chương trình.