Cảnh giác với hàng giả khi mua mỹ phẩm qua mạng

ANTD.VN - Do điều kiện kinh doanh không khắt khe như thực phẩm, dược phẩm, nên nhiều người kinh doanh mỹ phẩm thông qua các loại hình phân phối khác nhau, đặc biệt trên môi trường mạng internet. Tuy nhiên, lợi dụng việc mua sắm không qua trực tiếp, chỉ nhìn hình ảnh, một số đối tượng đã sử dụng hình ảnh của sản phẩm thật, quảng cáo, bán hàng giả. Do đó, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác khi mua bán mỹ phẩm qua mạng.

Đây là hơn 1500 hộp mỹ phẩm dưỡng da nhãn hiệu Dakami với trọng lượng gần 1 tấn vừa bị Đội CSKT, CAQ Bắc Từ Liêm, Hà Nội thu giữ. Tất cả đều là hàng giả, được sản xuất tinh vi với những dấu hiệu nhận biết gần giống như hàng thật. Phải để hai hộp mỹ phẩm thật – giả gần nhau chúng ta mới có thể nhận biết.

Hàng giả được bán, quảng cáo trên mạng xã hội với mức giá hơn 200 nghìn đồng/sản phẩm, trong khi giá chính hãng là gần 800 nghìn đồng.

Đây chỉ là một trong nhiều đường dây sản xuất, đóng gói mỹ phẩm giả nhãn hiệu bị phát hiện, triệt xóa từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn khi phát hiện các vụ vi phạm, đặc biệt trên thương mại điện tử, do thiếu các công cụ hiệu quả để giám sát, theo dõi giao dịch cũng như truy xuất các đối tượng giao dịch, địa điểm kinh doanh, địa điểm cất giữ hàng hóa…

Trước "ma trận" mỹ phẩm hiện nay, người tiêu dùng nên chọn mua ở những cơ sở uy tín. Đối với mỹ phẩm trên môi trường thương mại điện tử, người mua có thể tham gia các cộng đồng tiêu dùng thông minh trực tiếp hoặc gián tiếp mua sản phẩm của nhau, chia sẻ tài nguyên thông tin đối tác, khách hàng. Với nhà cung cấp minh bạch, người mua có thể tương tác trực tiếp để quyết định mua online hay offline dựa trên chữ tín và các bên cùng có lợi.