Những chiêu trò lừa đảo nhận quà trúng thưởng
Các chiêu trò lừa đảo trúng thưởng qua điện thoại và mạng xã hội Facebook thực chất đã xuất hiện từ vài năm trở lại đây nhưng nhiều người vẫn dính “bẫy” do sự nhẹ dạ, cả tin và thậm chí là lòng tham của bản thân, biến mình trở thành nạn nhân. Những chiêu trò phổ biến mà các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là gọi điện thông báo trúng thưởng, mời chào mua hàng để nhận mã trúng thưởng, gửi tin nhắn qua mạng xã hội thông báo trúng thưởng, đóng thuế trúng thưởng chơi game.
Gọi điện thoại thông báo trúng thưởng là chiêu thức phổ biến nhất mà các đối tượng lừa đảo hay sử dụng. Theo đó, kẻ lừa đảo sẽ gọi điện thoại cho cá nhân để thông báo trúng thưởng. Để tạo lòng tin, các đối tượng này sẽ tự xưng là nhân viên của các công ty, siêu thị uy tín như Điện máy xanh, Thế giới di động,… hoặc các chương trình đã được Bộ Công Thương cấp phép.
Thủ đoạn gửi thông báo trúng thưởng qua mạng xã hội đã có từ nhiều năm trước và đến nay vẫn có người mắc |
Để có thể nhận thưởng, bên kia sẽ yêu cầu bạn phải yêu phải đóng vài triệu, thậm chí vài chục triệu tiền cọc để nhận thưởng, thậm chí còn hứa hẹn khi trả thưởng sẽ trả lại số tiền cọc.
Với món lợi hấp dẫn mà các đối tượng đưa ra, dù không hề mua hàng hay gửi phiếu dự thưởng, nhiều người đã lập tức mắc bẫy và nhanh chóng chuyển tiền. Ngay sau khi chuyển tiền thành công, các đối tượng lừa đảo sẽ chặn số điện thoại trước đó đã liên lạc.
Mới đây cơ quan công an vừa bắt giữ đối tượng sử dụng chiêu lừa mời chào mua hàng để nhận mã trúng thưởng. Nguyễn Lê Hoàng Thủy (SN 1993) trú tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai qua chơi điện tử trên mạng xã hội đã quen biết với chị A trú tại Bình Thuận.
Trong quá trình trò chuyện khi chơi game, Thủy tự xưng là nhân viên bán hàng của Thế giới di động ở TP.HCM, giới thiệu với nạn nhân nếu muốn mua điện thoại giá rẻ thì đối tượng sẽ hỗ trợ. Chị A đã chuyển khoản cho đối tượng trên số tiền 44,5 triệu đồng để nhờ mua 3 chiếc điện thoại di động. Số tiền nhận được, Thủy đã chi tiêu hết, nhưng lại nói với chị A là điện thoại chưa về nên chưa giao được hàng.
Không dừng lại ở đó, Thủy còn nói dối khi mua điện thoại cho chị A. rằng chị đã may mắn trúng thưởng hàng tỷ đồng và yêu cầu chị A. chuyển tiền đóng thuế 10% để nhận số tiền thưởng trên.
Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo trúng thưởng trên mạng |
Để lấy lòng tin, Thủy chỉnh sửa số dư tài khoản rồi chụp ảnh màn hình gửi cho chị A. Tin lời, chị A. nhiều lần chuyển khoản cho Thủy với số tiền hơn 800 triệu đồng. Mãi không nhận được tiền, chị A nghi ngờ bị lừa nên đã đến cơ quan công an trình báo.
Không có “món lợi” bất ngờ nào từ trên trời rơi xuống
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần phải nâng cao cảnh giác trước những lời mời trên mạng xã hội. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ. Người dân cần tìm hiểu kỹ về đối tượng gọi đến, yêu cầu họ cung cấp đầy đủ thông tin về họ tên, chức vụ, đơn vị công tác, địa chỉ, số điện thoại (nếu bên tặng thưởng là cá nhân); tên Công ty, địa chỉ cụ thể, số điện thoại, mã số thuế, giấy phép đăng ký kinh doanh (nếu bên tặng thưởng là doanh nghiệp) để tìm hiểu, tra cứu xác minh đối tượng từ nhiều nguồn khác nhau.
Liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền như Sở Công Thương hoặc Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương để được giải đáp và hỗ trợ kịp thời về chương trình khuyến mãi, trao thưởng mà bên kia cung cấp bởi các chương trình khuyến mại, trao thưởng lớn đều phải được đăng ký và cấp phép.
Nếu không đăng ký tham gia các chương trình quay thưởng/bốc thăm trúng thưởng mà lại nhận được thông báo trúng thưởng thì khả năng cao là lừa đảo bởi không có việc doanh nghiệp tự lựa chọn khách hàng rồi quay thưởng và trao thưởng khi không có thông báo trước.
Ngoài ra các nạn nhân bị lừa đảo cũng cần lưu ý, chúng ta không biết chính xác bên lừa đảo là ai, địa chỉ ở đâu nên phát hiện mình bị lừa đảo bạn không thể tự lấy lại tiền bị lừa được. Nếu không may trở thành nạn nhân, việc bạn cần làm là thu thập thông tin đã trao đổi với đối tượng lừa đảo như tin nhắn điện thoại, ghi âm cuộc gọi, thông tin số điện thoại, tài khoản Facebook, sao kê thông tin chuyển khoản ngân hàng. Sau đó, đem tất cả những bằng chứng đó đến công an xã, phường nơi mình đang cư trú để trình báo về tội phạm lừa đảo.
Công dân không nên cho rằng tiền lừa đảo sẽ khó lấy lại được mà vì thế không đi trình báo cơ quan công an. Người dân khi bị lừa công nghệ cao nên chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan công an để tập hợp tuyên truyền phổ biến rộng rãi thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo, nhất là thủ đoạn mới để nâng cao công tác phòng ngừa trong nhân dân.