Cảnh giác và ứng phó linh hoạt trước các ca bệnh Covid-19 tăng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc số ca nhiễm Covid-19 gia tăng nhanh ở nhiều quốc gia ở châu Á, trong đó có Đông Nam Á, đang làm dấy lên lo ngại về một làn sóng dịch mới trong khu vực, song nhìn chung các nước châu Á đón nhận một cách thận trọng, cảnh giác và bình tĩnh, tập trung bảo vệ đối tượng nguy cơ, đi đôi với việc tiến tới hạ cấp độ dịch bệnh.
Dịch Covid-19 đang gia tăng cao ở một số quốc gia châu Á đòi hỏi phải cảnh giác và ứng phó linh hoạt

Dịch Covid-19 đang gia tăng cao ở một số quốc gia châu Á đòi hỏi phải cảnh giác và ứng phó linh hoạt

Làn sóng dịch mới ở một số quốc gia

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trong báo cáo mới nhất đã cảnh báo, tình hình đại dịch Covid-19 đang có xu hướng diễn biến phức tạp hơn, với số ca mắc mới tăng cao ở châu Á. Theo đó, trong 28 ngày qua, toàn thế giới ghi nhận hơn 3 triệu ca mắc mới và thêm hơn 23.000 trường hợp tử vong do Covid-19. Trong đó, số ca nhiễm mới đã tăng tới gần 481% ở Đông Nam Á và 144% ở khu vực Đông Địa Trung Hải.

Các nước châu Á là Hàn Quốc và Ấn Độ đang chứng kiến làn sóng dịch Covid-19 gia tăng mạnh nhất trong khu vực khi có nơi vượt quá 11.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Các quốc gia ở Nam Á như Bangladesh, Nepal, Pakistan, Afghanistan, Iran… cũng chứng kiến số ca mắc mới tăng nhanh. Xét theo quốc gia, tỷ lệ ca mắc mới ở Nepal tăng nhanh nhất, lên tới 1.198%, tiếp đến là tới Ấn Độ 937%.

Ở khu vực Đông Bắc Á, Nhật Bản và Hàn Quốc những ngày qua ghi nhận số ca mắc Covid-19 mới ở mức rất cao, khoảng 10.000 trường hợp mỗi ngày. Ngày 20-4 là ngày thứ ba liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới Covid-19 ở mức trên 10.000 ca khi Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, nước này đã ghi nhận 14.094 trường hợp mắc Covid-19 trong ngày, nâng tổng số ca mắc bệnh lên 31.039.863 ca. Trước đó, số ca mắc hàng ngày ở Hàn Quốc đã giảm xuống còn 4.946 ca hôm 17-4 sau khi liên tục ghi nhận trên 10.000 ca/ngày trong 6 ngày trước đó. Hàn Quốc cũng ghi nhận thêm 9 ca tử vong do Covid-19, nâng tổng số tử vong ở quốc gia này lên 34.401 trường hợp.

Dù dịch còn diễn biến phức tạp, nhưng vào tháng 3-2023, Hàn Quốc đã nới lỏng hầu hết các biện pháp hạn chế phòng Covid-19, trong đó có quy định đeo khẩu trang khi trên các phương tiện giao thông công cộng. Chính phủ nước này hiện đang có kế hoạch từ tháng 5 tới giảm thời gian cách ly bắt buộc đối với người mắc Covid-19 xuống còn 5 ngày từ 7 ngày như hiện nay, trong bước tiếp theo để đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường như trước đại dịch.

Tại khu vực Đông Nam Á, Singapore đối mặt nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19 trên diện rộng. Bộ trưởng Y tế nước này - ông Ong Ye Kung mới đây cảnh báo “Đảo quốc Sư tử” đang bước vào đợt lây nhiễm Covid-19 mới với số ca mắc hàng ngày ước tính tăng từ khoảng 1.400 ca trong tháng 3, lên 4.000 ca và khoảng 30% số ca mắc mới hiện nay là tái nhiễm, cao hơn mức từ 20-25% của đợt dịch gần nhất. Tuy nhiên, dù số ca bệnh tăng ở Singapore nhưng chưa có bằng chứng cho thấy các chủng hiện tại gây ra những diễn tiến bệnh lý nghiêm trọng hơn. Số bệnh nhân Covid-19 phải nhập viện điều trị tăng từ 80 lên 220 người trong tháng 3 vừa qua, thấp hơn nhiều so với giai đoạn diễn ra đại dịch trước đó. Số ca mắc Covid-19 phải điều trị tích cực (ICU) duy trì ở mức thấp, dưới 10 bệnh nhân trong tháng 3 vừa qua.

Ở Thái Lan, nhằm ứng phó với Thái Lan sẵn sàng ứng phó với số ca mắc Covid-19 tăng cao sau Tết Songkran, giới chức y tế Thái Lan đã được yêu cầu theo dõi các ổ dịch và cụm dịch mới trên phạm vi toàn quốc, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng thuốc điều trị và thiết bị y tế cho bệnh nhân nội trú sau Tết cổ truyền Songkran. Bộ Y tế Thái Lan đã chỉ đạo các cơ sở y tế địa phương thông báo cho người dân về tình hình dịch bệnh, khuyến khích họ tiêm vaccine phòng ngừa Covid-19 và đảm bảo có đủ vật tư, thiết bị y tế cũng như giường bệnh sẵn sàng cho bệnh nhân Covid-19 trở nặng.

“Giải mã” nguyên nhân dịch Covid-19 tăng cao ở châu Á

Nhìn nhận về việc số dịch Covid-19 hiện nay ở châu Á, WHO cho biết đang theo dõi biến chủng phụ XBB.1.16 của Omicron, còn gọi là Arcturus, có tốc độ lây lan nhanh nhất từ trước đến nay và là biến thể chính gây ra đợt bùng phát dịch mới ở châu Á. Tuy nhiên, theo tổ chức này, nhưng chưa có bằng chứng cho thấy biến thể này có thể gây ra tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn các biến chủng khác của virus SARS-CoV-2 trước đây.

XBB.1.16 là một trong 600 biến chủng phụ của Omicron, tái tổ hợp từ BA.2.10.1 và BA.2.75. Biến chủng XBB.1.16 có cấu hình tương tự biến chủng XBB.1.5, nó có thêm 3 đột biến trong protein gai là E180V, F486P và K478R, đồng thời có khả năng lây bệnh nhanh chóng hơn. Người nhiễm biến chủng XBB.1.16 có triệu chứng điển hình là sốt, đau đầu, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi, ho, giống với biến chủng Omicron khác. Biến chủng XBB.1.16 có thể gây ra các triệu chứng khác biệt so với trước đây, gồm viêm kết mạc, ngứa hoặc đau mắt đỏ và tình trạng này xuất hiện chủ yếu ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc WHO Đông Nam Á, cho biết Ấn Độ đang ghi nhận dịch bệnh gia tăng ở mức độ tương tự làn sóng dịch như cuối năm 2022 với biến thể chủ yếu là XBB.1.16. Hiện biến chủng này tiếp tục được phát hiện ở các nước Đông Nam Á như Singapore, Indonesia, Malaysia… XBB.1.16 khiến dịch Covid-19 lây lan nhanh nhất, tốc độ nhân lên đáng báo động nhưng, theo WHO, chưa có bằng chứng cho thấy nó khiến số ca nhập viện và tử vong tăng cao hơn.

Cũng theo báo cáo của WHO, biến thể phụ XBB.1.16 của Omicron là biến thể chủ yếu được ghi nhận trong đợt dịch lần này và đã xuất hiện tại 20 nước, trong đó có nhiều nước châu Á. Tuy độc lực của biến thể XBB.1.16 không cao nhưng vẫn được xác định là nguy hiểm đối với người trên 60 tuổi hay người suy giảm hệ thống miễn dịch. Do đó, theo các chuyên gia y tế của WHO, việc tiêm mũi bổ sung cho các đối tượng dễ bị tổn thương là một trong những biện pháp quan trọng để phòng chống dịch.

Chuyên gia y tế Michael Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình y tế khẩn cấp của WHO, cho rằng, các nước trên thế giới đang đi đúng quỹ đạo trong phòng chống đại dịch Covid-19 và cần tiếp tục bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất. Các quốc gia, cơ quan y tế cần cảnh giác, cần tiếp tục tiêm mũi bổ sung và cần giải trình tự gene các biến thể để tìm ra phương pháp phòng bệnh hữu hiệu nhất.

Giới chuyên môn khuyến cáo, mọi người đeo khẩu trang, vệ sinh tay thường xuyên, tiêm vaccine đúng và đủ liều, đặc biệt ở nhóm người già, có bệnh nền. Nếu mắc Covid, mọi người tự cách ly ngay và liên hệ với nhân viên y tế để được tư vấn thêm. Nghỉ ngơi đầy đủ, bổ sung nước và hoa quả, thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh. Người có bệnh nền hoặc tình trạng sức khỏe yếu phải báo cho cơ quan y tế.

Ông Michael Ryan cho rằng, còn mất nhiều thời gian để Covid-19 chuyển từ giai đoạn đại dịch sang giai đoạn “bệnh đặc hữu”. Trên thực tế, dịch bệnh chỉ suy giảm xuống mức “hoạt động” thấp hơn với nguy cơ đỉnh dịch xảy ra theo mùa. Tuy nhiên, việc các virus cúm, RSV, SARS-CoV-2 tấn công vào cùng thời điểm sẽ gây ra hiệu ứng cộng hưởng và khiến hệ thống y tế tại một số nước đối mặt với sự quá tải.

Ủy ban Khẩn cấp của WHO về Covid-19 dự kiến sẽ nhóm họp vào đầu tháng 5 tới để đánh giá xem liệu Covid-19 có tiếp tục là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu (PHEIC) hay không. Tuy nhiên, với những diễn biến đến thời điểm hiện tại, khả năng WHO tiếp tục duy trì cảnh báo cao nhất đối với dịch Covid-19 vẫn rất cao.