Cảnh giác trước chiêu lừa đảo của tội phạm công nghệ cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian vừa qua, tình hình các đối tượng lợi dụng công nghệ và sự phát triển của mạng viễn thông, Internet để hoạt động phạm tội ngày càng diễn biến phức tạp. Đặc biệt loại tội phạm này có chiều hướng gia tăng với tính chất xuyên quốc gia, ngày càng tinh vi, đa dạng, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội (TTXH), gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Đủ trò giăng bẫy qua các cuộc gọi lừa đảo

Theo đánh giá của Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội, Thủ đô hiện tập trung nhiều trường đào tạo công nghệ thông tin, nguồn nhân lực công nghệ thông tin lớn. Tuy nhiên, lượng công việc không đáp ứng được nhu cầu việc làm cũng như mong muốn về thu nhập cá nhân dẫn đến các đối tượng, tổ chức phạm tội dễ dàng lôi kéo, dụ dỗ những người có kiến thức thực hiện hành vi phạm tội.

Công an quận Hoàn Kiếm rà soát các tin báo liên quan đến việc lừa đảo bằng hình thức “hack” tài khoản mạng xã hội rồi nhờ chuyển tiền

Công an quận Hoàn Kiếm rà soát các tin báo liên quan đến việc lừa đảo bằng hình thức “hack” tài khoản mạng xã hội rồi nhờ chuyển tiền

Từ đơn trình báo của các bị hại, Phòng Cảnh sát hình sự cũng xác định thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, phổ biến hiện nay là đăng tin quảng cáo các chương trình tuyển cộng tác viên làm nhiệm vụ ứng tiền chuyển khoản để hưởng lợi nhuận. Sau đó, chúng đưa ra nhiều lý do yêu cầu người bị hại chuyển tiền để làm thủ tục rút tiền rồi chiếm đoạt. Ví dụ thời gian vừa qua nổi lên chiêu trò đăng tin trên mạng xã hội quảng cáo, giới thiệu tham gia chương trình “Trại hè/khóa học của Việt Nam Airlines”, “Người mẫu nhí” hoặc chương trình tham gia mua các gói dịch vụ/bình chọn cho gái mại dâm trá hình trên mạng Internet… rồi dẫn dắt bị hại thực hiện các nhiệm vụ chuyển tiền để hưởng lợi nhuận; gọi điện giả danh nhân viên cơ quan tư pháp, cơ quan Nhà nước như: Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Văn phòng đăng ký đất đai, cơ sở y tế, bưu điện... để đe dọa, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, trong tháng 10-2023, xuất hiện thủ đoạn các đối tượng giả danh nhân viên văn phòng đăng ký đất đai gọi điện yêu cầu người dân đăng ký định danh, bổ sung thông tin bất động sản; thông báo liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng rồi đe dọa, yêu cầu chuyển tiền hoặc cài đặt phần mềm gián điệp trên điện thoại, sau đó chiếm đoạt toàn bộ số tiền của bị hại; tạo lập các công ty hoạt động trong lĩnh vực đầu tư tài chính, chứng khoán, forex... sau đó đăng quảng cáo kêu gọi nộp tiền đầu tư, góp vốn thực hiện giao dịch để hưởng lợi nhuận cao; quảng cáo cho vay tín chấp số tiền lớn nhưng lãi suất thấp hoặc giả danh nhân viên ngân hàng để tư vấn khách hàng vay với lãi suất thấp. Khi bị hại có nhu cầu và liên hệ để vay tiền, đối tượng sẽ yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, gửi đường dẫn liên kết yêu cầu bị hại cài đặt ứng dụng giả mạo trên điện thoại di động. Sau đó, các đối tượng lấy nhiều lý do như đóng phí hồ sơ, bảo hiểm, ưu tiên, làm nhanh hồ sơ khoản vay, đổi thẻ, số tài khoản ngân hàng để nhận tiền giải ngân... rồi yêu cầu bị hại chuyển tiền và chiếm đoạt tài sản.

Ổ nhóm giả danh nhân viên Ngân hàng Techcombank lừa đảo bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ

Ổ nhóm giả danh nhân viên Ngân hàng Techcombank lừa đảo bị Công an quận Hoàn Kiếm bắt giữ

Ngoài ra, các đối tượng còn lập tài khoản có giao diện tương tự tài khoản của người khác hoặc đánh cắp quyền truy cập các tài khoản mạng xã hội, mạo danh chủ tài khoản nhắn tin đề nghị chuyển hộ tiền, vay tiền hoặc mua thẻ cào điện thoại… gửi cho đối tượng, sau đó chiếm đoạt tiền; lập ra các Fanpage trên mạng xã hội để đăng tải thông tin, hình ảnh về các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ nước ngoài đang được giảm giá để thu hút khách hàng. Lấy lý do hàng nhập khẩu, phải đặt cọc để yêu cầu khách thanh toán tiền trước (hoặc đặt cọc 50% giá trị sản phẩm) rồi chiếm đoạt tài sản; lập các trang, tài khoản mạng xã hội đăng các bài viết không có thật về cơ quan, tổ chức, cá nhân đang gặp hoàn cảnh khó khăn cần sự hỗ trợ để người dùng chuyển tiền rồi chúng chiếm đoạt toàn bộ; giới thiệu là người nước ngoài kết bạn, làm quen với nạn nhân, sau đó đề nghị tặng quà và ngoại tệ số lượng lớn qua đường hàng không về Việt Nam. Tiếp theo, đối tượng khác giả danh nhân viên sân bay, nhân viên giao hàng… yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng với lý do làm thủ tục nhận hàng, nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của bị hại.

Ổ nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bị Công an quận Hà Đông bắt giữ

Ổ nhóm đối tượng sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bị Công an quận Hà Đông bắt giữ

Đặc biệt, trong thời gian đầu tháng 3-2023 đến nay, trên địa bàn Hà Nội đã xuất hiện phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao mà không ít người đã “sập bẫy”. Đó là các đối tượng gọi điện thoại cho phụ huynh học sinh và tự xưng là giáo viên, nhân viên y tế thông báo con em họ bị tai nạn nghiêm trọng đang được cấp cứu, từ đó yêu cầu phụ huynh chuyển tiền để nộp viện phí, sau đó chiếm đoạt.

Cần tỉnh táo trước những dụ dỗ

Tinh vi hơn, các đối tượng còn sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo ra các sản phẩm công nghệ giả (Deepfake) dưới dạng âm thanh, hình ảnh, video của người có mối quan hệ với bị hại, sau đó thực hiện cuộc gọi video để yêu cầu bị hại chuyển tiền. Đây là một thủ đoạn khiến người dùng mạng xã hội dễ dàng mắc bẫy bởi độ tin cậy cao…

Một cụ bà ở Hà Nội mới đây đã bị đối tượng sử dụng công nghệ “Deepfake” giả danh công an gọi điện đe dọa, nhằm lừa đảo 2 cuốn sổ tiết kiệm khoảng 300 triệu đồng. Theo đó, bà L.T.C (SN 1948, trú tại phường Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang ở nhà thì nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là nhân viên bưu chính viễn thông, thông báo bà C đang nợ cước điện thoại gần 5 triệu đồng. Khi bà C nói không nợ khoản tiền cước nào thì đối tượng nói sẽ chuyển cuộc gọi cho cơ quan điều tra. Một lúc sau, bà C lại nhận được điện thoại từ người giới thiệu công tác tại Công an Hà Nội, yêu cầu nạn nhân cung cấp tài khoản tiết kiệm và chuyển toàn bộ tiền vào số tài khoản của… cơ quan công an để xác minh, nếu không sẽ bị bắt. Do quá hoang mang, bà C đã nhanh chóng chuẩn bị 2 sổ tiết kiệm của mình định chuyển cho “cơ quan công an”. Qua công tác nắm tình hình địa bàn và nguồn tin của cán bộ cơ sở, cán bộ công an phường đã nhanh chóng ngăn chặn vụ lừa đảo trên, đảm bảo an toàn tài sản cho bị hại.

Đầu tháng 3-2023, Công an quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cũng đã tóm gọn ổ nhóm lừa đảo chuyên giả danh Ngân hàng Techcombank đăng tin cho vay lãi suất thấp, giải ngân nhanh. Tài liệu của cơ quan công an nêu rõ, đây là nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản chuyên nghiệp. Các đối tượng mạo danh ngân hàng đăng các bài viết quảng cáo trên mạng xã hội Facebook. Để bị hại tin tưởng, chúng còn cho số điện thoại để kết bạn trên Zalo, sau đó gửi thông tin cá nhân như CCCD, tài khoản ngân hàng. Quá trình trao đổi, các bị hại được yêu cầu chuyển tiền để làm hồ sơ vay vốn online. Tinh vi hơn, sau khi nạn nhân sập bẫy, chúng liền làm giả một bộ hồ sơ vay vốn giống như thật rồi yêu cầu “con mồi” chuyển tiếp tiền đóng các loại giấy tờ khác như bảo hiểm khoản vay, chứng minh thu nhập, hỗ trợ giải ngân nhanh… Do đang có nhu cầu vay nên các bị hại tự động làm theo yêu cầu của nhóm lừa đảo này. Đến khi không còn tiền chuyển nữa, chúng sẽ chặn toàn bộ liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền bị hại chuyển trước đó.

Ngày 14-11-2023, qua công tác quản lý, đảm bảo an ninh trật tự tại các khu chung cư, phòng ngừa các loại tội phạm ẩn, Công an quận Hà Đông đã phát hiện, bắt giữ nhóm 5 đối tượng thuê trọ tại khu đô thị Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông. Nhóm này sử dụng máy tính thực hiện hành vi lừa đảo trên không gian mạng với phương thức thủ đoạn mới rất tinh vi. Chúng lên mạng xã hội mua hàng nghìn tài khoản Zalo, Facebook “ảo” rồi vào các hội nhóm vay vốn đăng bài giả danh nhân viên ngân hàng hỗ trợ người có nhu cầu vay tiền với thủ tục nhanh gọn, lãi suất thấp, đồng thời giả là người đã vay được tiền để “cò mồi” thu hút người vay. Khi tiếp cận được người có nhu cầu vay tiền, để tạo lòng tin với họ các đối tượng làm giả hợp đồng vay, sử dụng các tài khoản Zalo “ảo” nhắn tin, nếu họ đồng ý vay sẽ yêu cầu nộp nhiều loại phí để làm thủ tục như phí làm hồ sơ, phí xin dấu nhanh, phí bảo hiểm (mỗi loại phí người vay phải nộp từ vài trăm nghìn đến vài chục triệu đồng) sau đó chiếm đoạt.

Quá nhiều nạn nhân đã “sập bẫy” loại tội phạm này và những “cạm bẫy” tinh vi, xảo quyệt vẫn được tội phạm tung ra. Nếu không tỉnh táo, sẽ còn rất nhiều người trở thành nạn nhân tiếp theo của tội phạm công nghệ cao.

Pháp luật định vị hành vi thế nào?

Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 25/2014/NĐ-CP, tội phạm có sử dụng công nghệ cao là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, Nghị định 25/2014/NĐ-CP cũng nêu rõ, vi phạm pháp luật khác có sử dụng công nghệ cao là hành vi vi phạm pháp luật có sử dụng công nghệ cao nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi), tội phạm công nghệ cao hiện nay được xếp vào nhóm các tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông (từ Điều 285 đến Điều 294). Đó là: Tội sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285); Tội phát tán chương trình tin học gây hại cho hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 286); Tội cản trở hoặc gây rối loạn hoạt động của mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử (Điều 287); Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288); Tội xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác (Điều 289); Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290); Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng (Điều 291); Tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu, an toàn, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, quốc phòng, an ninh (Điều 293); Tội cố ý gây nhiễu có hại (Điều 294). Mức phạt tù cao nhất của tội phạm công nghệ cao là 20 năm (đối với tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản).

Trường hợp hành vi vi phạm chưa đến mức bị xử lý hình sự thì người vi phạm quy định về sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 81 Nghị định 15/2020/NĐ-CP. Cụ thể, phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng các phương tiện giao tiếp trực tuyến trên mạng Internet, mạng viễn thông nhằm chiếm đoạt tài sản của tổ chức, cá nhân có trị giá dưới 2 triệu đồng. Phạt tiền từ 70-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Truy cập bất hợp pháp vào tài khoản của tổ chức, cá nhân nhằm chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2 triệu đồng; Thiết lập hệ thống, cung cấp dịch vụ chuyển cuộc gọi quốc tế thành cuộc gọi trong nước phục vụ cho mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có trị giá dưới 2 triệu đồng; Trộm cắp hoặc sử dụng trái phép thông tin về tài khoản, thẻ ngân hàng của tổ chức, cá nhân để chiếm đoạt, gây thiệt hại tài sản hoặc để thanh toán hàng hóa, dịch vụ có trị giá dưới 2 triệu đồng…

Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội

Chủ động phát hiện giao dịch nghi vấn sẽ ngăn chặn được tội phạm

“Hiện nay, tội phạm sử dụng công nghệ cao liên tục biến đổi thủ đoạn, phương thức hoạt động, thường xuyên cập nhật các công nghệ mới để che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh. Loại tội phạm này thường hoạt động xuyên quốc gia, gây nhiều khó khăn cho công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan chức năng trong nước và quốc tế. Trong khi đó, việc trang bị các trang thiết bị, phần mềm hiện đại còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế; nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, chuyên sâu về lĩnh vực phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng bị thiếu hụt nên công tác điều tra, khám phá án gặp rất nhiều khó khăn.

Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội cũng đã nhận diện phương thức, thủ đoạn của tội phạm để đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến đến từng thôn, xóm, tổ dân phố, hộ gia đình, người dân... để nắm được và chủ động phòng ngừa đối với loại tội phạm này. Ngoài ra, CATP cũng đã có công văn gửi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (chi nhánh Hà Nội) đề nghị phối hợp chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội thực hiện đặt biển cảnh báo phòng ngừa, tuyên truyền, quán triệt đến cán bộ, nhân viên để chủ động phát hiện các giao dịch có dấu hiệu nghi vấn, tìm hiểu nguyên nhân và giải thích cho khách hàng biết về phương thức, thủ đoạn của tội phạm để ngăn chặn. Đồng thời tăng cường kiểm tra, đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng để ngăn ngừa việc dùng giấy tờ giả để mở tài khoản thực hiện hành vi vi phạm pháp luật”.

Trung tá Phan Quang Vinh - Phòng Cảnh sát hình sự CATP Hà Nội

Tích cực tuyên truyền để người dân chủ động phòng ngừa

“Theo thống kê, từ 15-12-2022 đến 15-3-2024, của CAQ Hoàn Kiếm đã tiếp nhận 183 đơn trình báo về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tổng số tiền người dân bị lừa lên tới hơn 47 tỉ đồng. Trong đó có tới 69 vụ người dân bị lừa đảo dưới hình thức làm cộng tác viên, thực hiện nhiệm vụ để hưởng “hoa hồng”; 34 vụ giả danh nhân viên ngân hàng; 35 vụ chiếm đoạt (hack) tài khoản mạng xã hội Facebook và Zalo; 12 vụ giả danh cơ quan tư pháp…

Qua công tác nắm tình hình địa bàn, chúng tôi xác định cứ 10 người thì có 6 - 7 người nhận được các cuộc gọi lừa đảo của tội phạm công nghệ cao và với những chiêu thức, thủ đoạn tinh vi, biến đổi liên tục nên người dân khó có thể nắm bắt hết được. Do vậy, CAQ Hoàn Kiếm đã ban hành Kế hoạch “Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng”. Đội Cảnh sát hình sự có nhiệm vụ tổng hợp các phương thức, thủ đoạn và các biện pháp phòng tránh tội phạm lừa đảo công nghệ cao thành bộ tài liệu với nội dung ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, phối hợp với công an các phường tổ chức các buổi trao đổi trực tiếp với người dân tại các khu dân cư, tổ dân phố, cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Với kế hoạch này, mỗi cán bộ chiến sĩ sẽ trở thành 1 tuyên truyền viên và lực lượng Cảnh sát khu vực đóng vai trò quan trọng. Đây là lực lượng gần dân, có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhân dân nên mỗi cán bộ Cảnh sát khu vực phải nắm rất rõ các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo công nghệ cao để tuyên truyền, nhắc nhở người dân với nguyên tắc “2 không”: “Không nghe các cuộc điện thoại từ người lạ; Không làm theo bất cứ hướng dẫn nào thông qua điện thoại”. Mỗi Cảnh sát khu vực lại phụ trách nhóm Zalo tổ dân phố do mình theo dõi, quản lý, do vậy vào mỗi buổi sáng sẽ gửi tin nhắn cảnh báo đến các nhóm. Công việc này được xem như cơm ăn, nước uống hàng ngày của mỗi cán bộ, chiến sĩ và trong trường hợp người dân nhận được các cuộc gọi lạ, việc đầu tiên là sẽ gọi điện thoại cho Cảnh sát khu vực để xác minh. Kế hoạch đã đạt được những kết quả nhất định khi có rất nhiều tin nhắn, cuộc gọi của người dân đến Cảnh sát khu vực để xác minh các cuộc gọi lừa đảo. Chúng tôi hy vọng sẽ chặn đứng được các chiêu trò của tội phạm công nghệ cao đang len lỏi vào từng gia đình”.

Trung tá Trần Xuân Hải - Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự, CAQ Hoàn Kiếm