Cảnh báo những tai nạn, thương tích khi trẻ ở nhà một mình học online

ANTD.VN - Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dù tới đây trẻ từ lớp 1 đến lớp 6  sắp được đến trường học trực tiếp nhưng vẫn còn nhiều mối nguy nếu các em bị lây nhiễm Covid và phải cách ly tại nhà. Học trực tuyến là giải pháp cần thiết, phù hợp nhất để bảo đảm an toàn cho học sinh, đồng thời đạt mục tiêu hoàn thành chương trình đạt yêu cầu. Tuy nhiên, khi xảy ra một số vụ việc đau lòng học sinh bị tai nạn thương tích tại nhà trong quá trình học trực tuyến đã khiến nhà trường cũng như các bậc phụ huynh hết sức lo lắng, bất an. Những vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc trang bị kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích cho học sinh, trong đó có vấn đề an toàn thiết bị học tập.   

Tháng 7/2021, bé trai sinh năm 2004 ở xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh được người nhà phát hiện trong tình trạng nằm bất tỉnh trên nền đất đè lên điện thoại đang sạc pin. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháu trai tử vong là do bị điện giật khi sử dụng điện thoại đang cắm sạc pin.

Tháng 10/2021, tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An… một học sinh lớp 5 đã tử vong khi chiếc điện thoại phát nổ trong lúc em đang học online.

Trước đó, tháng 9/2021…một học sinh lớp 5 trường Tiểu học Thái Thịnh, Đồng Đa, Hà Nội đã tử vong do bị giật điện. Trong khi chuẩn bị vào học online, học sinh này đã dùng kéo học vào ổ cắm điện dẫn đến bị điện giật tử vong. Đây là những vụ việc đau lòng xảy ra trong thời gian qua khi các địa phương phải cho học sinh học trực tuyến tại nhà để phòng tránh dịch bệnh.

Hai cháu nhỏ này đã ở nhà tự bảo ban nhau học từ nhiều tháng nay… Bố mẹ đều đi làm từ sáng… Chị gái học lớp 6 sử dụng máy laptop còn em trai đang học lớp 3 dùng điện thoại smartphone để học trực tuyến… Do chiếc điện thoại này đã cũ nên trong quá trình học bé trai vẫn phải vừa cắm sạc vừa học bài…

Trên thực tế, việc vừa dùng thiết bị điện tử vừa cắm sạc đã được cảnh báo nhiều về sự nguy hiểm dễ xảy ra cháy nổ.

Đa phần các gia đình hiện nay do điều kiện, hoàn cảnh nên đều phải để các cháu nhỏ tự trông nhau ở nhà… Chính vì vậy, trẻ em không chỉ đối diện nguy cơ từ việc học trực tuyến với các thiết bị smartphone… mà hệ thống điện trong các gia đình không đảm bảo, các em lại thường xuyên tiếp xúc với nguồn điện… cũng là những mối nguy cơ gây tai nạn thương tích cho trẻ khi ở nhà học online.

Mặc dù nguy cơ cháy nổ, tai nạn thương tích với trẻ nhỏ luôn tiềm ẩn… thế nhưng đa phần các em lại chưa được hướng dẫn kỹ năng cơ bản để xử lý tình huống, kỹ năng thoát hiểm khi có cháy nổ hay sự cố xảy ra… Đây chính là lý do dẫn đến những vụ cháy nổ hay sự cố xảy ra thường để lại hậu quả nghiêm trọng với đối tượng là trẻ em…

Theo số liệu thống kê, trung bình mỗi năm cả nước xảy ra trên 3.000 vụ cháy, nổ, làm chết và bị thương trên 300 người, gây thiệt hại về tài sản hàng nghìn tỉ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do người dân thiếu kiến thức, kỹ năng về PCCC và cứu nạn cứu hộ dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều vụ cháy, nổ, tai nạn, sự cố có nạn nhân là đối tượng học sinh, sinh viên. Thế nhưng, trên thực tế, kiến thức về PCCC và cứu nạn cứu hộ trong chương trình giáo dục phổ thông hiện có rất ít và đa phần là kiến thức về pháp luật. Các tiết học lại phân bổ rải rác vào các năm học khác nhau, dẫn đến kiến thức của các em rời rạc… không hình thành được các kỹ năng để các em có thể chủ động xử lý sự cố hay biết cách thoát nạn an toàn… Đã đến lúc cần thay đổi cách thức tuyên truyền và trang bị kiến thức PCCC cho đối tượng học sinh sinh viên một cách bài bản hơn.