Cần xem xét thỏa thuận và quy định trong hợp đồng BOT cầu Hạc Trì

ANTD.VN - Liên quan đến thông tin Công ty CP BOT cầu Việt Trì (nhà đầu tư cầu Hạc Trì) có thể sẽ đóng cửa cầu Hạc Trì trong 15 ngày nếu không được đáp ứng đề xuất hỗ trợ, Bộ GTVT khẳng định, doanh nghiệp không có quyền đóng hay mở cầu vì đây là tài sản Nhà nước.

Nhà đầu tư không có quyền quyết định đóng hay mở cầu

Thách đố dư luận

Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, tất cả các dự án đầu tư đều phải tuân thủ theo quy định pháp luật. Trong hợp đồng BOT đã ký giữa chủ đầu tư và Bộ GTVT đã quy định các điều khoản rõ ràng. “Doanh nghiệp “làm mình, làm mẩy” kiểu hờn dỗi như thế rất buồn cười. Nếu không muốn làm tiếp thì Bộ GTVT có thể mua lại dự án và bán quyền cho nhà đầu tư khác khai thác. Theo tôi, rất nhiều nhà đầu tư muốn mua lại”, ông Bùi Danh Liên bày tỏ. 

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội còn cho rằng, đây là một minh chứng về hệ lụy của việc cho phép đầu tư BOT vào hạ tầng giao thông một cách ồ ạt thời gian qua. “Chúng ta không tính toán kỹ, làm BOT như kiểu phong trào, làm bằng được để lấy thành tích. Bản thân Bộ GTVT qua những sự việc như thế này cũng cần rút kinh ngiệm, thậm chí cần kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm”, ông Bùi Danh Liên cho hay.

Tương tự, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng: “Không thể chấp nhận những nhà đầu tư thách đố Nhà nước và dư luận. Dù tiền bỏ ra ban đầu để đầu tư dự án là do doanh nghiệp đi vay ngân hàng nhưng sau đó thu phí của người dân để hoàn vốn, thu lời, sâu xa thì cũng do tiền của dân bỏ ra”. 

Ông Nguyễn Văn Thanh đề nghị: “Cần kiểm tra lại chất lượng cầu Việt Trì cũ, công bố rõ ràng cho người dân biết. Không thể cứ nói khơi khơi cầu Việt Trì cũ đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn rồi đóng cầu, bắt người dân đi qua cầu Hạc Trì rồi thu phí là không thuyết phục, người dân phản ứng là có cơ sở”, ông Nguyễn Văn Thanh nhìn nhận.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng cho rằng, trong trường hợp nhà đầu tư đã tính toán sai khi đầu tư vào dự án này thì cũng phải chấp nhận. Kinh doanh có lãi, có thua lỗ, không thể gặp khó là đòi Nhà nước hỗ trợ và càng không thể đổ hết lên đầu người dân. “Với văn bản của nhà đầu tư, mọi trách nhiệm như muốn đổ hết lên đầu người dân”, một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông chia sẻ.

Nhà đầu tư không có quyền 

Văn bản của Công ty CP BOT cầu Việt Trì “dọa” đóng cửa cầu Hạc Trì nếu không được can thiệp để đảm bảo quyền lợi sau 15 ngày không khiến người dân lo ngại. Anh Tạ Hoàng Đạt, trú tại phường Bạch Hạc, TP Việt Trì, Phú Thọ cho biết: “Nhà đầu tư đóng cửa cầu Hạc Trì cũng không ảnh hưởng gì đến việc đi lại của chúng tôi. Hàng ngày, tôi vẫn đi qua cầu Việt Trì cũ, vừa gần hơn lại không mất phí, cũng không thấy mất an toàn”.

Chiều 10-8, trao đổi về sự việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT đang thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Theo đó, sẽ kiểm định, đánh giá lại toàn bộ cầu Việt Trì cũ xem khả năng chịu tải đến đâu, phương tiện nào có thể lưu thông. Dựa vào kết quả kiểm định, Bộ GTVT sẽ đưa ra các phương án trình Chính phủ, trên cơ sở đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

“Chính phủ lựa chọn phương án nào thì Bộ GTVT sẽ thực hiện theo phương án đó”, ông Nguyễn Hồng Trường thông tin. Cụ thể, một trong các phương án mà Bộ GTVT đưa ra là kéo dài thời gian thu phí hoặc Nhà nước sẽ hỗ trợ lãi suất ngân hàng, còn cầu Việt Trì cũ sẽ cho ô tô dưới 7 chỗ lưu thông.

Trả lời câu hỏi về việc nhà đầu tư “dọa” đóng cửa cầu Hạc Trì, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, doanh nghiệp kêu cứu cũng có lý của họ vì theo hợp đồng BOT đã ký, sau khi cầu Hạc Trì đưa vào khai thác, sẽ cấm ô tô qua cầu Việt Trì cũ để đảm bảo phương án tài chính. Tuy nhiên, thực tế đang diễn biến không theo như vậy nên cần có phương án tính toán hợp lý. Bộ GTVT cũng đã nhìn ra sự việc và đang tìm cách tháo gỡ. Dự kiến, trong tháng 8, Bộ GTVT sẽ trình Chính phủ các phương án xử lý đối với dự án cầu Hạc Trì. 

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam khẳng định, đóng hay mở cầu Hạc Trì không phải do nhà đầu tư quyết định.  “Theo luật định, dừng hoạt động cầu, đường chỉ có thể được thực hiện khi có quyết định của Bộ trưởng Bộ GTVT (hoặc Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ được Bộ trưởng Bộ GTVT ủy quyền thực hiện) và Chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành phố trong tình huống khẩn cấp khi mất ATGT, gặp sự cố trong thiên tai. Nếu những người không có thẩm quyền mà tự ý đóng, mở cầu, đường, họ sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật”, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ nhấn mạnh.

Từng bị phạt vì tự ý đóng cửa cầu

Sáng 22-4-2016, với lý do mưa giông gây chập điện tại trạm thu phí BOT cầu Hạc Trì, Công ty CP BOT cầu Việt Trì đã đặt ụ bê tông, đóng cửa cầu Hạc Trì, tạm thời không cho phương tiện lưu thông trong khoảng 12 giờ đồng hồ.

Ngay sau khi nhận được phản ánh, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lập biên bản vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CP BOT cầu Việt Trì, đồng thời phê bình nghiêm khắc hành vi vi phạm của nhà đầu tư. Tổng cục Đường bộ cũng yêu cầu nhà đầu tư họp kiểm điểm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sự việc này. 

Nếu tái phạm, sẽ đối diện mức xử phạt nghiêm khắc hơn
* Cần xem xét thỏa thuận và quy định trong hợp đồng BOT

Về vấn đề trên, mặc dù đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã khẳng định, đơn vị thu phí không phải muốn dừng lưu thông cầu là được. Tuy vậy, trên cơ sở các quy định hiện hành, luật sư Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc Công ty SBLAW cho rằng, việc chủ đầu tư có quyền đóng cửa cầu hay không phụ thuộc vào thỏa thuận và quy định trong hợp đồng BOT giữa chủ đầu tư và cơ quan quản lý.

Nếu trong hợp đồng BOT cho phép chủ đầu tư được đóng cửa cầu thì chủ đầu tư sẽ được thực hiện quyền này và ngược lại. Tuy nhiên, trên thực tế, trong một hợp đồng BOT liên quan tới công trình có vị trí quan trọng về giao thông như cầu Hạc Trì thì khả năng cơ quan đại diện Nhà nước đứng ra ký hợp đồng cho phép chủ đầu tư được đóng cửa cầu nếu không đạt được doanh thu như kỳ vọng,, gần như không xảy ra.

Như vậy, nếu hợp đồng không có điều khoản cho phép chủ đầu tư đóng cửa cầu mà họ vẫn thực hiện chỉ vì doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng là hành vi vi phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, việc dừng hoạt động cầu một cách đột ngột sẽ ảnh hưởng lớn tới việc tham gia giao thông của người dân và sự lưu thông hàng hóa của  các doanh nghiệp, đặc biệt, trong điều kiện cầu Việt Trì cũ đang trong giai đoạn phải sửa chữa vì xây dựng đã lâu nay đã xuống cấp, không chịu được tải trọng lớn.

Ngoài ra, trong các dự án BOT, việc chủ đầu tư sau khi khai thác xong dự án một thời gian sẽ phải chuyển giao công trình cho Nhà nước khai thác, vì vậy, nếu doanh nghiệp bị tổn thất về tài chính do mức thu sụt giảm thì có thể đàm phán lại hợp đồng với cơ quan có thẩm quyền nhằm kéo dài thời gian thu phí để hoàn vốn. 

Đáng lưu ý, trước đó vào tháng 4-2016, Tổng cục Đường bộ đã kiểm tra, lập biên bản đối với Công ty CP BOT cầu Việt Trì do tự ý chặn hai đầu cầu Hạc Trì bằng ụ bê tông và phân luồng cho các phương tiện qua cầu Việt Trì.

Hành vi này đã gây ảnh hưởng đến việc đi lại của chủ phương tiện, vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Do đó, Tổng cục Đường bộ đã chỉ đạo Cục Quản lý đường bộ I lập biên bản và ra quyết định xử phạt đối với Công ty CP BOT cầu Việt Trì theo quy định tại Nghị định số 171/2013/

NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đồng thời phê bình nghiêm khắc hành vi vi phạm của chủ đầu tư và yêu cầu đơn vị này kiểm điểm trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân liên quan.

Do vậy, nếu trong thời gian tới, đơn vị chủ đầu tư cầu Hạc Trì tái phạm (tiếp tục dừng hoạt động cầu khi chưa được phép của cơ quan chức năng) thì khả năng đơn vị này phải đối diện với mức xử phạt nghiêm khắc hơn là rất cao.