Tín dụng tăng trưởng nhanh:

Cẩn trọng để kiểm soát mối lo nợ xấu

ANTĐ - Tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 7,32% so với cuối năm 2014 và tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, tính đến 20-7. Theo đánh giá của các chuyên gia, tín dụng tăng mạnh phản ánh sự phục hồi của nền kinh tế. 

Cẩn trọng để kiểm soát mối lo nợ xấu ảnh 1Tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng có thể vượt chỉ tiêu 13-15% 

Khả năng hấp thụ vốn được cải thiện

Báo cáo của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho biết, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 đạt 6,28% so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng phục hồi có đóng góp quan trọng của khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo.

Với đà phục hồi trên, cơ quan này dự báo, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 sẽ đạt mức 6,4% và cả năm 2015 có khả năng đạt mức 6,5%. Cùng với đà phục hồi của nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm 2015 có diễn biến hết sức khả quan.

Tính đến 20-7, tín dụng ước tăng 7,32% so với cuối năm 2014. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP Hà Nội cho rằng, hoạt động tín dụng được cải thiện do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế và các tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hợp lý.

Đến 30-6-2015, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 9,02% so với thời điểm 31-12-2014 và tăng 19,56% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 804.602 tỷ đồng (tăng 8,7%). Dư nợ ngắn hạn chiếm 51,1%, dư nợ trung và dài hạn chiếm 48,9% so với tổng dư nợ và tăng 8,72% so với cuối năm 2014.

Tại TP.HCM, tổng tín dụng đến đầu tháng 7-2015 cũng đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, tăng 6,1% so với thời điểm cuối 2014. Riêng dư nợ tín dụng của khối ngân hàng cổ phần đạt 632,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,8% tổng dư nợ.

Nợ xấu vẫn ám ảnh

Hoạt động cho vay những tháng đầu năm khả quan, một số ngân hàng đã sử dụng hết chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được cấp phép từ đầu năm. Theo NHNN, dự kiến, đến cuối năm 2015, tăng trưởng tín dụng sẽ hoàn thành chỉ tiêu tăng từ 13-15% và chỉ tiêu này có thể được điều chỉnh lên mức 17% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Chính vì vậy, Thống đốc NHNN đã có văn bản chấp thuận điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2015 cho một số ngân hàng thương mại cổ phần và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) được nới lên 16%. Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeaBank) và Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) được nâng lên 35%. Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) được điều chỉnh tăng lên 30%... 

Việc nới lỏng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho nhiều ngân hàng được đánh giá là cần thiết khi nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến lo ngại việc tăng trưởng tín dụng quá cao sẽ tiềm ẩn những rủi ro như gia tăng lạm phát, chất lượng tăng trưởng tín dụng yếu kém dẫn tới nợ xấu... 

Từ góc nhìn của một chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, nỗi lo nợ xấu khi tăng trưởng nóng từ những năm trước vẫn đeo bám nhiều ngân hàng. Do đó, các ngân hàng sẽ không dám cho vay bừa bãi. Cũng theo các chuyên gia, việc nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng không đồng nghĩa với việc sẽ xuất hiện một “cuộc đua” giữa các ngân hàng. Bởi yêu cầu kiểm soát chặt chất lượng tín dụng cũng được NHNN đề ra. Mới đây, NHNN đã ban hành chỉ thị về tăng cường kiểm soát rủi ro trong hoạt động cấp tín dụng với các dự án BOT, BT giao thông là ví dụ điển hình. 

Về lâu dài, các chuyên gia khuyến cáo, các ngân hàng thương mại nên hướng tới nguồn thu từ hoạt động dịch vụ. Bởi hiện nay, tại nhiều ngân hàng, lợi nhuận chủ yếu đến từ hoạt động tín dụng. Trong khi đó, thực tế cho thấy, nhiều ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng cao nhưng lợi nhuận lại không đáng kể, thậm chí bị lỗ do chi phí hoạt động lớn.