Cần sớm thông qua Luật Thủ đô

(ANTĐ) - Tại phiên họp hôm qua, 6-1, Dự thảo Luật Thủ đô tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp thẳng thắn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô, song vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội.

Cần sớm thông qua Luật Thủ đô

(ANTĐ) - Tại phiên họp hôm qua, 6-1, Dự thảo Luật Thủ đô tiếp tục nhận được những ý kiến đóng góp thẳng thắn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thống nhất cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Thủ đô, song vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cơ chế chính sách đặc thù cho Hà Nội.

Theo báo cáo do Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày, những nội dung thể hiện cơ chế, chính sách đặc thù trong dự thảo luật vẫn còn những ý kiến rất khác nhau. Trong đó, tuy có nhiều ý kiến tán thành, song cũng có không ít người cho rằng các cơ chế, chính sách này chưa thể hiện tính đặc thù của Thủ đô, hoặc là chưa rõ ràng, cụ thể mà vẫn giao cho các cơ quan khác nhau quy định tiếp. Thậm chí, có những nội dung chưa phù hợp với Hiến pháp.

Cần cơ chế đặc thù để giải quyết tình trạng giao thông tại Thủ đô Hà Nội

Cần cơ chế đặc thù để giải quyết tình trạng giao thông tại Thủ đô Hà Nội

Tại phiên họp sáng qua, Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng phát biểu: “Cũng con người ấy, hành vi ấy xảy ra ở Hà Nội và một địa phương khác nhưng lại xử phạt với những mức khác nhau liệu có hợp lý? Nhiều quy định trong luật này không phải vấn đề riêng của Hà Nội mà của tất cả các thành phố lớn. Liệu có chuyện TP Hồ Chí Minh cũng muốn xây dựng Luật TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng muốn xây dựng Luật Đà Nẵng hay không?”. Cũng với những băn khoăn như vậy, Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Lê Quang Bình còn đề nghị, chưa nên thông qua luật này tại kỳ họp thứ 9 mà cần hoàn thiện thêm để Quốc hội khóa XIII xem xét, thông qua.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên bày tỏ đồng tình với nhiều quan điểm thể hiện trong dự thảo. “Tôi đồng ý có cơ chế đặc thù cho Hà Nội, các tỉnh, thành phố cũng không thể “đòi” giống thế được vì cả nước chỉ có một Thủ đô, một trái tim. Mặt khác, trong quá trình vận động của xã hội, thấy có những điểm còn trống hay bất cập trong khung pháp lý thì ta bổ sung, điều chỉnh, miễn là Hiến pháp và pháp luật không cấm”.

Đối với một số vấn đề cụ thể, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Kiên cho rằng, về nguyên tắc có thể thu phí, xử phạt ở mức cao hơn các địa phương khác (mặc dù có thể xem xét thêm, bớt các loại phí, phạt cụ thể). Ông nói: “Tình hình giao thông lộn xộn ở Thủ đô là không được. Nếu không xử phạt nghiêm khắc hơn thì không chấn chỉnh được. Thu phí cũng như vậy. Hà Nội được thụ hưởng nhiều hơn thì phải gương mẫu đóng góp nhiều hơn. Bình đẳng không có nghĩa là bằng nhau”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cũng cho rằng, cần thiết phải có những quy định hạn chế sự “bùng nổ” dân cư trong khu vực lõi của Hà Nội. Ông lập luận: “Hạn chế cư trú ở khu vực lõi là đúng. Muốn trái tim khỏe mạnh thì phải hạn chế quá đông người.” Đồng thời, cần phân loại quy hoạch theo từng mức độ khác nhau. Loại nào phải trình Quốc hội xem xét quyết định, loại nào Chính phủ, HĐND hay chính quyền địa phương quyết định. Đây cũng là quan điểm của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. Trong số các cơ chế chính sách cụ thể, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng, việc để lại 100% khoản vượt thu cho địa phương không phải vấn đề lớn, thực ra hiện nay vẫn đang thực hiện theo Pháp lệnh Thủ đô. Vả lại, nếu dự toán sát thì phần vượt thu cũng sẽ không lớn.

Có mặt tại phiên họp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh nêu ra nhiều bức xúc đô thị đang hiện hữu ở Hà Nội và nếu không có cơ chế, chính sách đặc thù, thành phố sẽ không thể xử lý dứt điểm các vấn đề đó. Chẳng hạn, việc di dời trường học, bệnh viện đã nói từ nhiều năm nhưng do không có chế tài nên Hà Nội chưa làm được.

Sau khi tiếp tục nghe giải trình thêm của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Công Nghiệp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu “với nhiều năm kinh nghiệm ở cương vị lãnh đạo TP Hà Nội”. Ông nói: “Hà Nội hiện phải đối diện với quá nhiều vấn đề, có vấn đề do năng lực chủ quan của đội ngũ quản lý, nhưng cũng nhiều vấn đề nảy sinh do khung pháp lý bất cập. Cần phải bàn, với quyết tâm rất cao để sớm thông qua luật, nhanh chóng gỡ khó cho địa phương”. Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm chất lượng của văn bản luật.      

Ngày 22-5: Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII

Chiều 6-1, UBTVQH đã thảo luận về Dự án Luật Biển Việt Nam và thông qua Nghị quyết của UBTVQH về việc công bố ngày bầu cử đại biểu QH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 và việc thành lập Hội đồng Bầu cử Trung ương. Theo Nghị quyết vừa được thông qua, cuộc bầu cử đại biểu QH khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 sẽ được tổ chức vào ngày chủ nhật, 22-5-2011. Hội đồng Bầu cử Trung ương gồm 21 người. Chủ tịch Quốc hội là Chủ tịch Hội đồng Bầu cử.

Chính Trung