Cần siết chặt, quản lý việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX

ANTD.VN - Từ năm 2009 đến tháng 12/2021, cả nước xảy ra hơn 361.600 vụ tai nạn giao thông đường bộ, làm chết hơn 113.000 người. Đáng chú ý, là nguyên nhân gây tai nạn giao thông do lỗi chủ quan của người tham gia giao thông chiếm đến 90% số vụ. Dư luận đặt ra những câu hỏi băn khoăn về chất lượng đào tạo, sát hạch và cấp giấy phép lái xe cho người điều khiển phương tiện giao thông. Khi mà thời gian gần đây, thông tin về các vụ việc mua bán bằng lái xe giả, dịch vụ nhận làm bằng lái xe tràn lan trên mạng xã hội. 

Tràn lan những thông tin quảng cáo về dịch vụ làm bằng lái xe giả một cách công khai trên MXH. Chỉ cần bỏ ra vài triệu đồng. Sau 7-10 ngày đã có thể có trong tay một bằng lái xe. Và thực tế, thời gian vừa qua, lực lượng Công an các địa phương đã phát hiện, triệt xóa nhiều đường dây mua bán, làm giả giấy phép lái xe với thủ đoạn hoạt động tinh vi.

Việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hiện nay giao cho Bộ Giao thông vận tải quản lý. Việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ lại giao cho Bộ Công an. Thực tế, mỗi năm, Phòng CSGT, Công an các địa phương lại lưu giữ hàng trăm hồ sơ liên quan đến tạm giữ, tước GPLX bị tồn đọng mà người vi phạm không đến xử lý.

Nguyên nhân là bởi, mức tiền xử phạt vi phạm giao thông cao, trong khi thủ tục cấp lại GPLX tại sở GTVT khá đơn giản, lệ phí thấp. Vì vậy, người vi phạm không đến thực hiện quyết định xử phạt, mà khai báo gian dối mất GPLX để được cấp lại. Như vậy, bất cập không chỉ đối với việc cấp GPLX mà việc quản lý sau sát hạch, cấp giấy phép cũng cần phải chặt chẽ, thống nhất hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển chức năng QLNN về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cho Bộ Công an là phù hợp và đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn công tác đảm bảo TTATGT. Ngành Công an có thuận lợi trong việc sử dụng, kết nối hệ thống dữ liệu về xử phạt vi phạm, tai nạn giao thông, đăng ký phương tiện. Đây là cơ sở để quản lý người lái xe, áp dụng các chế tài xử phạt vi phạm hành chính bảo đảm chính xác, khách quan, thống nhất, không bỏ lọt vi phạm và xem xét tình tiết tăng nặng đối với các trường hợp vi phạm nhiều lần, tái phạm trên toàn quốc.

Phát huy nguyên tắc này, yêu cầu thống nhất cơ quan QLNN trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông là đòi hỏi của thực tiễn QLNN về ANTT. Việc thay đổi cơ quan quản lý là Bộ Công an không gây xáo trộn đến các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe đang hoạt động. Bởi Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ cũng xác định đào tạo, sát hạch lái xe là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của PL. Nhà nước không can thiệp vào hoạt động kinh doanh của các cơ sở đào tạo.