Cần quy định mức trần Hà Nội được giữ lại từ tiền sử dụng đất, cho thuê đất

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Về quy định cho phép ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại tối đa các khoản thu từ tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất tại Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi, Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định cụ thể mức trần được giữ lại.

Trong phiên họp chiều 10-11, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Báo cáo nêu rõ, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cơ bản tán thành việc tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội trên cơ sở kế thừa mô hình đang được thí điểm theo Nghị quyết 97/2019/QH14 của Quốc hội.

Về số lượng đại biểu HĐND thành phố Hà Nội (khoản 2 Điều 9), Ủy ban Pháp luật nhận thấy, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền cho thành phố Hà Nội theo dự thảo Luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị là cần thiết.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thủ đô sửa đổi

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thủ đô sửa đổi

Về phân quyền trong việc quyết định số biên chế tăng thêm, Ủy ban Pháp luật cho rằng, hiện nay biên chế trong toàn hệ thống chính trị đang được Bộ Chính trị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và quyết định giao biên chế cho các địa phương, vì vậy, đề nghị không quy định nội dung này trong Luật.

Về chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội, Ủy ban Pháp luật đề nghị chưa nên quy định các nội dung quá đặc thù trong dự thảo Luật khi chưa rõ về quy mô, chức năng, định hướng phát triển của các đô thị này.

Về chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô (Điều 18), có ý kiến đề nghị Chính phủ cân nhắc việc quy định chế độ tiền lương, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức Thủ đô trong dự thảo Luật vì Nghị quyết số 27-NQ/TW đặt ra yêu cầu chỉ thực hiện thí điểm cơ chế chi thu nhập bình quân tăng thêm đối với một số địa phương đã tự cân đối được ngân sách. Do đó, nội dung này cần được tổng kết, đánh giá trước khi luật hóa để áp dụng ổn định, lâu dài.

Về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong một số lĩnh vực, một số ý kiến đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ các trường hợp áp dụng biện pháp này và quy định trình tự, thủ tục áp dụng chặt chẽ để bảo đảm thực sự thích đáng và có tính khả thi, phát huy được hiệu quả khi thực hiện, tránh tùy tiện và lạm dụng trong áp dụng pháp luật.

Về việc vay nợ của thành phố Hà Nội (khoản 4 Điều 35), có ý kiến cho rằng, dự thảo Luật hiện đang quy định mức vay nợ của thành phố Hà Nội rộng hơn rất nhiều so với các địa phương đang được hưởng cơ chế đặc thù, vì vậy, đề nghị quy định trần mức vay là 120% số thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp, tương tự như TP. HCM.

Về quy định cho phép ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại tối đa các khoản thu từ tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất thuộc thẩm quyền quản lý của Thành phố (khoản 5 Điều 35), Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định cụ thể mức trần ngân sách thành phố Hà Nội được giữ lại để phù hợp với yêu cầu của Nghị quyết số 18-NQ/TW về cơ chế điều tiết nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương, bảo đảm minh bạch, thuận lợi trong triển khai.

Về thẩm quyền quyết định đầu tư, đề nghị chỉ phân quyền cho thành phố Hà Nội quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư đối với những dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, đối với những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành...